<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chuyến hành trình về vùng đất Côn Đảo anh hùng (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được Ban Thường vụ Quận Đoàn 2 tổ chức cho đoàn cán bộ, đoàn viên tiêu biểu tuy ngắn nhưng đã để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng khó phai trong thế hệ trẻ Quận 2. Đây là hoạt động hướng đến chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Quận 2 lần thứ V, nhiệm kỳ 2017 – 2022.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Vượt trùng dương, </strong><br />
6g00 sáng ngày 05/5/2017, vang lên tiếng còi báo hiệu tàu cập bến. Trước mắt 42 thành viên đoàn là cảng Bến Đầm cùng sự chào đón nồng nhiệt từ những người dân đảo. Vừa đặt chân xuống cảng bến Đầm, trên khuôn mặt của từng thành viên đoàn, ai ai cũng có cảm giác lâng lâng khó tả và niềm tự hào khi lần đầu tiên được đứng trên mảnh đất Côn Đảo linh thiêng – nơi được mệnh danh là “Bàn thờ của Tổ quốc”. Từ cảng Bến Đầm, theo chân hướng dẫn viên, đoàn công tác lên xe di chuyển về khu trung tâm. Đoạn đường khoảng 10 cây số, với bên phải bát ngát biển xanh, bên trái là rừng nguyên sinh trùng điệp, gió thổi lồng lộng, khí trời trong lành.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tri ân những anh hùng liệt sĩ</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Như một tình cảm thiêng liêng, ngay sau khi đặt chân đến Côn Đảo, điểm đầu tiên đoàn đến là Nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương để tưởng niệm và thắp những nén hương cho các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây bằng tất cả tấm lòng tri ân và hoài niệm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nghĩa trang Hàng Dương rộng khoảng 20ha là nơi an nghỉ lẫm liệt của 1.803 chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, trong tổng số gần 20.000 người đã hy sinh trên đảo. Đến với Hàng Dương mới thấy hết sự khốc liệt và tàn bạo đã từng diễn ra ở nơi đây. Hiện nay, nghĩa trang chỉ có khoảng trên 700 ngôi mộ có tên, còn lại rất nhiều ngôi mộ khuyết danh. Trên bia mộ khuyết danh chỉ duy nhất một ngôi sao đỏ. Các ngôi mộ quay về các hướng khác nhau theo như vị trí khi bị vùi lấp.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ai đến Hàng Dương cũng lạnh người cảm xúc. Mỗi nấm mộ như một chứng tích về thời kỳ hào hùng và bi tráng đã qua.Trước hàng ngàn nấm mộ bình dị như cuộc đời cao cả tuyệt vời của các chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng hy sinh tất cả, chấp nhận mọi hình thức tra tấn dã man để giữ được lòng trung với nước, với cách mạng. Mỗi lần đến Hàng Dương là dịp để soi lại mình, tri ân với những người đã nằm xuống trên đảo. Họ đã chết cho chúng ta được sống.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Có đến nơi này - trường “Đại học Cách mạng” suốt hai cuộc kháng chiến và tận mắt chứng kiến sự dã man của thực dân, đế quốc mới cảm nhận hết được ý chí quật cường của những chiến sĩ cách mạng. Với 113 năm cai trị của đế quốc, thực dân, Côn Đảo được ví như là “địa ngục trần gian”. Những cái tên trại tù Phú Hải, trại Phú Tường hay còn gọi chuồng cọp Pháp, trại giam Phú Bình hay còn gọi chuồng cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò... mà từ trước đến nay các anh, chị, các bạn cán bộ, đoàn viên chỉ được nghe, thấy qua sách báo, tranh ảnh thì giờ đây nó đang hiển hiện, phơi bày thực tế.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hình ảnh những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim đá ngột ngạt, chuồng cọp, hầm xay lúa... với những đòn tra tấn dã man như: rắc vôi bột, tạt nước để thân thể người tù lở loét, đến cách thức tắm nước lạnh, dơ bẩn vào mùa đông hay như ngâm thân thể người tù dưới hầm phân bò…và những câu chuyện mà thuyết minh viên đã kể cho chúng tôi nghe đều phải rùng mình, căm phẫn. Trong đoàn ai cũng xúc động khi tận mắt nhìn thấy nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng bằng một hệ thống các nhà tù hết sức dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong số những tù chính trị bị giam cầm có những tên tuổi mãi gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam như: Tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, chị Võ Thị Sáu,... cùng biết bao chiến sĩ cách mạng, những cái tên đã đi vào lịch sử.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Song, dù chịu khổ sai, nhục hình, đói khát và bệnh tật hành hạ ngày này qua ngày khác, kẻ thù vẫn không khuất phục được ý chí bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, người tù yêu nước và chính từ nơi địa ngục trần gian ấy, những chiến sĩ cách mạng vẫn nuôi dưỡng ý chí, niềm tin, vẫn sáng ngời khát vọng được sống, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, họ biến nơi đây thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện khí tiết của mình để đương đầu với kẻ thù để ngày nay nơi đây trở thành “trường học yêu nước” cho những người Việt trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Giao lưu với Huyện Đoàn Côn Đảo</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Gắn với hoạt động an sinh xã hội, Quận Đoàn 2 đã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 2 và Huyện Đoàn Côn Đảo tổ chức chương giao lưu “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”; tặng 1.000 quyển tập trắng và 20 suất học bổng cho học sinh giỏi, tiêu biểu huyện Côn Đảo (500.000 đồng/ 01 suất).</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/5/28337/18402275_777775532381805_8253389867335175656_o.jpg" style="height:400px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em>Viếng Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Điểm tham quan cuối cùng là bãi tắm Đầm Trầu, một bãi tắm hoang sơ chưa bị khai thác với làn nước trong xanh và bãi cát vàng... Ba ngày (05 - 08/5/2017) với rất nhiều điểm đến tham quan tại các di tích lịch sử, các thắng cảnh nổi tiếng của Côn Đảo nhưng các thành viên trong đoàn đều vẫn mong muốn khám phá nhiều hơn nữa, để cùng trải nghiệm, được tiếp thêm cảm hứng cách mạng và niềm tin chính trị qua chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tạm biệt Côn Đảo, đoàn công tác lên con tàu số 09 quay trở về đất liền nhưng trong lòng vẫn còn bồi hồi lưu luyến. Ngồi trên boong tàu, giữa mênh mông trời nước, phong cảnh thiên nhiên êm đềm mang đến cảm giác thư thái, bình yên, mỗi thành viên trong đoàn càng thêm trân quý giá trị của hai từ “HÒA BÌNH”, cũng như càng thêm cảm phục đối với biết bao đồng chí, đồng bào chỉ bằng khối óc, trái tim và lòng dũng cảm mà đã hiên ngang đương đầu với kẻ thù cướp nước và bọn tay sai bán nước, đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa muôn đời sống mãi.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tiến Lộc</strong></span></span></p>
</body></html>