<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong những ngày tháng Tư lịch sử khi tuổi trẻ cả nước cùng hướng về miền Nam ruột thịt, học sinh trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) đã cùng ôn lại khí thế hào hùng của dân tộc với những bài học ý nghĩa trong chương trình “Hào khí Việt Nam” diễn ra sáng 26/4/2017 thu hút sự quan tâm tham gia của hơn 1000 đoàn viên, học sinh.</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/4/28248/IMG_9558.JPG" style="height:400px; width:600px" /></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chương trình do CLB Giá trị truyền thống Việt (thuộc trường THPT Nguyễn Du) phối hợp cùng CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ (Solomonvietnam) tổ chức để cùng “ôn cố tri tân”- nhìn lại chuyện đời xưa mà rút ra cho mình bài học đời nay để yêu hơn quê hương mình, tự hào hơn về dân tộc mình, ngõ hầu cùng làm đẹp hơn nữa văn hóa nước nhà.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Sống lại tinh thần văn hóa, lịch sử hơn 4000 năm</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, chương trình mong muốn truyền tải những bài học về văn hóa, lịch sử đến toàn thể đoàn viên, học sinh trong nhà trường nhân dịp cả nước đang chuẩn bị chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong khi tuổi trẻ cả nước đang hướng về miền Nam ruột thịt với niềm tự hào sâu sắc thì hơn ai hết, những đứa con miền Nam phải hiểu được những cái hay, cái đẹp trong truyền thống và lễ giáo, đạo nghĩa của người Nam Bộ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Các em cần phải biết mình là ai để ý thức được trách nhiệm của bản thân và ra sức phấn đấu hoàn thành trách nhiệm đó. Muốn như thế, các em phải thật sự hiểu lịch sử đúng với bối cảnh của nó. Không chỉ học lịch sử mà phải yêu lịch sử, muốn yêu thì phải cảm nhận được giá trị của nó để mà “thưởng thức” nó với một niềm say mê thật sự. Và văn hóa nghệ thuật là một hình thức tiếp cận lịch sử hiệu quả” – Thầy Phú chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tại chương trình, tập thể giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Du đã có dịp nhìn lại những trang sử vàng son của dân tộc trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước để thấy rằng trong ngần ấy thời gian, có biết bao giá trị về phong tục tập quán như Trầu-Cau, Lễ cưới hỏi, Ma chay, Đầy tháng, Thôi Nôi, Lễ Tết, Lễ Hội Kỳ Yên… Và cũng với ngần ấy thời gian, có biết bao tấm gương anh hùng nghĩa sĩ không phân biệt Nam-Phụ-Lão-Ấu, từ phụ nữ, trẻ em, người già, thanh niên…đều là những tấm gương sáng trung hậu hiếu hiền làm chói ngời trang sử Việt Nam.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thời kỳ Hùng Vương sinh ra biết bao lễ nghĩa như trầu cau, lễ cưới, tục tế tự. Cũng là thời kỳ sinh ra giá trị kinh dịch sâu sắc, ẩn chứa thâm thúy ý nghĩa giáo dục. Trải qua gần 1000 năm Bắc thuộc, qua nhiều cuộc thăng trầm bể dâu, không ít lần suy thịnh, những giá trị ấy vẫn vẹn nguyên khi dân ta luôn mang khát vọng trở thành một nước độc lập tự chủ và luôn giữ gìn bản sắc Việt.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Và cũng nhờ một nền tảng về tinh thần yêu nước, hào khí hùng hồn của một dân tộc bất khuất biết đoàn kết vì một mục đích chung là xây dựng nền độc lập tự chủ mà chúng ta đã tạo nên cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, tiếp theo 9 năm kháng chiến làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và rồi đại thắng ngày 30/04/1975 để thống nhất đất nước.