<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chương trình “Ở nhà dân” (homestay) là một nội dung quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản 2015. Dù “rào cản” là ngôn ngữ nhưng các bạn vẫn đến với nhau và yêu thương nhau bằng ngôn ngữ của… tấm lòng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chiều 19/11/2015, 322 đại biểu Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản 2015 đã thu dọn hành lí đến “chung sống” với những hộ gia đình chưa một lần gặp mặt, không hề quen biết.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Mang nhiều tâm trạng: háo hức, khám phá, trải nghiệm và cũng một chút hồi hộp, một chút lo lắng bởi những đại biểu đến từ những đất nước khác nhau sẽ sống với những con người có thể khác biệt rất nhiều về văn hóa, về màu da, mái tóc, cách ăn, cách ở và cả rào cản về ngôn ngữ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thế rồi lòng mến khách và sự chân thành từ những gia đình nuôi cùng với sự nhiệt tình, gần gũi của những đại biểu đã xóa bỏ mọi rào cản. Từ những con người xa lạ, họ đã chung sống và sinh hoạt cùng nhau, trở thành những người rất thân quen thậm chí là một gia đình thật sự.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong những ngày nhận nuôi đại biểu, những ông bố, bà mẹ, anh chị em người Việt Nam đã để lại cho đại biểu SSEAYP 2015 những trải nghiệm đủ đẹp để hóa thành kỉ niệm và sau đó là hoài niệm nếu có không dịp trở lại thăm lần nữa.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cho dù đến từ bất cứ đâu, ăn những món ăn rất khác nhau, đặt niềm tin vào những tôn giáo khác nhau, nói những thứ ngôn ngữ khác nhau nhưng khi ngồi chung lại với nhau thì họ lại là một gia đình. “We are a family – Chúng ta là một gia đình” là câu nói được xướng lên nhiều nhất trong suốt thời gian diễn ra chương trình “ở nhà dân”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Anh Nghĩa (gia đình nuôi quận Gò Vấp) chia sẻ: “Mới gặp các bạn cũng hơi ngại vì ít khi có người lạ mà lại là người nước ngoài sống trong nhà. Sợ không quen nhưng rồi mọi thứ đều ổn. Không hiểu nhau bằng tiếng nói thì sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Chỉ cần các bạn cảm nhận được mình chăm sóc chu đáo thì các bạn sẽ xem mình như gia đình”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cảm động nhất vẫn là những câu nói của má Cúc (Quận 3, gia đình nuôi đại biểu từ năm 1996): “Má thấy mình mạnh mẽ lắm. Nuôi đại biểu từ năm 1996, năm nào cũng khóc quá trời. Vậy mà vẫn nuôi. Rồi năm nay, mấy đứa mới vào lại thấy đỡ nhớ mấy đứa cũ hơn mà đứa nào má cũng thương như con vậy. Sáng nay đi chợ Bến Thành, má mua cho 2 đứa 2 cái áo dài mà má khóc quá trời tại má nghĩ tới chiều mai là tụi nó đi rồi. Buồn lắm!”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nói rồi má tìm lại mấy tấm hình tiễn tàu những năm trước, mắt má lại ươn ướt, giọng má chợt nghèn nghẹn: “Bây coi tới cảnh này chịu nổi không, má không nói chuyện được với tụi nó chỉ gọi được tên thôi nhưng má thương tụi nó, tụi nó thương má là được rồi! Tụi nó sống ở đâu, làm gì thì cũng từng là con của má và mãi là con của má!”. Ngày tiễn tàu, bên đầu dây ruy băng bên kia tàu, bạn Ibnu Latip và Yuto Takeda cũng đang khóc rất nhiều và không muốn chia tay má Cúc. Có lẽ niềm tự hào lớn nhất của má là trở thành mẹ trong lòng rất nhiều đứa con quốc tế.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Con tàu Nippon Maru mang một sứ mệnh kết nối văn hóa, thắtchặt tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác quốc tế giữa các nước Đông Nam Á và Nhật Bản thì chương trình Homestay chỉ đơn giản là một hành trình kết nối những tấm lòng, hành trình mà những trái tim tìm đến những trái tim để lắng nghe từng cung bậc cảm xúc, để trao gửi yêu thương, để viết nên một văn hóa mới “cho đi” và “nhận lại”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đã cho đi thì sẽ nhận lại, tình yêu thương luôn bắt nguồn từ hai phía. Đáp lại sự thương yêu và trân trọng của gia đình Việt Nam, đại biểu SSEAYP đã trở thành những đứa con đúng nghĩa. Họ luôn hướng về những ông bố, bà mẹ Việt Nam bằng những tình cảm rất chân thành.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Khoảng thời gian chưa đầy 2 ngày thật quá ngắn ngủi để bắt đầu cho một môi trường mới, một mối quan hệ mới. Nó không đủ để tổ chức một chuyến du lịch thật ấn tượng, không đủ để ghé thăm những người bạn thân quen nhưng lại đủ để khiến con người ta rơi nước mắt lúc chia tay.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Khi đóa hoa tình yêu vừa chớm nở, khi đại biểu và gia đình nuôi bắt đầu quen tiếng, quen hơi thì cũng là lúc phải chia tay. Con tàu viễn dương sẽ tách bến đến một phương trời khác, gia đình nuôi lại trở về với cuộc sống thường ngày. Rồi sẽ nhớ, sẽ thương, sẽ thấy thiếu vắng một cái gì không diễn tả được. Nhưng vẫn còn đó những kỉ niệm, những yêu thương đã trao gửi cho nhau bằng ngôn ngữ của tấm lòng.</span></span></p>
<table align="center" border="1" cellpadding="1" cellspacing="1" style="width:500px">
<tbody>
<tr>
<td>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hai bạn đại biểu xúc động trước tấm lòng của má Cúc đã học viết những lời tri ân bằng tiếng Việt gửi đến má:</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bạn Ibnu Latip - Đại biểu Brunei: “Cảm ơn vì đã đón tiếp chúng con. Cảm ơn vì những món ăn ngon. Con rất thích tôm! Cảm ơn má Cúc đã giúp đỡ con!”</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bạn Yuto Takeda - Đại biểu Nhật Bản: “Rất vui vì được gặp má Cúc tại TP.HCM. Cảm ơn vì món ăn rất ngon. Con thích lắm. Con rất mong chờ ngày mai được đi chơi với má!”.</span></span></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p style="text-align: right;"><strong>THANH ĐỨC – QUỲNH DUNG – LÊ CHÂU – NGỌC PHONG</strong></p>
</body></html>