<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Những người lính giúp dân chống</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" color="#0000ff" size="2">
<span class="text16b" id="lbHeadline">Những người lính giúp dân chống bão</span>
</font></b></p>
<div style="float: left; width: 170px; height: 48px">
<table id="table2" width="100%" border="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nhung%20nguoi%20linh.bmp" width="180" height="135"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><span id="AvatarDesc"><i>
<font face="Arial" color="#808080" size="2">Chiến sĩ Đại đội 5 lợp
ngói lại cho Trường THPT Bình Đại</font></i></span></td>
</tr>
</table>
</div>
<span class="indexstorytext">
<p><font face="Arial" size="2">Sáng 5.12, bão số 9 tràn vào các tỉnh Nam Bộ.
Ngay trong lúc bão đang ào ạt hoành hành, có những chàng trai trẻ vẫn dũng cảm
vượt sông, băng đường để kịp đến với những nơi người dân cần cứu giúp. Đó chính
là những người lính Quân khu 7 và Quân khu 9.</font></p>
</span><span class="indexstorytext" id="lbBody">
<p><font face="Arial" color="#008000" size="2"><strong>Đông Nam Bộ: Nhiều công
việc không tên </strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Những ngày này, đi bất cứ xã nào của huyện Đất
Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi cũng gặp các tốp chiến sĩ của Trung đoàn
88, Sư đoàn 302, Quân khu 7 với những bộ quân phục bạc màu nắng gió. Đến nhà anh
Nguyễn Minh Tân, ở ấp Hải An, xã Phước Hải, chúng tôi cảm nhận không khí làm
việc khẩn trương, chu đáo của những người lính trẻ. Trong đống đổ nát, các chiến
sĩ đang lặng lẽ làm việc. Người thì trèo lên tường gỡ từng tấm tôn còn sót lại,
người thì gom góp xà bần vào sọt rồi chuyển ra xe chở đi, số còn lại đang chuyển
những tấm tôn để chuẩn bị lợp lại nhà... Binh nhất Ngô Văn Hải nói: "Thấy dân bị
nặng nề quá, nhà thì bị tróc nóc, đồ đạc thì bị gãy đổ lung tung. Cứ đến là xông
vào làm, coi người dân ở đây như cha mẹ mình vậy...". </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Phó tham mưu trưởng Sư
đoàn 302 thì cho biết: Ở khắp 4 xã mà hơn 300 quân của anh đang giúp dân, không
chỉ lao động phổ thông mà còn có đội hình chuyên do sư đoàn tuyển chọn. Đó là
các tổ mộc, tổ hồ, tổ làm đường... Như thế giúp dân mới hiệu quả. Anh còn cho
chúng tôi biết thêm, qua 4 ngày giúp dân, đơn vị anh đã dọn dẹp và lợp mới lại
cho hơn 500 căn nhà; sửa chữa 32 km đường giao thông, khám và chữa bệnh, tặng
quà cho gần 100 người dân và làm nhiều công việc không tên khác...</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nhìn thấy không khí khẩn trương, nghiêm túc, tận
tình giúp dân của các chiến sĩ trẻ, chúng tôi bỗng nhớ lại chuyến bay thị sát
tình hình sau cơn bão của trung tướng Lê Mạnh, Tư lệnh Quân khu 7. Nơi nào mà bị
thiệt hại nặng nề, ông đã yêu cầu tổ bay bay qua lại nhiều lần để nhìn cho rõ
hơn và ghi chép cẩn thận. Chúng tôi biết rằng, sau chuyến đi ấy trở về, trung
tướng Lê Mạnh đã chỉ đạo tăng thêm gấp nhiều lần quân số để giúp dân khắc phục
