<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đất nước Việt Nam là một trong những quốc gia có bề dày lịch sử đầy bi tráng và hào hùng. Càng hiểu rõ và nắm chắc lịch sử đất nước chúng ta lại càng tự hào và yêu đất nước nhiều hơn. Thế nhưng trong thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có biểu hiện ngày một sa sút, gây nỗi lo âu trong xã hội. Học sinh tỏ thái độ chán môn Lịch sử và không thích học Lịch sử. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thì điểm số rất thấp. Còn đưa vào môn tự chọn thì hầu như học sinh đều không chọn môn Lịch sử. Hiện nay, dù đã học hết cấp phổ thông nhưng hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng nhớ sai. </span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6694.JPG" style="height:76%; width:76%" /></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Thực tế trên khiến chúng ta phải cảm thấy lo ngại về tình trạng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường, dường như đang có những dấu hiệu “xuống cấp” nghiêm trọng cần phải được khắc phục sớm. Chính vì thực trạng trên, Sáng ngày 06/5/2016, tại Hội trường trường THPT Dương Văn Dương, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tổ chức buổi tọa đàm "Đổi mới phương pháp dạy và học bộ môn lịch sử" để lắng nghe những sự chia sẻ của các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy bộ môn lịch sử về cách dạy hiệu quả, cuốn hút được học sinh, đồng thời lắng nghe những tâm tư của các em học sinh về việc học môn lịch sử, qua đó cùng với nhà trường có những biện pháp để đổi mới phương pháp dạy và học bộ môn lịch sử trong thời gian tới. Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 200 giáo viên, học sinh từ các cơ sở Đoàn trên địa bàn Huyện về tham dự.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6708.JPG" style="height:76%; width:76%" /></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6712.JPG" style="height:75%; width:75%" /></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Theo như chia sẻ từ phía các bạn học sinh cho biết thì các bạn hoàn toàn không ghét bộ môn Lịch sử mà ngược lại các bạn rất thích thú với những trận đánh hào hùng của dân tộc ta. Nhưng trong quá trình học và thi cử, các bạn hầu như được dạy phải ghi nhớ chính xác thời gian, sự kiện lịch sử, các bạn buộc phải học thuộc lòng, buộc phải “nhồi nhét” một lượng kiến thức theo chương trình học mà không đọng lại những ý nghĩa, những mất mát, những dấu ấn sâu sắc từ sự kiện lịch sử đó mang lại, dẫn đến tình trạng các bạn bị mất đi sự hứng thú, sự quan tâm và sự yêu thích đối với bộ môn Lịch sử, và xem đó chỉ là một bộ môn buộc phải học thuộc lòng. Có bạn cho rằng việc sân khấu hóa các bài học môn lịch sử cũng là cách khiến học sinh dễ tiếp thu và ghi nhớ lâu hơn, khi tự dựng lại một câu chuyện lịch sử thì các bạn sẽ chủ động hơn trong việc tìm tòi những sự kiện liên quan đến mốc lịch sử đó. Thông qua buổi tọa đàm, các bạn học sinh muốn gởi gắm ở các giáo viên dạy môn Lịch sử có những phương pháp dạy thu hút hơn, hấp dẫn hơn, dễ hiểu và dễ nhớ hơn tạo cho các bạn sự thích thú, quan tâm hơn trong việc học bộ môn Lịch sử.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6721.JPG" style="height:75%; width:75%" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Từ những chia sẻ của các bạn học sinh, các giáo viên dạy bộ môn Lịch Sử từ các trường trên địa bàn Huyện cũng bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở về thực trạng của việc dạy môn học này ở nhà trường hiện nay. Theo cô Nguyễn Thị Hồng Nhung – giáo viên dạy môn Lịch sử, Bí thư Chi đoàn giáo viên trường THPT Dương Văn Dương cho biết các giáo viên đều phải bám sát chương trình học dẫn đến việc học sinh thiếu tư duy và học thuộc lòng để đối phó. Do đó, khi giảng dạy, giáo viên nên dạy bằng giáo án điện tử, chiếu hình ảnh, phim tài liệu, kể những câu chuyện ngoài giáo trình liên quan đến sự kiện lịch sử đó và khơi gợi, đặt câu hỏi cho học sinh tự tìm tòi, tự chuẩn bị, nghiên cứu tài liệu và thuyết trình, như