<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chị Bùi Thị Như Trang – giáo viên trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám quận Tân Bình, với gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề “gõ đầu trẻ” cùng những câu chuyện thật thú vị.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Hơn hết là tình thương</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nghề nào cũng cần đam mê và nhiệt huyết, nhưng với chị Trang tình thương là điều quan trọng hơn cả, có thương các học trò của mình thì mới hiểu, mới giúp các em tiến bộ được.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Gần 10 năm dạy học, chị đã dạy qua hầu hết các khối ở bậc tiểu học, mỗi khối đều có những đặc thù riêng ở mặt lứa tuổi, vậy nên người làm thầy phải biết và hiểu được tâm lý các em, biết học trò của mình “cần thứ gì để cho thứ ấy”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nỗi niềm của những người làm thầy là truyền đạt cảm hứng cho học trò của mình, mỗi giờ lên lớp chị luôn tạo không khí thân mật và thoải mái để các em dễ dàng tiếp thu kiến thức. Kể về những câu chuyện khi đứng lớp chị chia sẻ: “Khó khăn thì nhiều lắm, mà niềm vui cũng không hề ít”. Những ngày mới ra trường, lúc đó chị chưa có kinh nghiệm nhiều, có ngày đi dạy về chỉ biết ngồi khóc, buồn vì nói hoài mà các em không hiểu ý, lại quản lý các em chưa được tốt. Lúc ấy chị làm chủ nhiệm học sinh lớp 1, có em đi học còn mang theo bình sữa, còn tè dầm trong lớp, có đứa đi học nhớ mẹ còn đòi về… Giải quyết chừng ấy nhu cầu của học trò, với một cô giáo mới ra trường thật không gì khó bằng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi mới bước chân vào nghề, chị Trang luôn quan niệm phải hết mình bằng tình thương. Gần 10 năm đi dạy chị chưa hề quát mắng hay lớn tiếng với học trò của mình, chị bảo: “Không nên làm thế, vì các em dễ bị tổn thương”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong giảng dạy, chị luôn cố gắng mang đến cho học trò của mình những bài học mới qua những kĩ năng. Bằng những câu chuyện gợi mở, những hình ảnh hay gặp trong cuộc sống mỗi ngày, chị lấy đó làm bài học cho các em, ngoài kiến thức văn hóa, các em còn phải biết tôn trọng mọi người xung quanh, biết cảm thông chia sẻ với bạn bè, biết xin lỗi và biết cảm ơn. Chị bảo: “Mình dạy các em học trò cũng giống như dạy con mình vậy đó!”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Yêu nghề thành yêu đời </strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhớ về những ngày mới đi dạy kỉ niệm với chị nhiều lắm, chị bảo lần xúc động nhất có lẽ là lần đầu tiên được học trò tổ chức sinh nhật. Các em mới 8 tuổi nhưng đã biết cách tổ chức hoạt động rất bài bản. Chị Trang nhớ kĩ chiếc bánh kem bé xíu được học trò mang tặng tận tay trong ngày sinh nhật của mình, nhớ những bài hát, những câu chuyện các trò thi nhau kể, bày trò làm cô giáo vui trong ngày sinh nhật.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chúng tôi hỏi chị Trang: Điều gì làm chị hài lòng nhất trong cuộc sống hiện tại? Chị cười thật tươi rồi đáp: “Mình yêu nghề nên đời mình thấy cái gì cũng vui”. Hằng ngày được lên lớp gặp học trò là vui, thấy các em ngày càng tiến bộ là vui. Chị kể lại những đêm khó ngủ vì có em không nghe lời, học sinh cá biệt có những hành động không tốt với bạn bè, lúc đó chị buồn và trăn trở nhiều lắm, làm sao để thay đổi được các em. Chuyện người làm nghề giáo dục là phải biết cách dạy dỗ các em ngày một phát triển và thay đổi tốt hơn, nếu 100 em học sinh mà em nào cũng giỏi, cũng ngoan là chuyện hoàn toàn không thể.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hiện tại, chị Trang có 2 con nhỏ, một bé trai học lớp 1 và một bé gái vừa tròn 4 tháng tuổi. Sau vài tháng nghỉ ở nhà sinh con, chị bảo: “Nhớ trường dữ lắm, mấy hôm, có học sinh đạp xe tới tận nhà thăm cô rồi hỏi chừng nào cô mới đi dạy lại, nghĩ thấy thương mấy đứa học trò, cũng mong con nhỏ mau cứng cáp để quay lại giảng dạy các em. Nhiều lúc nhìn con mình lại nhớ tới ấy đứa nhỏ ở trường giữ lắm”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Xã hội ngày càng hiện đại, càng phát triển, con người người ta càng có những mong mỏi, những tham vọng để vươn cao vươn xa hơn mỗi ngày. Nhưng riêng đối với chị Trang, điều cao quý và đáng trân trọng nhất là trở thành một người mẹ tốt, người vợ tốt và một cô giáo luôn yêu nghề.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>HỒ ĐỨC</strong></span></span></p>
</body></html>