<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>“Tiếng sóng bủa ghềnh” là tên cuốn hồi ký của tác giả Ngô Thị Huệ, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Cả hai tập của hồi ký được giới thiệu đến bạn đọc vào ngày 22/11 tại Hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên. </em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tiếng sóng bủa ghềnh là tập hồi ký ghi lại từng chặng đường của cô thôn nữ Ngô Thị Huệ 17 tuổi đến với cách mạng và dần trở thành một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, phụ nữ Việt Nam như lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sự nghiệp cách mạng của cô Huệ gắn liền với Nam kỳ khởi nghĩa, khi đó, cô cũng là một thủ lĩnh của Nam kỳ khởi nghĩa và là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại buổi giới thiệu sách, các bạn đoàn viên, thanh niên được giao lưu và đặt câu hỏi trực tiếp với cô Ngô Thị Huệ hay Dì Bảy – cái tên mà các đồng chí, anh chị em thân thiết gọi cô. 75 năm trôi qua nhưng dấu ấn của Nam kỳ khởi nghĩa đối với Dì Bảy vẫn sâu sắc vô cùng nên dì cứ lặp đi lặp lại câu chuyện của những ngày khởi nghĩa. Cô Ngô Thị Huệ đặc biệt nhấn mạnh về cái tên của cuốn hồi ký. Đó là âm thanh quen thuộc ở quê nhà cứ đeo đuổi mãi trong đầu cô từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ, âm thanh của những ngày một mình chèo xuồng từ Trà Ôn về Càng Long để tham gia kháng chiến.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> Phát biểu tại buổi giới thiệu sách, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn cho biết: “Cuốn hồi ký không chỉ kể lại câu chuyện đời của cô mà còn kể lại dấu ấn dân tộc, sự kiện quan trọng của đất nước, tình yêu, tình mẫu tử. Câu chuyện của cô Ngô Thị Huệ - người phụ nữ có 80 năm tuổi Đảng sẽ góp phần định hướng cách mạng và lí tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cuốn hồi ký “Tiếng sóng bủa ghềnh” được hoàn thiện và giới thiệu đến độc giả nhờ vào nỗ lực của tác giả và nhóm thực hiện. Buổi giới thiệu sách cũng là một trong những hoạt động nhằm kỷ niệm 75 năm ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>TUYẾT VY</strong></span></span></p>
</body></html>