hậu quả. Từ dự định chỉ giúp dân trong vài ngày, ông đã chỉ đạo giúp dân đến khi
nào hết việc mới thôi. Ông nói: "Giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 9, sớm ổn
định cuộc sống và sẵn sàng đối phó với cơn bão Utor sắp đến là nhiệm vụ cấp
thiết nhất hiện nay của toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu
7...". </font></p>
<p><font face="Arial" color="#008000" size="2"><strong>Tây Nam Bộ: lệnh hành
quân không thể trì hoãn</strong></font></p>
<table id="table1" style="width: 20px; height: 10px" align="right" border="0">
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nhung%20nguoi%20linh%201.bmp" width="180" height="135"><br>
<font color="#808080"><em><strong style="font-weight: 400">Các chiến sĩ
Quân khu 7 lợp nhà cho dân</strong></em></font></font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Một người dân chứng kiến cảnh những người lính vượt
sông kể lại: "Lúc đó sóng gió khủng khiếp quá nên khách đi đường đều bị ách lại
hai bên bờ phà Rạch Miễu để bảo đảm tính mạng cho khách. Chỉ có mấy anh bộ đội
thiệt gan góc. Đứng trong bờ nhìn ra, thấy chiếc phà duy nhất chở mấy ảnh lắc
qua lắc lại chừng như muốn lật nghe thót tim. Chắc cũng tại sốt ruột lo cho dân
nên dù biết nguy hiểm mấy ảnh cũng không chần chừ". Ông Ngô Thành Nam, Phó chủ
tịch UBND thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nơi chịu thiệt hại
bão nặng nề nhất, không giấu được sự khâm phục: "Bão làm hàng loạt cây cối, trụ
điện ngã chắn ngang đường, khiến tỉnh lộ 883, đường chính về huyện bị ách tắc.
Các ảnh phải vừa đi vừa dọn đường mà vẫn kịp đến trung tâm huyện ngay khi bão
vừa tan và bắt tay ngay vào việc làm thông suốt các tuyến đường chính từ huyện
đến các xã để phục vụ kịp thời việc cứu trợ cho dân".</font>
<p><font face="Arial" size="2">Tại Trường THPT Bình Đại, 35 chiến sĩ của Đại đội
5 thuộc Tiểu đoàn, lớp chuyền ngói, lớp leo lên mái thoăn thoắt lợp lại toàn bộ
ngói bão đã cuốn bay để kịp cho ngày 13.10 học sinh có thể vào lớp. Ở Trường
tiểu học thị trấn Bình Đại, một nhóm chiến sĩ khác tích cực tháo dỡ hết những
miếng tôn rạn nứt còn bám hờ trên mái các phòng học có nguy cơ rơi xuống đầu học
sinh. Phạm Quốc Đại, một chiến sĩ trong nhóm, quê ở Cà Mau, bày tỏ cảm nghĩ:
"Mình cũng từng chứng kiến bão nên rất cảm thông và cảm thấy rất vui được góp
phần giúp học sinh sớm trở lại trường". Trong khi đó, trên các nẻo đường thị
trấn, thỉnh thoảng lại bắt gặp các chàng trai mặc áo lính mang theo những cây
thang đi đấu nối lại các đường dây thông tin liên lạc đã bị đứt. Thượng úy Trịnh
Văn Tuyền, Đại đội trưởng Đại đội 5, không giấu được niềm tự hào khi nói về đồng
đội của mình: "Cho đến nay đã có 400 chiến sĩ của Sư đoàn 8 Quân khu 9 có mặt
tại các vùng thiệt hại nặng vì bão số 9 ở Bến Tre như Bình Đại, Giồng Trôm, Ba
Tri nhằm giúp khắc phục hậu quả của bão. Là lính bộ binh, có nhiều việc không
phải chuyên môn nhưng chúng tôi cố gắng làm và học cách làm, không nề hà. Bởi
mỗi chúng tôi đều quán triệt các hoạt động giúp dân lúc này là mệnh lệnh hành
quân không thể trì hoãn".</font></p>
</span>
</body>
</html>