<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Gặp nhau vào một buổi chiều muộn, chúng tôi được trò chuyện cùng Đại úy Huỳnh Văn Tuấn - Phó trưởng phòng Cứu nạn Cứu hộ, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP. Hồ Chí Minh - khi anh vừa trở về cơ quan sau một ngày dài công tác,. Mặc dù cái tên Huỳnh Văn Tuấn – Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2010 không còn quá xa lạ với người dân, đồng nghiệp, nhưng câu chuyện của anh và những người đồng đội dũng cảm có lẽ chưa bao giờ là cũ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trở ngược về 15 năm trước, là công dân phục vụ có thời hạn trong Công an Nhân dân, anh Tuấn khi ấy chỉ mới 21 tuổi. Được phân công về đơn vị Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TP. HCM, anh biết đến một đội hình chuyên về công tác bơi lặn tìm người cũng như lặn tìm tang vật điều tra. Tính tò mò, hay tìm hiểu, cộng với sở thích bơi lội, thế là anh xin về đội công tác, thời điểm đó chưa có tên gọi Cứu nạn Cứu hộ mà các anh hay gọi là đội hình Cấp cứu, còn người dân thì hay gọi với cái tên thân thương hơn là “Biệt đội cảm tử thời bình”. Ít ai biết khi ấy toàn đội chỉ có vỏn vẹn 7 người, ai nấy đều ốm và đen, nhiều khi công việc dồn dập, phải chia năm sẻ bảy đội hình để đi ứng cứu các vụ sập nhà, hỏa hoạn, đuối nước. Việc mỗi người phải lặn hàng giờ dưới những con kênh đen ngòm, đặc quánh để tìm người chết, tang vật là chuyện rất bình thường. Anh vừa hài hước kể lại những vụ mình lặn tìm tang vật nhưng không thấy mà thấy toàn những quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, vừa nghiêm nghị, tiếc thương khi nhớ lại những người đồng đội không may mắn hy sinh cũng vì gặp phải bom mìn.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/12/27418/IMG_4734.JPG" style="height:90%; width:90%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif; font-size:14px">Đại úy Huỳnh Văn Tuấn trong một lần tham gia cứu hộ trên sông.</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tâm huyết là yếu tố đầu tiên mà anh Tuấn nhắc đến khi nói về nghề, không chỉ riêng nghề lính cứu nạn cứu hộ, với anh, bất kỳ nghề gì cũng cần có tâm huyết, như vậy mới có thể theo đuổi công việc đến cùng. Và hơn hết, chính là lòng tin, tin vào nhiệm vụ và công việc của mình. Anh đã kể chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện cứu nạn, cứu hộ mà thành công của nó phần lớn dựa vào lòng tin. Anh bảo lòng tin ở đây không phải là mê tín, ảo tưởng mà là tin vào khả năng, sức mạnh của mình dựa trên những cơ sở, khảo sát thực tế. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bằng chính nỗ lực của mình, anh đã tạo nên cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh vào năm 2010. Được đồng nghiệp nể phục đề cử, được người dân tin yêu bầu chọn, anh đã vinh dự nhận giải Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh. Với anh, đó không chỉ là một sự ghi nhận những thành tích, nỗ lực của bản thân trong công tác nghiệp vụ, là một niềm tự hào, một động lực to lớn để tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho cộng đồng mà còn là cánh cửa mở ra cho anh những bước ngoặt mới, những thành công rực rỡ trong sự nghiệp của mình. Đi kèm đó là ý thức trách nhiệm của bản thân, từ đây không đơn thuần là chỉ biết làm công tác cứu nạn, cứu hộ thôi, mà còn mở mang tầm vóc, tri thức, hướng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân những kĩ năng để họ tự cứu được mình khi gặp hiểm nguy nhằm giảm thiểu thiệt hại, cũng như đào tạo ra được những thế hệ chiến sĩ mới tiếp nối công việc mình trong tương lai. Minh chứng là bộ tài liệu mà anh đã cất công, tâm huyết xây dựng từ những kiến thức học được ở trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy kết hợp những kinh nghiệm quý báu từ trải nghiệm của bản thân trong suốt mười mấy năm theo nghề. Bên cạnh đó, với tinh thần luôn tìm tòi, học hỏi, tiếp thu các thành tựu khoa học kĩ thuật vào chuyên môn, anh đã nhiều lần tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong việc soạn thảo các quy trình cứu hộ cứu nạn để triển khai trong lực lượng cảnh sát, cùng đồng đội sáng chế ra đội hình máng trượt trên dây thừng dùng để cứu người gặp hỏa hoạn trên các tòa nhà cao tầng, hiện được Bộ Công an nhân rộng trong lực lượng chữa cháy toàn quốc.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> Ngoài ra khi còn với tư cách là Bí thư Chi Đoàn, anh luôn tích cực, xung kích tham gia các hoạt động phong trào, nhất là các hoạt động xung kích tình nguyện vì cộng đồng, phối hợp cùng đoàn viên thanh niên của cơ sở Đoànquyên góp tiền, vật chất trao tặng cho các hoàn cảnh khó khăn. Sau danh hiệu công dân trẻ tiêu biểu 2010, danh hiệu cao quý khác mà anh được nhận là Thanh niên Công an tiêu biểu 2013.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Hãy cứ giữ cho mình sự đam mê, cần luôn khơi dậy tâm huyết với nghề. Hãy luôn tin là mình sẽ làm được, đừng bao giờ bỏ cuộc” - là những lời khuyên chân thành nhất anh gửi đến các bạn trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>PHI LINH – LÊ CHÂU</strong></span></span></p>
</body></html>