<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tình nguyện viên tuổi</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Tình nguyện
viên tuổi... 72</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mấy hôm rày, ông ho ra máu phải
nhập viện điều trị. Thế mà cứ rảnh rỗi ông lại lôi mấy tờ báo ra theo dõi tin
tức của cơn bão số 7. Ông bảo: “Không biết nó (cơn bão số 7- PV) có vào nước ta
không nhưng sao tôi thấy lo lo thế nào”. Đó là những lời tâm sự của ông Đào Văn
Tư- 72 tuổi, cựu chiến sĩ thông tin, là chiến sĩ tình nguyện mê làm từ thiện.
</font></p>
<ul>
<li>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Sửa xe ủng
hộ người nghèo</font></b></li>
</ul>
<font face="Arial">
<div align="left">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="left" border="0" id="table4">
<tr>
<td><font size="2">
<img border="0" src="tinh%20nguyen%20tuoi%20722.JPG" width="173" height="250">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font face="Arial" color="#808080" size="2">Ông
Đào Văn Tư bên “tiệm” sửa xe từ thiện ở cư xá Tân Cảng</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font size="2">Năm 1994 về hưu, thì năm 1995 ông Tư sắm sửa
đồ nghề ra đầu ngõ sửa xe đạp. Gia đình không ai phản đối vì quá biết tính khí
của ông: đã làm gì thì không ai cản được. Thế là hơn 10 năm trời, dù nắng hay
mưa, ở góc đường khu cư xá Tân Cảng (Q. Bình Thạnh) vẫn có một ông lão tóc muối
tiêu ngày ngày cặm cụi bơm, sửa xe đạp. </font></p>
<p align="justify"><font size="2">Có điều lạ là ở chỗ ông ngồi, bao giờ cũng có
một thùng nhỏ với dòng chữ: Sửa xe ủng hộ người nghèo. Tiền sửa xe, ông đều bỏ
vào thùng. “Có đi mới thấy bà con còn nghèo lắm. Mình còn sức sửa xe, một ngày
kiếm được dăm ba ký gạo là đã giúp được một gia đình chống chọi với cái đói,
chẳng lẽ ngồi không lãnh lương hưu”- ông tâm sự. </font></p>
<p align="justify"><font size="2">Thấy ông già mà vẫn miệt mài sửa xe, có người
thay vì trả 5000đ thì bỏ luôn 10.000đ vào thùng. Ông nhìn thấy liền móc túi trả
lại 5000đ. Ông cười: “Tôi sửa xe lấy tiền làm từ thiện chứ chưa cần xin. Công
tôi tới đâu thì tôi nhận tới đó”. Người ta nói ông “dở hơi”, ông cười trừ: “Kệ,
việc mình làm có ích là được”.<br>
<br>
Cứ thấy thùng từ thiện hòm hòm, ông lại đem tới các tòa soạn báo hay đài truyền
hình đóng góp. Có lúc, ông cưỡi con ngựa sắt “Thống Nhất” cọc cạch đến tận vùng
sâu chia sẻ với dân nghèo. Hơn 10 năm, ông đã có 5 chuyến đi như thế.<br>
<br>
Mà đâu chỉ thế, ông còn có ước mơ khác: chinh phục miền Bắc bằng con ngựa sắt cũ
kỹ của mình. Đã 2 lần ông “lần mò” ra Bắc bằng xe đạp. Lần đầu năm 1999, ông đạp
xuống Đồng Tháp Mười thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc rồi ra Bà Rịa- Vũng Tàu thăm quê
hương chị Võ Thị Sáu, sau đó “một mình một ngựa” ra thăm Đền Hùng, viếng Lăng
Bác. Năm 2004, cũng bằng xe đạp, ông xuyên đường Trường Sơn thăm nghĩa trang
Liệt sĩ Trường Sơn rồi ra viếng Bác. </font></font></p>
<ul>
<li>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">72 tuổi
vẫn… “chạy” tốt</font></b></li>
</ul>
<p align="justify"><font face="Arial"><font size="2">Gần một năm nay, ông Tư cất
đồ nghề vào kho. Ông tâm sự: “Sức yếu rồi, tay phải cứ run bần bật thì làm sao
sửa xe. Tôi tạm gác việc sửa xe để kiếm việc khác có ích hơn”. Tình cờ đọc báo
