<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Ứng viên Công dân trẻ tiêu biểu 2015:</strong></span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Phạm Hồng Chung – Từ người bị cướp giật đến cảnh sát hình sự đặc nhiệm</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đam mê, bản lĩnh, sống có trách nhiệm - đó là những ấn tượng về anh Phạm Hồng Chung, đồng chí công an trẻ với 7 năm tuổi nghề, 7 năm gắn bó với công việc bằng ngọn lửa nhiệt huyết, lòng đam mê.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Chung tham gia rất nhiều các chuyên án đặc biệt và đối đầu với không ít những băng tội phạm nguy hiểm, có “máu mặt” trên địa bàn thành phố. Anh được lãnh đạo công an Thành phố tin tưởng, điều động về đội SBC (Săn bắt cướp), nay là đội Hình sự đặc nhiệm, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Đội của anh đã khám phá và xử lý nhiều vụ án cướp giật có tổ chức, hành hung, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Từng là nạn nhân bị cướp giật</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Năm học lớp 9, trên đường đi học về, tôi bị hai thanh niên giật chiếc đồng hồ mà mẹ mua cho. Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng và thất thần khi hai tên giật đồ đã chạy gần mất hút trong khi tôi còn chưa định thần và tin rằng mình đã bị mất tài sản”, anh Chung bày tỏ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Có lẽ, chính sự việc lần đó mà phần nào cũng đã hình thành trong Chung thói quen phải phòng vệ, cảnh giác cho riêng mình. Khi bản thân chính là người từng bị cướp, thì ít nhiều anh cũng phần nào hiểu được tâm lý của nạn nhân. Người bị cướp giật thường rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ, không định hình được sự việc vừa xảy ra. Những lúc này, họ rất muốn lực lượng công an có thể ra tay, giúp họ lấy lại tài sản.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo anh Chung, việc quan trọng nhất của một người làm công tác trinh sát, ngoài bắt những kẻ phạm tội thì có lẽ việc trấn an tinh thần người bị hại ngay tại thời điểm xảy ra cướp giật mới là điều quan trọng và nên làm nhất. Khi mới chuyển về công tác tại địa bàn, anh chưa được trực tiếp thụ lý những vụ án mà chỉ làm nhiệm vụ trấn an tinh thần người bị hại. “Giữ người bị hại khó hơn cả bắt kẻ phạm tội, tôi gặp khó khăn rất nhiều, bị mắng chửi, đưa thẻ công an họ cũng không tin, cứ nằng nặc bỏ đi, làm tôi phải đi theo, vì sự an toàn của người bị hại tôi phải cố làm sao thuyết phục để họ tin tưởng mình”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những năm 2006 – 2007, khi mới chập chững bước vào nghề, Chung từng là một người không những kém về công nghệ mà còn không quen đường. Qua quá trình gắn bó, anh được các anh em trong Đội hướng dẫn tận tình, lại đam mê, yêu nghề và chịu khó tìm tòi, học hỏi, với thói quen khi chưa làm xong công việc anh không an tâm về nhà, nên có những ngày trong tuần thay vì 17 giờ tan làm, thì anh luôn cố gắng nán lại, đôi lúc hơn 19 giờ tối mới chịu rời cơ quan. Chính vì sự kiên nhẫn, cần cù, chịu khó, anh tiến bộ rõ lên từng ngày.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Lúc chưa trờ thành 1 trinh sát, tội phạm cướp giật, ma túy, đối với tôi là những người rất ghê gớm. Nhưng bây giờ khi thực hiện được nhiệm vụ, mang lại sự bình yên cho xã hội, tôi thật sự vui, phấn chấn, tự tin khẳng định rằng tôi không chọn sai nghề”, Chung cho biết thêm.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong quá trình công tác, theo dõi các đối tượng tội phạm với thủ đoạn ngày càng tinh vi, Hồng Chung cùng đồng đội đã kiên nhẫn đấu trí với bọn tội phạm. Ý thức trách nhiệm của một người “bảo vệ nhân dân” đã giúp đội Hình sự đặc nhiệm của anh chiến thắng, bắt giữ hàng trăm tên tội phạm, thu giữ nhiều loại vũ khí nguy hiểm, thu hồi tài sản cho nhân dân với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Với những chiến công trên mặt trận phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự an ninh - xã hội, anh Hồng Chung được Công an Thành phố trao tặng nhiều bằng khen cao quý đối với người chiến sĩ công an. Tháng 