<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Dân tộc ta có lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân ta”, câu nói ngắn gọn nhưng hàm xúc, thể hiện truyền thống yêu nước, đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam. Để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại ấy, đã có biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống, hy sinh vì độc lập dân tộc. Họ sẵn sàng chiến đấu, xã thân vì đất nước, vì cuộc sống ấm no của Việt Nam thân yêu. Nhằm chào mừng kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017), 106 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1922 – 5/6/2017) và chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Quận Phú Nhuận lần thứ XI nhiệm kỳ 2017 – 2022, vào ngày 18/5/2017 vừa qua, Đoàn phường 14 tổ chức hành trình “Theo dấu chân Người” Năm 2017 tại Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của 44 đoàn viên thanh niên và thiếu nhi.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Qua chuyến tham quan, các bạn Đoàn viên thanh niên và thiếu nhi được biết Bến Nhà Rồng là một trong những nơi gắn với sự hòa bình của dân tộc ta, cũng chính là nơi mà Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911. Bến Nhà Rồng khơi đầu là một thương cảng lớn của Sài Gòn. Thương cảng này nằm trên sông Sài Gòn và được xây dựng từ năm 1864, trên khu vực gần cầu Khánh Hội, nay thuộc Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại nơi đây, vào ngày 05 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu <a href="http://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Amiral_Latouche_Tr%C3%A9ville&action=edit&redlink=1" title="Amiral Latouche Tréville (trang chưa được viết)">Amiral Latouche Tréville</a> làm phụ bếp để có điều kiện sang <a href="http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2u_%C3%82u" title="Châu Âu">Châu Âu</a> - mở ra cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Do đó, từ năm 1975 tòa trụ sở xưa của thương cảng Nhà Rồng đã được chính quyền Việt Nam xây dựng lại thành khu <a href="http://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=L%C6%B0u_ni%E1%BB%87m&action=edit&redlink=1" title="Lưu niệm (trang chưa được viết)">lưu niệm</a> Hồ Chí Minh. Nhà Rồng được khởi công năm 1863 do “Công ty vận tải đường biển” (<a href="http://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFng_Ph%C3%A1p" title="Tiếng Pháp">tiếng Pháp</a>: Messageries Maritimes) xây cất để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Toà nhà có đôi rồng gắn trên nóc, kiểu “Lưỡng Long Chầu Nguyệt” nên thường được gọi là “Nhà Rồng”, do vậy bến cảng thuộc khu vực này cũng mang tên Bến Nhà Rồng. Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại, thương cảng Sài Gòn được chuyển giao cho chính quyền Miền Nam Việt Nam quản lý.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, với 03 phòng trưng bày (250m<sup>2</sup>), sau hai lần chỉnh lý (năm 1990 và năm 1995) lúc này đã có 09 phòng trưng bày; 02 phòng kho chứa 10.927 tài liệu, hiện vật và 450 hiện vật trưng bày ngoài trời. Trong 09 phòng trưng bày hiện tại, có 06 phòng trưng bày những chuyên đề cố định bao gồm những tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan tới tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 03 phòng trưng bày chuyên đề thời sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tuyên truyền trong từng thời gian nhất định. Sau hơn 20 phút được hướng dẫn viên giới thiệu và hướng dẫn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác thông qua tư liệu, hiện vật thì đoàn của chúng tôi đã hiểu sâu sắc hơn về lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc và cuộc hành trình vĩ đại của Bác. Qua đó, càng quý trọng hơn, tự hào và biết ơn hơn nữa đối với sự hy sinh, công lao to lớn của Bác, của các thế hệ cha ông đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước. Buổi tham quan tuy khá ngắn về thời gian nhưng các bạn đoàn viên, thiếu nhi lại cảm nhận rất sâu sắc và cụ thể từng giai đoạn, từng cột mốc lịch sử quan trọng, minh chứng tiêu biểu nhất có lẽ là những bức ảnh trắng đen đã cũ, nhân vật trong ảnh có vẻ nhạt nhòa nhưng không vì thế mà cả đoàn không nhận ra cái vẻ trang nghiêm, đầy bản lĩnh của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Từng giai đoạn là từng bước chuyển mình phức tạp của xã hội, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành của chúng ta cũng thay đổi tên gọi cho từng bước ngoặc thời gian ấy. Cho dù, Người là ai, là cậu bé Nguyễn Sinh Cung, được sinh ra và lớn lên ở làng Kim Liên nghèo nàn, là chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành đầy nhiệt huyết, dám đương đầu với mọi thử thách để tìm đường cứu nước, là một Nhà cách mạng, một Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vecxây bản yêu sách của nhân dân An Nam, là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, … thì Người mãi mãi là vị Cha già đáng kính của dân tộc, là tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau noi theo.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Quả thật, buổi tham quan ấy đã để lại cho các bạn đoàn viên, thiếu nhi nhiều ấn tượng và để ghi lại khoảnh khắc trang nghiêm nhưng vô cùng tráng lệ ấy, Đoàn Thanh niên Phường 14 đã kịp chụp cho nhau những bức ảnh sinh động, đánh dấu khoảng thời gian như được đắm mình vào không khí hào hùng, rạo rực nhiệt huyết cùng đứng lên kháng chiến bảo vệ quê hương thân yêu.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> <strong><em>Minh Khánh</em></strong></span></span></p>
</body></html>