<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Có người nói rằng “Mỗi rắc rối đều là một món quà – không có rắc rối chúng ta sẽ không phát triển”. Trong dòng chảy của cuộc sống thường nhật, đã có rất nhiều sáng kiến, hiến kế, những cải tiến được nảy sinh từ những khó khăn ban đầu. Những trở ngại ấy cũng là một động lực để vượt qua rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng, xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Từ những hiểm họa không lường trước</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Anh Nguyễn Quốc Thắng – Đội phó phụ trách đội TCTB (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) là một trong những minh chứng cho những nỗ lực vượt qua khó khăn để mang lại cho đơn vị những sáng kiến, hiến kế, những cải tiến hiệu quả, làm lợi cho cộng đồng. Và một cải tiến để lại ấn tượng chính là Cải tiến quy trình sản xuất sửa chữa, thay thế khung nắp hầm kỹ thuật. Xuất phát từ thực tiễn trong một lần thi công sửa chữa thay thế khung nắp hầm van chận tuyến ống nước D 600mm tại giao lộ Phan Đình Giót – Phan Thúc Duyện phường 2, quận Tân Bình. Sau khi công trình đã được thi công hoàn tất, trong thời gian chờ bê tông đông kết, liên kết giữa khung nắp hầm và thân hầm van để có thể chịu lực, tải trọng của các phương tiện lưu thông, công nhân Đội TCTB đã dựng rào chắn, biển báo và gắn đèn tín hiệu để cảnh báo người và phương tiện tham gia giao thông theo đúng quy trình công tác. Tuy nhiên đến 3 giờ sáng đã có tai nạn do va chạm với hàng rào chắn của công trình. Nguyên nhân là do trong quá trình thi công trên lòng đường ở nhiều vị trí trong địa bàn thành phố, dù là từ 22 giờ đêm trở đi, nhưng ở một số vị trí vẫn gây cản trở hoặc ùn ứ giao thông như: Đường Trần Xuân Soạn, quận 7 (dưới dạ cầu Tân Thuận), Giao lộ Phan Đình Phùng – Hoàng văn Thụ, quận Phú Nhuận, giao lộ Đồng Văn Cống – Nguyễn Thị Định và đường Vành đai phía đông quận 2… Với mật độ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, xe có tải trọng lớn và xe container rất nhiều, do đó sự nguy hiểm tiềm ẩn cho Người lao động trong khi thi công và cho các phương tiện tham gia giao thông có khả năng xảy ra rất cao. Đã có nhiều trường hợp các phương tiện giao thông va quẹt vào rào chắn hay biển báo của công trình khi công nhân đang thi công.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Từ thực tế nêu trên, lãnh đạo Đội và tập thể CBCNV tổ thi công tu bổ đã suy nghĩ, tìm tòi đưa ra sáng kiến “Cải tiến quy trình sản xuất, sửa chữa thay thế khung nắp hầm Kỹ thuật”, nhằm mục đích rút ngắn thời gian thi công tại hiện trường, nhanh chóng trả lại mặt bằng lòng đường, bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và an toàn cho người lao động trên công trình.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>An toàn cho lao động và cho mọi người</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">So với quy trình sản xuất cũ, quy trình sản xuất mới có những bước cải tiến vừa mang lại hiệu quả lao động, vừa hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn, sự cố xảy ra. Đơn vị sẽ nhận vật tư khung nắp hầm từ kho Xí nghiệp. Bộ khung nắp hầm gồm có khung bao bằng thép hình, các đà ngang thép hình và các nắp bêtông có viền bằng thép hình.Triển khai đổ bêtông khung bao tại xưởng. Sau khi bêtông khô, vận chuyển vật tư và trang thiết bị thi công đến công trường. Cắt lớp bêtông nhựa nóng mặt đường theo chu vi khung nắp hầm mới. Đào đường, đục bỏ phần bê tông khung bao của khung nắp hầm hiện hữu đang hư hỏng đến đúng độ sâu cần thiết để lắp đặt khung nắp hầm mới. Đặt khung bao của khung nắp hầm mới vào vị trí. Kiểm tra cân chỉnh cao độ đỉnh của khung nắp hầm mới ngang với mặt đường xung quanh, lắp đặt các đà ngang thép hình vào khung bao thép hình. Lắp đặt các nắp bêtông có viền bằng thép hình vào khung bao đã có trang bị đà gác ngang hầm. Chèn bêtông các khoảng trống (rộng 3-5 cm) xung quanh khung bao. Thu dọn trang thiết bị, vệ sinh công trường, hoàn tất công tác thay khung nắp hầm bị lún sụp.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">So với quy trình cũ, cải tiến trong quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng bêtông tốt hơn đổ tại chỗ ở công trường do tư thế thi công thuận lợi hơn. Không còn cần thiết phải để lại hàng rào, biển báo, đèn tín hiệu bên trên khung nắp hầm sau khi thi công từ 1 đến 2 ngày như quy trình sản xuất cũ. Quy trình sản xuất mới đảm bảo tốt cho vấn đề an toàn giao thông hơn quy trình sản xuất cũ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bên cạnh đó, việc thay đổi, cải tiến quy trình sửa chữa thay thế khung nắp hầm kỹ thuật không đòi hỏi những máy móc thiết bị mới đắt tiền hơn và những kiến thức cao cấp hơn, do đó dể hiểu, dể làm có thể nhân rộng và áp dụng cho tất cả các đơn vị cấp nước trong công tác sửa chữa, thay thế các nắp hầm kỹ thuật. Quy trình thi công mới có thể giảm được công lao động, giảm được thời gian thi công trên một đơn vị sản phẩm (khung nắp hầm kỹ thuật), tiết kiệm được chi phí tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả thiết thực cho quá trình sản xuất và hạn chế được những hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi đang thi công trên đường.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Q.C</strong></span></span></p>
</body></html>