<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ngôn ngữ của trái tim</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Ngôn ngữ của trái tim</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="ngon%20ngu%20cua%20trai%20tim.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Scoot,
anh Tiến </i><em>(ngồi, bên phải)</em><i> và Tom </i><em>(đeo kính,
đứng)</em><i> trao đổi cùng các bạn câm điếc</i></font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Không cần lời nói, không phân biệt hoàn cảnh, quốc
tịch, màu da..., họ đã tìm thấy ở nhau sự cảm thông bằng thứ ngôn ngữ “không
lời”: ngôn ngữ của những trái tim luôn gõ nhịp yêu thương.</font><p class="pBody">
<font face="Arial" size="2">Hôm nay, buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi hội Người
khiếm thính Hà Nội có thêm một thành viên mới. Đó là Scoot Berson - một giáo
viên đến từ bang California, Mỹ. Họ “thảo luận” với nhau bằng một thứ ngôn ngữ
đặc biệt: ngôn ngữ cử chỉ. Dù chỉ có thể trao đổi qua các điệu bộ bằng tay nhưng
sự sôi nổi, hào hứng lộ rõ trên gương mặt từng người. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Mỗi tuần một lần vào sáng chủ nhật,
Chi hội Người khiếm thính Hà Nội lại tổ chức những cuộc gặp gỡ như thế để các
thành viên giao lưu với nhau. Ngoại ngữ đã trở nên thừa nơi này. Không phân biệt
quốc tịch, màu da, người bình thường hay khiếm thính, họ đã đến với người khuyết
tật bằng cả trái tim mình cùng giúp nhau từ việc giúp các em nhỏ về “ngôn ngữ”,
công việc đến chuyện hòa nhập cộng đồng... </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">B.B Tom - người Nhật - là giáo viên
của lớp từ năm năm nay. Tom cũng bị khiếm thính từ nhỏ nên anh hiểu sự thiệt
thòi của những người không may như anh. Năm 2001, Tom sang VN theo một dự án
tình nguyện của Nhật. Từ đó, anh đã coi dải đất hình chữ S này như quê hương thứ
hai của mình. Tom lấy vợ VN và đã có hai nhóc tì thông minh, dễ thương. “Tên
Việt của mình là Thắng. Mình rất thích được gọi bằng tên đó” - Tom tự hào bày tỏ
với tôi bằng cử chỉ. Trong lớp học, anh Đỗ Minh Tiến là người gắn bó với các
thành viên ở đây lâu nhất. Sáu năm kể từ khi Chi hội Người khiếm thính Hà Nội
quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ vào sáng chủ nhật hằng tuần, anh luôn là người
đứng lớp với vai trò người thầy, người quản trò, người liên lạc lẫn phiên dịch.
</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhiệt tình, yêu thương... đã kéo
những người trẻ lại gần nhau hơn, cùng chung tay chia sẻ những thiệt thòi với
người khiếm thính. Sau lần tham quan một cơ sở sản xuất của người câm điếc trên
đất Mỹ, Scoot đã quyết định sang VN trao đổi kinh nghiệm dạy và học ngôn ngữ cử
chỉ cho người khiếm thính. Bị khiếm thính từ năm 2 tuổi, chính vì thế anh hiểu
hơn những mất mát của người khiếm thính. “Tôi đã từng đến nhiều nước châu Á như
Thái Lan, Indonesia, Singapore... Ở VN tôi cũng từng đến Cần Thơ, TP.HCM, Đà
Nẵng... Đất nước VN đẹp, những người khiếm thính ham học hỏi và có nghị lực vươn
lên phi thường. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao anh bạn tôi không chịu rời VN nữa”-
Scoot nói rồi chỉ tay về phía Tom. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Kết thúc buổi sinh hoạt, Scoot lại
tất tả lên đường đến với người khiếm thính Hải Phòng một tháng.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>