vậy sẽ khiến học sinh chủ động tư duy và ghi nhớ bài học lâu hơn. Bên cạnh đó, có thể xâu chuỗi các bài có nội dung về cùng một mốc thời gian để sự kiện lịch sử được liền mạch. Đồng thời tạo điều kiện cho các em được thể hiện suy nghĩ của bản thân về bài học, được đặt câu hỏi ngược lại với thầy cô về những vấn đề mà các em chưa rõ. Theo cô, muốn cho các em thêm hứng thú và yêu thích bộ môn lịch sử thì cần tạo cho các em nhiều sân chơi cho các em vừa chơi vừa học thì sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Cô còn đề xuất nên thường xuyên tổ chức các hội thi hùng biện về lịch sử, sân khấu hóa và tổ chức các chuyên đề học tập cho các em.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6730.JPG" style="height:75%; width:75%" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Theo thầy Bắc – giáo viên dạy bộ môn lịch sử của trường THPT Phước Kiển cho hay thì xã hội ta hiện nay chưa coi trọng môn Lịch sử và ngành lịch sử. Môn Lịch sử thường được xếp vào môn học phụ trong nhà trường. Không những vậy, cơ hội tìm việc làm cho cử nhân ngành sử rất hiếm hoi, thu nhập và địa vị của giáo viên hay cán bộ nghiên cứu khoa học lịch sử quá thấp so với xã hội,… khiến việc học sinh không mấy mặn mà đăng ký thi và học môn Lịch sử. Thực tế cho thấy, đất nước ta đang trên bước đường hội nhập mở rộng quan hệ hợp tác với quốc tế, dẫn đến nhiều đổi thay lớn, kinh tế phát triển, ngành nghề đa dạng... khiến xã hội cần nguồn nhân lực được đào tạo từ các ngành tuyển sinh các khối A, B, D hơn nhiều lần so với khối C. Mức lương cũng chênh lệch rõ rệt. Thực tế này khiến học sinh muốn làm việc các ngành có mức lương cao, dễ kiếm việc làm nên ngay từ khi bước vào THPT, các em hầu như đã xác định chọn khối A, B, D, tránh khối C. Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan có trách nhiệm cần đặt môn Lịch sử đúng với vị trí, tầm quan trọng của nó trong xã hội, cần bố trí chương trình hợp lý trong hệ thống các môn học. Ðặt môn Lịch sử là một trong những môn cơ bản như Toán, Văn; tăng tiết học hợp lý cho môn này. Ngoài ra, cũng cần có sự đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất tạo điều kiện thuận lợi cho các em được xem những thước phim lịch sử, hoạt cảnh về lịch sử. Bên cạnh đó, giáo viên dạy môn lịch sử cũng cần không ngừng đổi mới phương pháp dạy, nâng cao trình độ, tham khảo thêm tài liệu để bài học thêm mới mẻ, không nhàm chán.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Theo ý kiến của thầy Trần Văn Phương – Bí thư chi đoàn giáo viên trường Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thì sách giáo khoa bộ môn lịch sử hiện nay khá dày, yêu cầu học sinh phải nắm được hầu như tất cả các nội dung về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trong khi đó số tiết quy định quá ít, để truyền tải và tiếp thu hết lượng kiến thức lớn trong chương trình với thời lượng tiết học không nhiều là một việc hết sức khó khăn cho cả giáo viên lẫn học sinh, dẫn đến tình trạng giáo viên “dạy chay”, bắt học thuộc lòng một cách máy móc, học sinh không thể nhớ hết được, "học trước quên sau”. Chính vì vậy, thế hệ trẻ bây giờ dần thờ ơ, quay lưng với bộ môn lịch sử là một thực trạng đáng buồn. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho tương lai đất nước. Thật vậy, chúng ta không nên xem trọng việc học sinh phải thuộc được bao nhiêu kiến thức lịch sử mà chúng ta cần quan tâm đến việc những sự kiện lịch sử đó mang lại cho học sinh những cảm nghĩ gì, những bài học gì thì bản thân các em sẽ ghi nhớ lâu hơn, mới khơi gợi được sự yêu thích của các em đối với bộ môn lịch sử nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần có sự cải tiến về giáo trình, giảm yêu cầu kiến thức so với chương trình đã ban hành và theo đó là giảm nội dung, chắt lọc những vấn đề cơ bản mang tính cốt lõi và xuyên suốt của lịch sử Việt Nam hạn chế những vấn đề, nhân vật, sự kiện không tiêu biểu, mang tính tiểu tiết.