<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Đó là các em Bảo Hân, Khánh Linh, Thiên Hy, Hùng Đăng, Hồng Thụy đến từ trường Phổ thông năng khiếu Đại học Sư phạm TP.HCM (PTNK.ĐHSP). Đề tài “Vườn treo xanh” của nhóm đã gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo và những người theo dõi. </em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Giám khảo “like” Vườn treo xanh</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là học sinh lớp 10 và đây là sân chơi lớn đầu tiên mà nhóm tham gia, nhưng các em đã gây ấn tượng khá mạnh với mọi người cả về nội dung lẫn phong cách trình bày ý tưởng của mình. Cả giám khảo – PGS.TS. Đinh Xuân Thắng cũng đã giơ tay tặng một “like” cho nhóm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tự tin giới thiệu về những ý tưởng của mình một cách trôi chảy và rất logic, không ai nghĩ rằng các em chỉ mới là những học sinh lớp 10. Với những nguyên vật liệu vừa dễ tìm kiếm, vừa dễ tái sử dụng gồm: chai nhựa, ống nước dẻo và băng quấn, “ý tưởng xanh” của các em là tái sử dụng nước thải từ máy lạnh để trồng cây cảnh đặt trong chai nhựa. Nước thải máy lạnh sẽ được dẫn qua những chai nhựa đựng cây cảnh để nuôi cây. Từ đó phát triển mô hình “Vườn treo xanh” tại hộ gia đình cũng theo công nghệ như vậy. Các em có kèm theo một mô hình 3D vẽ “Vườn treo xanh”, trên đó sẽ trồng nhiều loại cây cảnh khác loại.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhận được nhiều lời khen về tính tích cực, đơn giản, chi phí cực thấp và đảm bảo khả năng tái chế, nhưng các giám khảo muốn nhóm đi sâu vào việc nghiên cứu tính khả thi nhiều hơn nữa. TS.Phạm Hồng Nhật cho rằng nếu ý tưởng này được nghiên cứu một cách khoa học hơn về độ an toàn khi tái sử dụng nước thải sinh hoạt và nghiên cứu về những loại cây thích hợp cho mô hình này, thì mô hình này sẽ rất được phổ biến.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Các nhóm học sinh phổ thông được đánh giá cao</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chung kết Ý tưởng sáng tạo trẻ năm nay có 6 nhóm được chọn tranh tài từ 112 đề tài gửi về sau 4 tháng khởi động. Chiếm một nửa trong số đó là các nhóm đề tài của các em học sinh phổ thông..</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đề tài đạt giải nhất là “Máy cảm ứng nước mưa trong công nghiệp” của hai em Nguyễn Đỗ Khánh Vân và Trần Thị Mỹ Anh, học lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đại diện cho Hội LHTNVN Quận 5 tham gia. Đó là một hệ thống điện từ phức tạp, sẽ tự động ngắt khi có nước tiếp xúc vào. Các em cho biết đã thử nghiệm mô hình này trong vòng 3 tháng tại một vườn thanh long. Sau thời gian thử nghiệm đã mang lại hiệu quả bước đầu được xem là hoàn chỉnh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Một đề tài khác do các em học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong thực hiện là “Đê mềm bằng vải địa kĩ thuật kết hợp với trồng rừng đước”. Với hai lớp đê: một lớp đê ngầm chế tạo bằng các nguyên liệu từ tự nhiên và một lớp đê trong bằng các loại vải kĩ thuật hoặc trồng rừng đước, bảo vệ đất trước sự xâm nhập mặn hoặc xói mò. Nhóm ước tính tuổi thọ sử dụng của mô hình này khi đã hoàn chỉnh là ...50 năm. Tuy nhiên chi phí thực hiện lại không phù hợp và chênh lệch so với tuổi thọ sử dụng nên được ban giám khảo yêu cầu đi sâu nghiên cứu tính khả thi.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">3 nhóm đề tài còn lại do các bạn sinh viên đến từ ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Kiến trúc thực hiện.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ lần VII năm 2015 do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM cùng Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp tổ chức.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trước đó, Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo lần VI cũng đã diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên và nhận được sự hưởng ứng từ hơn 50 đơn vị trường học và quận huyện Đoàn, cùng các câu lạc bộ, đội, nhóm khoa học trẻ của thành phố như: câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư, câu lạc bộ nhà khoa học trẻ, ... Các mô hình sản phẩm tham dự tập trung vào mục đích bảo vệ môi trường, tăng sử dụng nguyên vật liệu tái chế, các loại robocon, phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng sạch (xe chạy bằng năng lượng mặt trời, robot hồng ngoại ...), sản phẩm điện tử sạch, sản phẩm gây giống thực vật tự nhiên, trồng rau sạch tại nhà. Các gian hàng trưng bày các sáng chế được khá đông bạn trẻ thích thú tìm hiểu. </span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>