<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đó là nguyện vọng của nhiều bạn nhỏ chia sẻ tại diễn đàn: “Lắng nghe tiếng nói trẻ em” vừa được tổ chức tại Nhà Thiếu nhi quận Bình Thạnh (TP.HCM).</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/8/26688/TL_1.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đề cập đến vấn đề ứng xử trong học đường, bạn Trần Thị Bích Thùy (học sinh trường THCS Hà Huy Tập) nói tình trạng các bạn đánh nhau trong lớp diễn ra còn nhiều. Mặc dù chưa từng rơi vào trường hợp như vậy nhưng khi trông thấy, Thùy không biết xử lý như thế nào. Bạn mong mỏi nhận được những chia sẻ của các cô chú tại diễn đàn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ông Trần Anh Kiệt (Phó Trưởng phòng Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh) cho hay: “Thời gian gần đây, bạo lực học đường đã giảm. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện các bạn chỉ cần không vừa lòng là dẫn đến đánh nhau. Khi thấy biểu hiện cần báo ngay với giáo viên, bảo vệ. Đừng rụt rè, lo sợ. Nếu ra khỏi khuôn viên trường, không dám nói việc ở trường như thế nào là rất thiệt thòi. Trẻ em luôn được bảo vệ”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Một học sinh khác bày tỏ ý kiến: “Còn nhiều trở ngại về tâm lý, hy vọng Đoàn trường hoặc các ban ngành tổ chức các lớp học, chúng em mới có thể dũng cảm để giúp các bạn khác”. Đã được phổ biến những biện pháp như thầy Kiệt nói. Tuy nhiên, cái khó của chính bản thân là không thể nói chuyện thẳng thắn. Vì sợ các bạn biết sẽ hù dọa, đánh đập khi kể với cô giáo hay phụ huynh. Nhưng không nói ra thì bị ăn hiếp nhiều lần về sau.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bạn Bùi Thị Kim Liên (học sinh trường THCS Đống Đa) kể về câu chuyện bạn từng trông thấy, đó là sự xa lánh. “Các bạn không thích vì nghĩ bạn đó bị bệnh nên sợ lây. Bạn đó chạy lại nói chuyện thì mấy bạn kia đi ra chỗ khác, con tới thì mấy bạn kia kéo con ra không cho nói chuyện”. Phần vì chính những bạn đó mặc cảm, tự ti nên tự đẩy mình ra xa các bạn. Phần vì tâm lý của những người bạn khác không thấu hiểu nên muốn tách biệt bạn đó.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Không chỉ giải quyết các thắc mắc về học bổng, sân chơi hè,…, bà Huỳnh Ngọc Phương Thanh (Phó Trưởng phòng Phòng LĐ-TB-XH quận Bình Thạnh) cho hay: “Có những vấn đề không chia sẻ được bạn bè, cha mẹ, ở 20 phường có 20 điểm tư vấn cộng đồng ngay trên địa bàn. Khi nào các em thì đến đó, các cô chú tư vấn cụ thể”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Môn học Kỹ năng sống đưa vào nhà trường với lịch học 2 buổi/tuần. Thông qua các tình huống trong sách, định hướng cho học sinh về thái độ và cách ứng xử. Tuy nhiên, trước các trường hợp thực tế xảy ra thì vấn đề này còn bỏ ngõ. Trước khi làm bất cứ điều gì các bạn nhỏ cần vượt qua những khó khăn về tâm lý. Bên cạnh các lớp học tự vệ, phổ cập bơi,… nên chăng mở các lớp học tâm lý cho trẻ em vào dịp hè?</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>HOÀNG HIẾU</strong></span></span></p>
</body></html>