<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngày 28/11, CLB Văn minh học đường thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) phối hợp cùng CLB thư pháp Kiến Việt ĐH Kiến Trúc đã tổ chức thành công buổi giao lưu chia sẻ về đề tài “Nét việt – hồn việt”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ở Việt Nam ngày xưa, vào mỗi dịp tết đến xuân về, người dân tìm đến thầy đồ, hay những người “hay chữ” để xin chữ về treo trong nhà giống như một bức tranh, vừa mang lại may mắn, vừa là món đồ trang trí hay món ăn tinh thần. Thư pháp còn xất hiện trong thi ca, nhạc họa, kiến trúc, điêu khắc… từ lâu đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Việt.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngày nay nhiều bạn trẻ rất hứng thú với loại hình nghệ thuật này. Những CLB thư pháp ra đời nhằm gắn kết, tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ và cùng nhau thể hiện niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bạn Lê Hữu Trường, sinh viên năm 4 trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM, Chủ nhiệm CLB thư pháp “Kiến Việt” chia sẻ trong buổi giao lưu, thư pháp là một bộ môn nghệ thuật rèn luyện tinh thần từ những con chữ, hình ảnh để thấy rõ chân tâm góc cạnh của một con người. Để viết thư pháp đẹp rất cần tới sự rèn luyện, không thể nóng vội. Viết thư pháp là cách để tu dưỡng bản tính một con người. Ngày nay những bạn trẻ cũng có thể làm được điều đó nếu thực sự yêu thích.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoài, giảng viên chuyên ngành Hán Nôm tại khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH KHXH&NV đã có những chia sẻ chuyên sâu, ngoài những kiến trúc điêu khắc về sau cuối thế kỉ XX tại những công trình lớn ở Huế, hay các lăng dinh thự, Việt Nam hiện tại không lưu giữ được bút tích thư pháp trên giấy những năm của thập niên 80. Thầy Hoài cũng có những giới thiệu về 2 loại hình của thư pháp: Thư pháp Hán – Nôm và thư pháp Quốc ngữ cho toàn thể các bạn sinh viên tham dự chương trình rõ hơn về loại hình nghệ thuật này.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thư pháp ngày nay không còn quá xa lạ với nhiều người, với nhiều hình thức thể hiện, trên: giấy, gỗ, vải hay các loại tranh thêu…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thư pháp hiện đại ngày nay gắn với hình ảnh đi kèm con chữ, vừa mang nét thanh tao vừa tạo sự tươi mới, không hề gò bó, đó cũng chính là nét đổi mới trong loại hình nghệ thuật này.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các bạn trẻ ngày nay có nhiều sự chọn lựa đam mê, yêu thích cho riêng mình, trong đó thư pháp cũng là một lựa chọn thú vị. Lựa chọn thư pháp là điểm đến, con người ta sẽ dừng lại để cảm nhận chính bản thân mình trong từng con chữ, vừa rèn chữ vừa rèn người. Cũng từ đó góp phần lưu giữ và duy trì một loại hình văn hóa nghệ thuật tinh túy và giàu bản sắc dân tộc.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>HỒ ĐỨC</strong></span></span></p>
</body></html>