<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Sáng 28/12, tại Hội trường Thành Đoàn TP. HCM, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm giao lưu giữa GS. TS Trương Nguyện Thành (ĐH Ulta, Hoa Kỳ) cùng đông đảo các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố với chủ đề: Tư duy đổi mới trong học tập và nghiên cứu khoa học.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Sinh viên Việt Nam đang thiếu kỹ năng mềm</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó là nhận định của GS.TS Trương Nguyện Thành đến từ trường ĐH Ulta của Hoa Kỳ trong buổi tọa đàm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trả lời thắc mắc của khán giả giao lưu: “Sự khác nhau giữa sinh viên nước ngoài và sinh viên Việt Nam trong việc học tập?”, GS.TS Trương Nguyện Thành cho rằng, khác với sinh viên Mỹ, sinh viên VN còn khá rụt rè, không cởi mở trong việc trao đổi bài vở học tập với giáo viên. Cũng theo ông, kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên trong nước còn rất kém, dẫn đến kết quả học tập cũng như công việc không đạt được như ý muốn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ông chia sẻ: “Việt Nam được các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới khen ngợi sinh viên có kiến thức chuyên môn rất giỏi, tuy nhiên có một nghịch lý ngược lại là năng lực cạnh tranh của sinh viên Việt Nam sau khi ra trường đối với sinh viên nước ngoài lại không bằng. Lý do chính là sinh viên Việt Nam rất yếu về các kỹ năng mềm, dẫn đến khả năng cạnh tranh kém, không gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo GS.TS Trương Nguyện Thành, những thói quen như học tủ, học vẹt, cứng nhắc, thụ động trong việc học tập cũng là một trong những nguyên nhân đang “làm hại” sinh viên Việt Nam.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngoài ra, ông còn chia sẻ thêm: “Ngoài giờ học trên lớp thì học sinh, sinh viên nên biết tận dụng triệt để Internet, hãy bớt chút thời gian la cà trên các trang mạng xã hội, thay vào đó, các bạn hãy tìm tòi những thông tin hữu ích trên mạng, phải luôn đặt câu hỏi và tìm mọi cách để giải quyết vấn đề đó”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Chìa khóa của thành công</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Dành gần 3 giờ đồng hồ để nói chuyện cùng các bạn trẻ, với kinh nghiệm giảng dạy hơn 20 năm tại Mỹ, GS.TS Trương Nguyện Thành đã trả lời rất nhiều thắc mắc của sinh viên về cách học tập và sự sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Một bạn sinh viên trăn trở trong buổi tọa đàm giao lưu: “Làm thế nào để sinh viên thành công khi ra trường?”. Giải đáp suy tư này, GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ, trước hết các bạn phải học và nhận biết được ước muốn thật sự của bản thân là rất quan trọng. Từ đó, sinh viên sẽ trau dồi thêm nhiều kiến thức chuyên môn, dần dần sẽ tạo cho các bạn sự nhận thức về gia đình cũng như xã hội. Ông cho rằng, thành công không đến trong một sớm một chiều mà là cả một quá trình phấn đấu của từng cá nhân. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng đừng suy nghĩ những vấn đề quá cao siêu và xa vời, hãy thuộc lòng câu châm ngôn “Hãy thêm một lần nữa”, các bạn hãy rèn luyện mỗi ngày, tiến bộ mỗi lúc một ít dần dần sẽ hình thành được tư duy học tập tiến bộ</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ông còn bày tỏ rằng, ông cũng đã từng trải qua thời kỳ sinh viên rất vất vả nên có thể thấu hiểu được những trăn trở, suy tư của các bạn trẻ ngày hôm nay: “Sinh viên hãy trải nhiệm tất cả những vấn đề trong cuộc sống, khám phá quan trọng nhất của sinh viên chính là khám phá của bản thân, hãy biết được mình muốn gì, mình thích gì, tính cách của mình là gì”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Giải đáp thắc mắc của một bạn sinh viên: “Tầm ảnh hưởng của việc học online?”, GS.TS Trương Nguyện Thành cho rằng, học sinh, sinh viên học càng nhiều, học mọi lúc mọi nơi thì đó là điều rất tốt. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng không nên quá phụ thuộc vào việc học tập trên mạng vì khi tới trường được học tập cùng bạn bè sẽ nâng cao khả năng giao tiếp, trao đổi trực tiếp cùng giảng viên sẽ giúp bạn nâng cao khả năng truyền đạt, hình thành tư duy phản biệt, và các tư duy sáng tạo.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>NGỌC PHONG</strong></span></span></p>
</body></html>