về chiến dịch Mùa hè xanh 2006, ông nảy ra ý định: Đi làm chiến sĩ! Ông đến
Thành đoàn đăng ký. Thấy ông lớn tuổi, anh cán bộ lo lắng: “Bác lớn tuổi rồi,
liệu có tham gia được không?”. Ông đáp: “Nhằm nhò gì, tuổi hơi cao nhưng tôi
vẫn… chạy kịp đám trẻ, đừng lo”. Biết không thể cản, Thành đoàn bố trí cho ông
đi chiến dịch tại TP. Nghe tin, ông cự: “Các cậu cứ bố trí cho tôi đi nơi xa
nhất, chứ tôi không ở TP đâu”. Thế là sau lễ xuất quân, ông và sinh viên Trường
ĐH Mở – Bán công TP tiến thẳng… Đắc Nông.<br>
<br>
Được phân công về ở nhà một trưởng bản cùng mấy cậu sinh viên, việc đầu tiên ông
làm là xây giếng. Mấy cậu sinh viên còn đang bối rối thì ông bảo: “Để đó, tôi sẽ
thiết kế một giếng trời thật ngon”. Hôm đó ông thức trắng đêm, đem kinh nghiệm
của những chuyến đi vào Nam ra Bắc tự “vẽ” 3 kiểu giếng. hơn 2 ngày xoay trần
làm việc, tác phẩm của ông hoàn thành: vừa đẹp, vừa tiện lại rất an toàn. Tiếng
lành đồn xa, “kỹ sư xây giếng” Đào Văn Tư được các làng bên mời về giúp xây
giếng. Bảy cái giếng trời chính là thành quả của ông trong một tháng làm chiến
sĩ.</font></p>
<div align="right">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td><font size="2">
<img border="0" src="tinh%20nguyen%20tuoi%2072.JPG" width="265" height="172">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font face="Arial" color="#808080" size="2">Ông
Đào Văn Tư bên “công trình” do mình và sinh viên ĐH Mở - Bán công
thực hiện</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font size="2">Lần khác, ông và một số chiến sĩ vượt đường
rừng hơn ba giờ đến nhà của một người dân tộc. Cả nhà 5 người sống trong túp lều
rách nát. </font></p>
<p align="justify"><font size="2">Sau một tai nạn, người cha của ba cô con gái
nhỏ bị liệt hai chân khiến gia cảnh càng khổ hơn. Sửa lại căn nhà nhỏ, ông và
các sinh viên bắt tay vào xây giếng, láng sân rồi tiện tay xây luôn khuôn bếp.
Kinh phí trên phân bổ chỉ có 300.000đ, làm sao đủ? Vậy là mọi người góp thêm
500.000đ. Cái siết tay thật chặt của người chủ nhà khiến ông và các bạn sinh
viên không cầm được nước mắt: “Dân mình còn nghèo lắm, ước chi… ”, ông Tư kể.<br>
<br>
Chiến dịch kết thúc, ông nhắn cán bộ Đoàn: Có đi đâu nhớ rủ bác đấy! Tháng 10
vừa rồi, Thành đoàn TPHCM đưa đội hình thanh niên tình nguyện giúp đồng bào
trong cơn bão số 6 ở miền Trung. Mới mổ mắt hai ngày, nghe tin, ông Tư lại ba lô
lên đường. Tại lễ xuất quân, ông nói: “Hai bữa nay không ngủ được, người tôi cứ
nôn nao thế nào ấy. Sức khỏe yếu hơn dạo trước nhưng không sao, giúp được đồng
bào nghèo tới đâu là mình giúp”. Trước hôm đi, ông bị ho đến mấy ngày, biết
không cản được cha, con gái ông đã lẳng lặng bỏ bịch thuốc và chai dầu gió vào
ba lô…<br>
<br>
Chúng tôi có gọi điện thoại đến nhà và được vợ ông Tư thông báo ông vừa trở bệnh
đã nhập viện. Đến thăm ông ở Bệnh viện Thống Nhất, cố kềm những cơn ho, ông hỏi
chúng tôi, khi nào Thành đoàn tổ chức đi giúp đồng bào nghèo bị thiên tai nhớ
cho ông biết để còn đăng ký tham gia! Còn trước mắt, ngay sau khi xuất viện, ông
sẽ lôi ngay đống đồ sửa xe ra đầu ngõ: “Bây giờ xe đạp ít lắm nhưng kệ, một ngày
kiếm được ký gạo cho người nghèo là mừng rồi”. </font></p>
<p align="right"><b><i><font size="2">Theo SGGPO</font></i></b></p>
</font>
</body>
</html>