<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thực hiện đợt hoạt động “<strong>Theo bước chân những người anh hùng</strong>” kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/2947 – 27/7/2017), Ban Thường vụ Thành Đoàn phối hợp với Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn tổ chức các đoàn đến thăm các gia đình chính sách của Thành Đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/7/29051/Anh%201.jpg" style="height:445px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngày 23/7/2017, Đoàn đã đến thăm gia đình của Liệt sĩ Lê Văn Ninh, bí danh Ba Thoại. Thành phần đoàn gồm: Đ/c Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Thành Đoàn; Đ/c Trần Đỗ Nam Long - Phó Bí Thư Quận Đoàn 1 và chú Hoàng Đôn Nhật Tân - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành đoàn, Phó Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn cùng các đoàn viên thuộc phường Nguyễn Cư Trinh - Quận Đoàn 1.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đoàn đã thắp hương bàn thờ Liệt sĩ Lê Văn Ninh, trao quà cho đại diện gia đình và cùng ôn lại tấm gương chiến đấu và hy sinh dũng cảm của anh.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chú Hoàng Đôn Nhật Tân là cơ sở bí mật của anh Lê Văn Ninh tại trường Cao Thắng (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) năm 1967 đã kể lại: “Trường Cao Thắng là mũi nhọn đấu tranh trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn từ 1963-1975. Tháng 7/1967, anh Ba Thoại về căn cứ Thành Đoàn tại xã Hậu Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) để mở lớp đào tạo cho 50 cốt cán phong trào. Ngày 20/7/1967, Sư đoàn 7 Bộ binh Sài Gòn mở cuộc hành quân “Sóng thần” bao vây xã Hậu Cư, tất cả học viên đều xuống hầm bí mật. Đến 6 giờ chiều, khi địch rút đi, tất cả tập trung tại Hội trường, điểm danh lại mới thấy thiếu anh Ba Thoại, tìm đến hầm bí mật mới biết anh chết ngạt dưới hầm. Anh đã chọn cái chết khốc liệt: Địch đóng quân kế miệng hầm, anh chịu hy sinh, không hé miệng hầm để bảo vệ bí mật các hầm bí mật khác. Anh hy sinh lúc vừa tròn 27 tuổi, anh học tại trường Cao Thắng và sau đó học Cán sự Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa), Bí thư Đoàn ủy Học sinh, anh chấp nhận hy sinh vì lý tưởng cao đẹp”.</span></span></p>
</body></html>