<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Tháng Thanh niên năm 2016, Ban Thường vụ Quận Đoàn 2 và các bạn đoàn viên phường An Phú đã đến thăm và trò chuyện với chú Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, nguyên Bí thư Thành Đoàn vào chiều ngày 05/3 tại tư gia của chú ở phường An Phú.</span></span></span></p>
<p style="text-align:center"><strong><span style="color:rgb(20, 24, 35)"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/3/25032/1.jpg" style="height:367px; width:650px" /></span></strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Hành trình đến với cách mạng…</span></strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Tuổi 15, với tinh thần yêu nước và chí hướng theo ngọn cờ của Đảng, Bác Hồ, chú Phạm Chánh Trực đã tham gia phong trào học sinh kháng chiến chống Mĩ. Có lẽ, ở cái độ tuổi mà đối với thế hệ ngày nay là tuổi ăn chưa no, lo chưa tới… Thế nhưng, đối với chú Năm Nghị – người con đất Việt sống trong thời chiến phải mang trong mình hai nhiệm vụ: học tập và quét sạch quân thù. Do vậy mà chú phải vừa học vừa âm thầm hoạt động cách mạng ở quê. Nhưng do bị lộ danh tính nên chú phải chuyển vào trường Chu Văn An ở Sài Gòn để học và tiếp tục làm cách mạng không ngừng nghỉ sau khi thay đổi toàn bộ giấy tờ tùy thân.</span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Trước năm 1968, đồng chí Bí thư Thành Đoàn bị bắt và hy sinh trong ngục, chú Năm Nghị được tín nhiệm chỉ định vào Ban Thường vụ Thành Đoàn và được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư Thành Đoàn; đến năm 1972 được bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Thành Đoàn. Ba năm sau (tháng 02/1975), Thành ủy huy động cán bộ Thành Đoàn chi viện dưới địa phương làm công tác vận động quần chúng nhân dân chuẩn bị phát động cuộc khởi nghĩa từ địa phương. Khi ấy chỉ còn lại 1/3 cán bộ Thành Đoàn ở lại Sài Gòn. Chú còn nhớ trong số ấy có đồng chí Trương Mỹ Lệ, đồng chí Dương Văn Đầy, đồng chí Trần Thị Ngọc Thảo và đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa. Không về địa phương nhưng các đồng chí tỏa ra tham gia vào 5 cánh quân ở mặt trận thành phố: Bàn Cờ - Vườn Chuối, Phú Nhuận – Gia Định, Cầu Bông – Đa Kao – Tân Định, Quận 4 – Khánh Hội và cuối cùng là Tân Bình.</span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Sau ngày miền Nam được giải phóng, các anh, chị cán bộ Thành Đoàn vẫn ở lại địa phương. Còn chú lại được điều về Sài Gòn làm Bí thư Thành Đoàn và đến năm 1977, Thành ủy điều động chú sang nhận nhiệm vụ công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố. Trong giai đoạn ấy, quan hệ hữu nghị giữa hai tổ chức thanh niên Việt Nam và Liên Xô rất khăng khít nên mỗi hai năm tổ chức Festival Thanh niên Việt – Xô một lần và luôn phiên thay đổi địa điểm tổ chức giữa hai quốc gia. Vậy là tới năm 1983, chú tiếp tục về làm Bí thư Thành Đoàn để xây dựng kế hoạch tổ chức Festival đón tiếp Đoàn đại biểu đến từ Đoàn Thanh niên cộng sản Lênin của Liên Xô sang thăm Việt Nam.</span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Năm 1986, chú đón nhận một nhiệm vụ mới ở Thành ủy, đó là Trưởng Ban Kinh tế Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, rồi sau đó là Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng,….Khi ngồi nghĩ lại những năm tháng đó, chú lại bật cười và chia sẻ: “Tưởng chừng mối duyên nợ với Thành Đoàn dường như chấm dứt từ sau Đại hội Đại biểu Thành Đoàn lần I. Nhưng trên mỗi chặng đường, trong tim chú chú Đoàn luôn là ngôi nhà thân thương. Đến lúc về hưu, chú lại có cái may mắn được phụ trách Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn – nơi tập hợp các anh, chị, em cán bộ Thành Đoàn qua các thời kỳ”.</span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Tự hào và trách nhiệm</span></strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Thay mặt tuổi trẻ Quận 2, đồng chí Trần Quốc Minh – Phó Bí thư Quận Đoàn đã chúc chú Năm Nghị luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục đồng hành và truyền lửa cho phong trào thanh thiếu niên Quận 2 nói riêng và Thành phố nói chung.</span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="color:rgb(20, 24, 35)">“Qua những câu chuyện mà chú kể về một thời hoa lửa đã khiến người trẻ như chúng mình cảm thấy thêm tự hào về thế hệ đi trước - những thế hệ được trui rèn trong lửa đỏ của phong trào đấu tranh của đoàn viên, thanh niên chống giặc ngoại xâm để giành độc lập dân tộc,... đến với cách mạng bằng lòng nhiệt huyết, lòng yêu nước, bỏ qua những toan tính, suy nghĩ riêng cho mình. Tuổi trẻ phường An Phú rất may mắn khi chú Năm Nghị sinh sống tại phường, để có thêm nhiều cơ hội đến thăm chú và được chú truyền dẫn ngọn lửa xung kích cách mạng trong công cuộc Đổi mới hôm nay” – Bạn Trần Khánh Tây, Bí thư Đoàn phường An Phú chia sẻ. </span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="color:rgb(20, 24, 35)">Trên đường về, trong suy nghĩ của mỗi người trẻ đều luôn nhớ lời căn dặn của chú Năm Nghị: “Trong huyết quản của lớp lớp tuổi trẻ thời chiến tranh đã sôi sục dòng máu anh hùng và lớp trước đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Thế hệ trẻ hôm nay càng nặng nề trách nhiệm: vừa xây dựng phát triển đất nước sánh vai cùng năm châu bốn biển, vừa bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn trước một thế giới đầy bất trắc. Dù cho sự vật không ngừng vận động, đổi thay, thế hệ trẻ kiên định con đường mà Bác Hồ đã chọn, chắc chắn sẽ tiến tới đỉnh vinh quang!”. </span></span></span></p>
<p style="text-align:right"><strong>Tin: TIẾN LỘC<br />
Ảnh: LÊ TRANG</strong></p>
<p style="text-align:right"> </p>
</body></html>