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Có thể nói, từ trong những cơn lam lũ của lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải chịu thử thách qua những biến động nhưng luôn thể hiện mình là một dân tộc sáng tạo, anh hùng. Chúng ta có một nền lịch sử lập quốc mấy ngàn năm để mà tự hào. Chúng ta có một nền văn hóa đa dạng, phong phú để mà hãnh diện. Ý thức dân tộc và niềm tự hào dân tộc đã từng cháy lên dữ dội trong mỗi trái tim Việt Nam qua mỗi cuộc chiến tranh giữ nước.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tiếp bước tiền nhân giữ hồn dân tộc</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, có một thực tế là hào khí Việt Nam dường như chỉ cháy lên mạnh mẽ mỗi khi bờ cõi bị xâm lăng. Còn trong thời bình, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của trận địa kinh tế và văn hóa thì hào khí ấy trầm xuống hẳn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đầy trăn trở: Xin hãy xem cách người Trung Quốc quảng bá thương hiệu văn hóa du lịch của họ tại các hội chợ quốc tế; hãy xem cách người Nhật Bản tôn vinh nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật Kabuki, hay trình diễn miễn phí trang phục Kimono Show tại Nishijin -Kyoto của họ; hãy xem cách người Hàn Quốc xuất khẩu phim ảnh, xây dựng phim trường hay người Thái Lan tiếp thị về “du lịch quốc gia”… Tại sao họ làm được những điều lớn lao như vậy? Tại vì họ sáng tạo và có những điều kiện để sáng tạo. Họ luôn ý thức mãnh liệt về giá trị và hào khí dân tộc, để rồi luôn ý thức về việc phải khẳng định nó, đánh bóng nó trên trường quốc tế.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong thời hội nhập, có rất nhiều loại hình văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam và người Việt Nam sinh sống, tham quan du lịch ở nước ngoài có ảnh hưởng văn hóa ngoại lai. Vì thế những đường biên về kinh tế, văn hóa dễ bị mang ra so sánh, nhất là khi chúng ta không hiểu chính văn hóa phong tục của mình khiến cho những tục cổ truyền bị xóa nhòa. Dân tộc nào thông minh hơn và ý thức hơn về chính văn hóa phong tục cổ truyền của mình thì dân tộc ấy sẽ chiến thắng. Chính vì thế, trong bối cảnh hội nhập sau và rộng, hào khí dân tộc và ý thức dân tộc cần phải cháy sáng trong mỗi tâm hồn tuổi trẻ để xây dựng một bộ mặt mới với những thương hiệu mới về đất nước mình.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hào khí dân tộc không chỉ thể hiện qua việc cầm quân thao lược chiến trường mà còn được gói ghém một cách tinh tế những điều bình dị, gần gũi nhất, từ việc giữ vệ sinh công cộng, tuân thủ luật giao thông, chống tham nhũng, đoàn kết tương thân tương ái, xây dựng nếp sống văn minh tình nghĩa, giáo dục đạo đức trung nghĩa hiếu hiền hướng tới văn minh tiến bộ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bạn Đức Anh, học sinh lớp 12A7, trường THPT Nguyễn Du khẳng định: “Là một người trẻ em tin rằng tinh thần dân tộc của tuổi trẻ ngày nay không hề mất đi. Nhưng tuổi trẻ chúng em hiện nay cũng đứng trước nhiều cám dỗ bởi đời sống hiện đại. Và chương trình này đã giúp em và nhiều bạn khác nhận ra rằng hào khí dân tộc cũng có một sức hấp dẫn mãnh liệt. Quan trọng là tụi em chưa hiểu đúng, hiểu đủ để thật sự yêu những giá trị truyền thống đó” – Đức Anh chia sẻ thêm bạn đã học được cách trau dồi văn hóa và gìn giữ truyền thống từ bữa ăn hàng ngày, từ lời ăn tiếng nói, từ những thói quen sinh hoạt và cả những vật dụng thông thường nhất như chiếc khăn rằn, cây đèn dầu, cây tre…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Một dân tộc chỉ có thể phát triển khi từng người dân luôn đau đáu trước sự sinh - tử - tồn – vong của dân tộc mình. Một đất nước chỉ có thể thăng hoa khi mà tinh thần quốc gia luôn cháy sáng, và phải ý thức rằng văn hóa còn thì đất nước còn!</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>HÀ HẢI THIÊN</strong></span></span></p>
</body></html>