<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Ứng viên Công dân trẻ tiêu biểu 2015:</strong></span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Võ Thành Công – Kình ngư cứu hộ trẻ</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Là một người lính cứu hộ, niềm vui đơn giản của tôi chính là mang lại hạnh phúc cho người khác” – Trung úy Võ Thành Công (Cán bộ Phòng Cứu nạn – Cứu hộ, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong quá trình đào tạo chiến sĩ mới, anh được nghe các anh kể nhiều về nghề cứu hộ, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ anh muốn cống hiến nên đã tình nguyện xin về công tác. Tính đến thời điểm hiện tại anh đã gắn bó nghề với biệt danh “Kình ngư cứu hộ” gần 8 năm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Từng sợ khi tìm nạn nhân chết đuối</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Võ Thành Công sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Dù trong gia đình không có ai theo ngành Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ, nhưng từ những ngày đầu còn là lính nghĩa vụ quân sự, Võ Thành Công đã sớm bộc lộ được tố chất ít người có được, đó là sự linh hoạt và khả năng phán đoán. “Kình ngư cứu hộ” là biệt danh do anh em trong đơn vị yêu mến đặt cho anh, anh chưa bao giờ tự mãn với những thành tích đã đạt được, không ngừng học hỏi, rèn luyện, trau dồi thêm chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh ý chiến đấu để phục vụ tốt cho công tác.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Lần đầu tiên được giao nhiệm vụ lặn tìm nạn nhân bị tai nạn đuối nước, tôi rất sợ nhưng được sự động viên của chỉ huy, đồng đội và chứng kiến nỗi đau của gia đình nạn nhân, tôi đã tự nhủ phải cố gắng thực hiện nhiệm vụ lặn tìm bằng được nạn nhân, để góp phần xoa dịu và giảm bớt nỗi đau cho người thân của họ”, anh Công cho biết.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là một chiến sĩ trẻ nên những ngày đầu về nhận công tác tại đơn vị, do phải thường xuyên làm việc trong những môi trường nguy hiểm, tâm lí chưa vững vàng cộng với việc chuyên môn nghiệp vụ chưa cao, anh chưa thực sự thực hiện tốt công việc của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhưng qua thực tế chiến đấu, được sự dìu dắt của thế hệ trước, được học hỏi thêm những kinh nghiệm quý báu, rèn luyện bản lĩnh, ý chí chiến đấu anh đã dần trưởng thành và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khi được hỏi về kỉ niệm làm anh nhớ nhất trong quá trình công tác, anh bày tỏ: “Làm nghề thì cái nào mình cũng đều nhớ cả”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Gần 8 năm công tác kỉ niệm làm anh nhớ nhất là vụ cứu hộ sập sàn căn tin tại tổng công ty cấp nước Sài Gòn SAWACO: “Mình đã cùng đồng đội cứu sống 14 người bị rơi từ độ cao khoảng 10m. Khi cứu được những người bị nạn, mình thật vô cùng hạnh phúc vì chính bản thân mình và đồng đội đã mang lại được hạnh phúc cho người khác. Đối với lính cứu hộ hạnh phúc chỉ đơn giản là được mang lại hạnh phúc cho người khác”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Cống hiến đến khi không còn sức lực</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Công tâm sự một khi đã chọn công việc này, anh và đồng đội phải chấp nhận với những hiểm nguy đang chực chờ, có khi phải đánh đổi cả mạng sống. Tuy nhiên, có thể cứu sống người hoặc tìm kiếm được thi thể người bị nạn, góp phần sẻ chia những mất mát của các gia đình đã giúp cho anh và đồng đội thêm động lực để tiếp tục gắn bó với công việc.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Tôi may mắn được sự động viện từ gia đình, bạn bè và người thân ủng hộ, tôi đã có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho đến khi nào không còn đủ sức nữa”, anh Công bày tỏ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Dĩ nhiên có vất vả, nguy hiểm nhưng anh em luôn xác định đó là nhiệm vụ của người chiến sĩ, dù phải hi sinh để đổi lấy sự bình yên cho người dân cũng sẵn sàng”, Trung úy Công chia sẻ về công việc của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Công tâm niệm, mỗi lần tham gia xử lý sự cố là một lần có thêm kinh nghiệm, nhất là trong những tình huống đứng giữa sự sống và cái chết. Với ý chí gan thép và ý thức trách nhiệm của một chiến sĩ cảnh sát nhân dân, anh và đồng đội đã vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh và đồng đội không những phải thường xuyên rèn luyện thể lực mà còn phải học để sử dụng tốt các trang thiết bị hiện đại như bộ đàm dưới nước, camera dò tìm trong đống đổ nát...</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Làm công tác cứu nạn cứu hộ dưới nước tám năm nay, trung úy Công chứng kiến quá nhiều cảnh thương tâm từ những tai nạn không đáng có. Vậy là hằng năm anh - với vai trò phó Bí thư Đoàn - luôn tích cực tổ chức tập huấn kỹ năng thoát nạn cho người dân, tuyên truyền chống đuối nước.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Công nói: “Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, nên cần được đào tạo tốt các kỹ năng phòng tránh tai nạn và kỹ năng tự bảo vệ cho các em”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tất cả những kinh nghiệm, cũng như các kỹ năng, nghiệp vụ trong cứu hộ cứu nạn mà anh Công tích lũy được trong quá trình tham gia cứu hộ cứu nạn đều được anh thường xuyên chia sẻ cho đồng đội, đồng nghiệp tại đơn vị và ở nhiều tỉnh, thành khác như Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong thời gian công tác tại đây, anh Công đã tham gia hàng trăm vụ lặn tìm, cứu sống nhiều nạn nhân đuối nước, tìm thấy hơn 100 thi thể nạn nhân. Từ đó, góp phần cung cấp chứng cứ để Công an Thành phố thực hiện điều tra, phá nhiều chuyên án góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Với những đóng góp trong công tác cứu nạn cứu hộ, thiếu úy Võ Thành Công được Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố vinh danh là "Chiến sĩ chữa cháy cứu nạn tiêu biểu năm 2015".</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>MỸ NƯƠNG</strong></span></span></p>
</body></html>