7/2015, sau 8 năm công tác ở đội Đặc nhiệm hình sự, Trung úy Phạm Hồng Chung được chuyển về đội Tham mưu hướng dẫn nghiệp vụ cơ bản, xử lý hành chính, thuộc phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Khi nguy hiểm không chiến thắng đam mê</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Năm 2015, Anh Chung bị chấn thương trong quá trình truy bắt tội phạm, lần đó anh phải mổ và mất hơn một tháng vết thương mới tạm lành. Trong thời gian bị thương, anh tiếp quản công việc nhẹ nhàng hơn nhưng vì “ngứa nghề” nên đôi lúc anh vẫn vừa mang nẹp tre vừa tham gia giám sát an toàn trên địa bàn Quận.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Công việc của một người trinh sát đòi hỏi rất cao, vừa phải chịu được áp lực của nghề vừa phải cố gắng, phấn đấu học hỏi không ngừng. Nghề nào cũng có khó khăn, có chông gai, không có con đường bằng phẳng, trải thảm đỏ chào đón ai bao giờ. Chấn thương, hăm dọa… là những vấn đề thường xuyên gặp phải của người làm trinh sát. Nếu không có lòng đam mê, nhiệt huyết yêu nghề thì vấn đề bám trụ hay ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Có những đêm đang ngủ, điện thoại reo phải bật dậy chạy đi. Vợ thấy vậy thái độ khác ngay, nhưng đặc thù công việc của tôi là vậy, không thể làm khác được. Không thể vì hạnh phúc, quyền lợi của cá nhân mà quên đi trách nhiệm với xã hội”, anh vui vẻ kể lại.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Công việc không ổn định thời gian, không theo một lịch trình có sẵn. Khi có biến là anh lại xông xáo chạy ra đường “Nhiều đêm khi đã 2 – 3h sáng, nghe có tiếng xe máy rồ ga phóng nhanh ngoài cửa, người làm cha làm mẹ như tôi thật sự không thể nào an lòng. Tôi lo cho con mình không biết đang như thế nào ngoài đường, không biết nó có an toàn không, nó có bị gì không? Chỉ khi nào nghe tiếng chuông cửa, thấy con về nhà tôi mới an tâm đi ngủ”, mẹ Chung bồi hổi kể lại.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Công việc vất vả, đòi hỏi cao là thế, nhưng anh không bao giờ vì vậy mà nản lòng, trong anh luôn có “lửa” của một người làm trinh sát, luôn có sự khát khao cháy bỏng của lòng yêu nghề, quyết tâm gắn bó với nghề.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Từ nhỏ, Chung đã có thói quen rất kĩ lưỡng trong mọi chuyện, từ chuyện nhà cửa trong nhà đến những chuyện bên ngoài phụ giúp bố mẹ. Buổi tối khi học bài xong, dù 11 hay 12 giờ đêm Chung đều không quên xem lại cửa nhà đã khóa kĩ càng hay chưa rồi mới yên tâm đi ngủ”, mẹ Chung kể lại.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh những thành tích mà anh đã đạt được ở PC45 – CATP, anh còn là một chàng trai rất đảm đang và tháo vác công việc nhà “Tôi nghĩ tôi không thể để hết công việc nhà cho vợ làm một mình. Cả hai vợ chồng đều đi làm như nhau, đã là người chồng, người con thì phải biết san sẻ công việc giúp vợ, giúp mẹ. Khi làm xong thì cả 2 vợ chồng cùng nghỉ ngơi, như vậy sẽ hạnh phúc hơn. Tôi không thể “phè phỡn” khi vợ tôi còn đang phải lo một đống việc”, anh chia sẻ quan điểm.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhiều khi bị stress công việc, Chung cũng trở nên xấu tính mang công việc cơ quan về đến tận nhà. “Tôi biết mình nên bỏ qua công việc đang làm dở để về với gia đình, nhưng nhiều khi đi làm về mệt, con quấy khóc, tôi lại lớn tiếng với vợ. Nhưng sau đó, tôi biết mình sai nên đã xin lỗi ngay”, anh Chung cho biết.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> Mẹ luôn dặn dò tôi khi ra tay bắt giữ một người phạm tội, đừng bao giờ nóng tính vì như vậy sẽ làm hỏng hết mọi chuyện: “Con phải suy nghĩ lại rằng không phải ai cũng muốn mình phạm tội mà do hoàn cảnh đưa đẩy, do xã hội chèn ép nên họ mới phải làm những công việc như thế, con hãy đặt trường hợp người thân con cũng bị bắt thì con sẽ phải làm thế nào”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Và đó cũng là cách để anh đi tiếp chặng đường bảo vệ bình an cho người dân bằng sự điềm tĩnh, đam mê và trách nhiệm hết mình.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>MỸ NƯƠNG</strong></span></span></p>
</body></html>