Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, Đoàn và phong trào thanh niên thành phố, có những tấm gương thanh niên đã góp một phần xương máu vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Họ sẵn sàng dấn thân, xung kích trong các phong trào quần chúng, là hạt nhân thúc đẩy động lực tiến công, bất chấp mọi hiểm nguy, mọi hy sinh gian khổ. Thông tin trong Đoàn xin giới thiệu cùng bạn đọc tấm gương của đồng chí Đảng viên trẻ Trần Khai Nguyên đã góp phần tăng cường và phát triển khối đoàn kết nhân dân trong sự nghiệp chiến đấu cho nền độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Trần Khai Nguyên - người thanh niên Hoa anh dũng
![]() |
Trần Khai Nguyên (còn có tên là Trần Lâm Đình), sinh ngày 29/10/1938, là con trai thứ hai của một gia đình người Việt gốc Hoa, gồm năm anh em. Lớn lên, anh Nguyên đã phải sớm nghỉ học để đi làm thuê vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh đã lần lượt làm phụ bếp ở một xưởng tàu vị yểu, làm công nhân ở một tiệm buôn bán trà, lại từng theo học các kỹ thuật in ấn và sửa chữa máy móc, đi học nghề ở một tiệm bán thuốc bắc rồi cuối cùng xin vào hãng dệt Vimytex làm công nhân sửa chữa thiết bị máy móc.
Có một lần, trong xưởng máy, nơi anh đang làm thuê, một bạn đồng nghiệp vắng mặt vì bận việc, vậy mà các bạn khác cũng bị chủ xưởng xén bớt tiền ăn trưa một cách phi lý. Trước tình hình đó, anh đã mạnh dạn đứng ra tranh cãi với chủ hãng. Qua những sự việc chủ xưởng bức hiếp, đè nén anh em công nhân liên tục xảy ra, anh đã nhận thức sâu sắc rằng, phải đấu tranh kiên quyết mới có thể bảo vệ được quyền sống của bản thân. Do vậy, anh đã tham gia các tổ chức bí mật của cách mạng lúc mới vừa 16 tuổi.
Năm 1961, anh Trần Khai Nguyên gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Làm việc và công tác tại hãng dệt Vimytex, anh đã tích cực dìu dắt, tổ chức anh em công nhân đứng dậy đấu tranh. Mặc dù bị địch theo dõi, nhưng anh không tỏ ra sợ sệt vẫn bình tĩnh và khôn khéo vượt qua sự kiểm soát của địch, và kiên trì bền bỉ lãnh đạo cuộc đấu tranh của anh em công nhân.
Do yêu cầu công tác, vào năm 1965, anh Trần Khai Nguyên được điều động về nhận nhiệm vụ ở cơ quan Tuyên huấn Hoa vận. Lúc đó, anh cùng với các đồng chí khác đã mua sắm nhiều dụng cụ in ấn, gây dựng được một nhà in bí mật. Bằng chữ chì, đồng chí đã in và xuất bản được tờ báo Công nhân số đầu tiên, cùng nhiều truyền đơn và sách vở cách mạng. Do ý thức được tính chất nguy hiểm của công tác, anh thường nói với các đồng chí khác rằng: "Trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù, ta phải nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng làm tốt công tác tư tưởng, nếu chẳng may lọt vào tay kẻ địch, ta phải giữ vững lập trường giai cấp, dù bị kẻ địch đánh đập hành hạ đến đâu cũng phải giữ gìn khí tiết cách mạng, không phản bội lợi ích của Đảng cũng như của nhân dân, kiên quyết bảo vệ an toàn cho cơ sở và cho các đồng chí".
Sáng 29/11/1967, vì nhu cầu nhiệm vụ công tác, khi đến tìm một cơ sở cách mạng, chẳng may anh bị địch bắt. Trong bốt Bà Hòa, dù bị địch tra tấn dã man, anh vẫn khăng khăng không hề khai báo. Chẳng khai thác được gì, kẻ thù đã trút nước vào bụng anh cho đầy tràn, dùng chân đạp thật mạnh lên bụng làm vỡ bọng đái. Trần Khai Nguyên đã anh dũng hy sinh lúc vừa 29 tuổi.
Sự hy sinh cao đẹp của đồng chí Trần Khai Nguyên đã góp phần tăng cường và phát triển khối đoàn kết nhân dân Việt - Hoa trong sự nghiệp chiến đấu cho nền độc lập và thống nhất Tổ quốc, cho hạnh phúc của toàn dân trên mảnh đất này.
(Trích "Chung một bóng cờ")