<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NH</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2">VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP THẾ GIỚI</font></b></p>
<table border="0" width="100%" id="table3">
<tr>
<td>
<p align="center">
<img border="0" src="viet%20nam%20va%20apec2.jpg" width="83" height="75" align="right"></td>
<td>
<p align="left"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"> Việt
Nam và Apec</font></b></td>
</tr>
</table>
<p align="left" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<div style="float: left; width: 153px; height: 102px">
<table border="0" width="100%" id="table4">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="viet%20nam%20va%20apec.jpg" width="144" height="96"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">Năm 1998
là một cột mốc trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam: Việt Nam trở thành
thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương
(APEC). </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">Là thành
viên của APEC có ý nghĩa chính trị và kinh tế quan trọng đối với Việt Nam.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Về chính trị, là thành viên của APEC, Việt Nam có
uy tín lớn hơn và tiếng nói có trọng lượng hơn trên trường quốc tế. Các Hội nghị
bộ trưởng thương mại và ngoại giao hàng năm, và đặc biệt là Hội nghị Cấp cao của
các nền kinh tế (từ năm 1993) là cơ hội quý báu để thực hiện các cuộc gặp song
phương cấp cao và để tham gia vào việc quyết định các vấn đề quan trọng trong
khu vực. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Về kinh tế, Việt Nam có thể tiếp cận tốt
hơn với nhiều nguồn vốn hơn, với công nghệ hiện đại và kiến thức quản lý thông
qua các hoạt động thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn với các thành viên APEC
khác, trong đó có cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới (như Hoa Kỳ, Nhật Bản,
Trung Quốc, Ca-na-đa). Các sự kiện hàng năm của APEC như Hội nghị Thượng đỉnh
CEO APEC, Hội chợ Cơ hội Đầu tư, Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư
vấn doanh nhân APEC (ABAC) đang kết nối một cách có hiệu quả các doanh nghiệp
Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp khu vực để làm ăn cùng có lợi. Vào thời điểm
tháng 12 năm 2004, 65,6% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là từ các
nền kinh tế thành viên APEC, đồng thời các nền kinh tế thành viên APEC chiếm 60%
tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và 80% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam.
</font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="viet%20nam%20va%20apec1.jpg" width="408" height="270"></p>
<p><font face="Arial" size="2">Là một nền kinh tế thành viên đang phát triển,
Việt Nam đã nỗ lực trong nhiều lĩnh vực để góp phần thực hiện các mục tiêu của
APEC, đó là tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vì sự thịnh vượng
của khu vực. Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ hỗ trợ APEC cho các
Doanh nghiệp Nhỏ và Xúc tiến Đầu tư Nội khối APEC năm 2003. Năm 2003, Tuần lễ
APEC được tổ chức tại Hà Nội đã mở rộng hơn sự hiểu biết và sự tham gia của các
tầng lớp nhân dân Việt Nam vào các hoạt động của APEC. Năm 2005, Việt Nam đã
tích cực đồng bảo trợ cho sáng kiến Tăng cường hoạt động của APEC nhằm sẵn sàng
đối phó với dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại
trong khu vực của doanh nhân của Việt Nam và các thành viên APEC khác, Việt Nam
đã tham gia Chương trình Thẻ thông hành Doanh nhân APEC (ABTC). Năm 2005, chương
trình sẽ cho phép các doanh nhân của các thành viên ABTC nhập cảnh nhiều lần tại
các thành viên khác của ABTC chỉ với một visa do một thành viên ABTC cấp (thông
tin chi tiết có thể tìm thấy tại <a href="http://www.businessmobility.org">
http://www.businessmobility.org</a>). </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Là chủ nhà của Hội nghị APEC 14, Việt Nam sẽ làm
hết sức mình để APEC 14 thành công rực rỡ, ngày càng tiến gần tới mục tiêu <i>
<b>"Một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng"</b></i>. Hiện
nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2006 diễn ra từ ngày 12/11
đến ngày 19/11/2006 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: "Việt
Nam sẽ bảo đảm Tuần lễ cấp cao APEC 2006 diễn ra an toàn, trang trọng và thành
công. Các đại biểu đến Việt Nam sẽ thấy đây là một đất nước thanh bình, tươi
đẹp, có môi trường đầu tư thuận lợi và con người Việt Nam cần cù, hiếu
khách.Việt Nam sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế". (Theo
<a href="http://www.apec06.com.vn">http://www.apec06.com.vn</a>) </font></p>
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td bgcolor="#D3ECF8"><font face="Arial" size="2">Diễn đàn Hợp tác kinh
tế châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) ra đời năm 1989 tại
Canberra, Úc với 12 thành viên ban đầu. Mục tiêu hợp tác của APEC nhằm
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và nâng cao mức sống của người
dân trong khu vực. </font>
<p><font face="Arial" size="2">APEC khởi đầu với các sáng kiến kinh tế
theo ngành. APEC là một nhóm đối thoại lỏng, không có cấu trúc tổ chức
và đội ngũ nhân lực hỗ trợ. Cơ quan thường trực APEC là Ban thư ký APEC
quốc tế có trụ sở tại Singapore. Đó là bộ máy hành chính qui mô nhỏ gồm
20 nhà ngoại giao được cử đến từ các nền kinh tế thành viên và 20 cán bộ
địa phương với ngân sách khiêm tốn. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Mục tiêu được nói nhiều nhất trong APEC
là mục tiêu Bogor ra đời năm 1994 tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế
APEC tại Bogor, Indonesia. Theo đó, các nền kinh tế phát triển và đang
phát triển cam kết xây dựng một môi trường kinh tế và đầu tư tự do, mở
cửa lần lượt vào năm 2010 cho các thành viên phát triển và năm 2020 cho
các thành viên đang phát triển. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Năm 2005, trên cơ sở kết quả kiểm điểm 10
năm (1994-2005) tiến trình thực hiện mục tiêu Bogor, APEC đã đề ra lộ
trình Busan nhằm thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu này. Lộ trình này
được các nhà lãnh đạo APEC thông qua tại hội nghị ở Busan, Hàn Quốc
(11-2005). </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Năm 2006, các nền kinh tế APEC xây dựng
kế hoạch hành động Hà Nội nhằm xác định các hoạt động cụ thể để thực
hiện lộ trình Busan. Kế hoạch hành động Hà Nội đặt ra các mục tiêu xây
dựng năng lực cụ thể nhằm giúp các nền kinh tế đang phát triển APEC thực
hiện hiệu quả các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư. Kế hoạch hành
động Hà Nội là một trong những thành quả quan trọng nhất của năm APEC
Việt Nam 2006 sẽ được các nhà lãnh đạo APEC thông qua tháng 11-2006.</font></td>
</tr>
</table>
</body>
</html>