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6751.JPG" style="height:75%; width:75%" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đến tham dự buổi tọa đàm còn có cô Hoàng Vân – Giáo viên dạy sử tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 7, cô là giáo viên trẻ tiêu biểu môn lịch sử cấp thành năm 2015, cô chia sẻ môn Lịch sử sẽ khó và không hấp dẫn nếu như không có sự yêu thích bộ môn này. Ðã là lịch sử, nhất thiết phải gắn với sự kiện, nhân vật và hiểu lịch sử nhất định phải nắm vững những sự kiện, nhân vật cơ bản, quan trọng trong suốt quá trình hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bản thân giáo viên phải luôn nâng cao tay nghề, tránh tình trạng dùng kiến thức học được từ chương trình đại học để truyền tải hết cho các em học sinh. Về phương pháp giảng dạy, kết hợp việc truyền tải nội dung với kể chuyện lịch sử, kết hợp giữa việc dạy theo giáo trình với việc minh họa bằng sơ đồ, biểu đồ, tranh, ảnh; bên cạnh đó cách truyền đạt theo cô cũng vô cùng quan trọng, cần có sự đầu tư giáo án, giáo trình điện tử hay trang thiết bị chỉ là những công cụ để hỗ trợ cho việc giảng dạy, không lạm dụng cho học sinh ghi chép. Giáo viên cũng cần cập nhật thêm thông tin thời sự để bổ trợ, trang bị thêm kiến thức cho học sinh về tình hình đất nước, tránh để các em cập nhật những thông tin sai lệch trên mạng Internet. Học sinh tránh học vẹt mà cần học theo sơ đồ, viết bài rõ ràng, khoa học và chia nhóm cùng học thì sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp thu nhanh cũng như nhớ bài lâu hơn.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6777.JPG" style="height:75%; width:75%" /></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6794.JPG" style="height:75%; width:75%" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"> Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Tiến – Phó Bí thư, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy kết luận, việc cải thiện và đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử trong tình hình hiện nay là vô cùng cần thiết và cấp thiết. Giáo viên cần có phương pháp truyền đạt và khái quát được các sự kiện lịch sử hình thành những mốc sự kiện quan trọng, tiêu biểu cho dễ nhớ, dễ hiểu, trọng tâm là đi sâu khai thác và làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử thành bài học để bồi dưỡng nhân cách, kích thích tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, cũng cần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử ngang tầm với yêu cầu mới. Kết hợp giữa việc dạy lịch sử Việt Nam với lịch sử thế giới, lịch sử quốc gia và lịch sử địa phương; kết hợp giữa việc học trên lớp với việc tham quan, thực tế. Tăng cường các chuyến tham quan về nguồn tại địa phương như bia tưởng niệm tại nhà máy X51, nhà bia xã Nhơn Đức,… khơi gợi niềm tự hào dân tộc của các em tại chính mảnh đất anh hùng Nhà Bè, nơi các em sinh ra và lớn lên.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/5/25568/IMG_6796.JPG" style="height:75%; width:75%" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Chúng ta may mắn khi được sinh ra trong thời bình, thế nhưng nền hòa bình của chúng ta hiện nay vẫn không ngừng bị đe dọa hàng ngày, hàng giờ. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Internet với các luồng quan điểm phản động, xuyên tạc lịch sử nhằm bôi xấu chế độ vẫn đang diễn ra mạnh mẽ từng ngày. Nếu được trang bị kiến thức lịch sử đúng và chắc, thì học sinh sẽ vững vàng hơn, có nhận thức đầy đủ hơn để bác bỏ các quan điểm, luận điệu sai trái. Ngược lại, nếu không được trang bị kiến thức lịch sử vững sẽ dễ phát sinh những hậu quả khôn lường, đặc biệt là mất đi niềm tin, mất đi niềm tự hào của một dân tộc Việt Nam quật cường.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Cội nguồn của dân tộc được lưu giữ bởi Lịch sử, vì vậy thế hệ trẻ ngày nay càng cần phải biết đến lịch sử, biết đến cội nguồn của dân tộc để tiếp tục lưu giữ và truyền nối câu chuyện lịch sử đất nước Việt Nam đến muôn đời sau.</span></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:14px">TRÂN HUYỀN</span></strong></p>
</body></html>