<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đó là chia sẻ của Nguyễn Trần Vũ Phương (sinh năm 1990) về công việc của một cán bộ kinh tế tại UBND phường 6, quận 6 (TP.HCM). Kết nối Nhà nước với Doanh nghiệp tưởng khó nhưng hóa ra dễ nếu như làm việc với cả một trái tim của người trẻ. Với giải pháp “Tăng cường công tác tiếp xúc giữa Lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn” đã được Thành Đoàn TP.HCM xét tặng Giải thưởng: “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” lần 6.</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/9/26753/16.9.10_VuPhuong.PNG" style="height:400px; width:435px" /></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Phá bỏ rào cản với dân</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhớ lại lần đầu tiếp nhận công tác tại UBND phường, Nguyễn Trần Vũ Phương mạnh dạn tổ chức một buổi đối thoại giữa các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tìm ra tiếng nói chung. Tuy nhiên, gửi đi 300 thư mời thì chỉ có hơn 50 hộ kinh doanh đến tham dự. Vũ Phương càng kỳ vọng bao nhiêu khi thuyết phục được cán bộ Chi Cục Thuế, Văn phòng Kinh tế Quận… đến thì hụt hẫng bấy nhiêu khi số lượng người tham gia ít ỏi khó tin. “Đó là cơ hội để các doanh nghiệp gỡ rối với lãnh đạo”, chàng trai trẻ mong mỏi.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Từ câu chuyện đó, Vũ Phương tìm mọi cách để tiếp cận với các hộ kinh doanh. Một thời gian tìm hiểu, người cán bộ đầy nhiệt tình đã tìm ra được các nguyên nhân. Hơn 70% hộ kinh doanh trên địa bàn là người Hoa, vì vậy chỉ giao tiếp Tiếng Việt “lơ lớ”. Điều đó khiến sự kết nối của doanh nghiệp và lãnh đạo có nhiều vướng mắc khi khó hiểu hết ý nhau. Rào cản trên còn xuất phát từ tâm lý của nhiều người “Cứ nghe cán bộ là nghĩ đến kiểm tra, giấy tờ, tố cáo, làm khó” nên không thể tiếp cận một cách chân thật những khó khăn họ gặp phải. Một hộ kinh doanh chia sẻ: “Buôn bán bận bịu đâu có như cán bộ một ngày 8 tiếng là xong việc. Tới đối thoại cũng không có ý kiến gì mà làm mất thời gian”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Lúc đó, đến nhà hỏi han là người dân họ thấy ghét mình lắm. Đi một mình thì họ không tin tưởng mà đi đông thì họ sợ kiểm tra nên dè dặt trong các cuộc trò chuyện, Vũ Phương chia sẻ. Trong khi, mỗi năm chỉ tổ chức được một buổi đối thoại mà họ cũng không đến. Sợi dây gắn kết giữa lãnh đạo và doanh nghiệp coi như “đứt đoạn”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Là một cán bộ phụ trách kinh tế ở địa phương, muốn thúc đẩy phát triển kinh tế trước hết phải nắm bắt được tình hình kinh doanh của các Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh và nhu cầu của người dân hiện nay như thế nào. Vì vậy, một đôi lần dù gặp nhiều khó khăn nhưng Vũ Phương vẫn kiên trì. Anh nói: “Người Hoa rất vui vì cảm giác gần gũi khi mình nói được một vài câu Tiếng Hoa”. Biết mình không thành thạo lắm nên mỗi chuyến đi, Vũ Phương hay rủ anh Quốc Huy (từng là cán bộ Trật tự Đô thị và quản lý phạm nhân cai nghiện) nói được tiếng Hoa đến để trò chuyện với các hộ gia đình một cách cởi mở như người anh em.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Nói chuyện một hồi là “thân”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đã có những lúc nản chí thật nhưng Vũ Phương luôn cảm thấy mình đã đi đúng hướng. Chia sẻ về câu chuyện của cô Yến đã gần 80 tuổi kinh doanh đồ ăn chay. Tuy nhiên, buôn bán không được bao nhiêu vì khách chỉ chuộng các ngày đầu tháng, giữa tháng và phải cạnh tranh với nhiều hàng quán khác. Cô Yến gồng gánh món nợ hàng chục triệu đồng khi một trận cháy đã làm thiêu rụi tài sản khi còn trẻ. Hai vợ chồng có nhiều xích mích kể từ ngày đó rồi đường ai nấy đi. Anh con trai tuy đã lập gia đình nhưng cô Yến vẫn luôn muốn tự nuôi sống bản thân để giúp đỡ con cháu.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trước tình hình đó, Vũ Phương đã liên hệ để Chi Cục Thuế xem xét miễn hoặc giảm cho cửa hàng của cô Yến. Hiệu lực của đề xuất bắt đầu vào tháng 10/2016. Nhiều hộ kinh doanh khác cũng mừng ra mặt và thấy “người cán bộ trẻ này thân thiện quá”. Vì vậy mà họ dễ lòng giải bày những vướng mắc trong kinh doanh và cuộc sống thường nhật. Những tâm tư đó được Vũ Phương gửi gắm đến các ban ngành để có hướng thực hiện.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Các vấn đề về kinh tế mà các hộ gia đình quan tâm là thủ tục hành chính, các chính sách hỗ trợ kinh doanh và các điều luật… Vì không có nhiều thời gian nên rất ít người tìm hiểu. Họ vẫn có mong muốn biết để làm, biết để tránh nhưng rất ngại khi cán bộ kiểm tra. Việc trò chuyện một cách thân tình đã tăng cường công tác tiếp xúc giữa Lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn. Vũ Phương đã đề xuất tăng cường các buổi đối thoại lên 3 lần/1 năm thay vì 1 lần như trước. Số lượng ý kiến của người dân cũng được chia sẻ nhiều hơn trước.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bên cạnh đó, Vũ Phương còn thực hiện nhiều giải pháp khác như: bán hàng bình ổn giá, sàn giao dịch việc làm… Anh nói: “Doanh nghiệp có công việc, có hàng hóa, lãnh đạo có đoàn viên, công dân. Việc tạo ra môi trường để cung tìm thấy cầu sẽ giúp 2 đơn vị tiệm cận với nhau hơn. Mối quan hệ này càng bền vững thì nền kinh tế mới phát triển”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Những công việc thường ngày anh gọi là ai cũng có có thể làm được. Đơn giản vì ở mỗi người đều có nhu cầu giao tiếp với nhau. Chỉ là có chịu giao tiếp không và giao tiếp như thế nào để trở nên thân thiện hơn với người khác. “Là một người trẻ nên làm việc chủ động và dựa trên tinh thần phối hợp”, Vũ Phương nói.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>HOÀNG HIẾU</strong></span></span></p>
</body></html>