<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tại Hội nghị khoa học bàn về chủ đề “An toàn thực phẩm và An ninh lương thực” diễn ra sáng 14/10, nhiều nhóm sinh viên ngành Công nghiệp thực phẩm đã giới thiệu đến các nhà khoa học những mô hình sản xuất và bảo quản lương thực, thực phẩm hiệu quả. </span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/10/29560/Trao%20gi%E1%BA%A3i%201.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đây là Hội nghị Khoa học về chủ đề “An toàn Thực phẩm và An ninh Lương thực” đầu tiên được Trung tâm Khoa học và Công nghệ trẻ phối hợp cùng đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tổ chức. Hội nghị đã nhận được 26 bài tham luận về các mô hình phát triển lương thực, thực phẩm mới đang được nghiên cứu theo tiêu chuẩn khoa học đến từ các nhóm sinh viên nghiên cứu, các giảng viên và nhà khoa học trẻ. 6 đề tài được đánh giá là hiệu quả nhất đã được giới thiệu tại hội nghị trước hội đồng khoa học và hàng trăm sinh viên .</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Trước thực trạng biến đổi khí hậu diễn ra một cách bất thường với tốc độ nhanh như hiện nay đặt ra thách thức cho các nhà khoa học phải tìm ra những biện pháp phát triển bền vững” – đại diện nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Cần Thơ nhấn mạnh vấn đề khi giới thiệu mô hình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thí điểm tại tỉnh Hậu Giang”. Nhưng không chỉ giải quyết những vấn đề về mặt tự nhiên, một nhóm nghiên cứu khác đến từ ĐH Công nghiệp thực phẩm đã nghiên cứu “Tác động của thương mại quốc tế đến an ninh lương thực tại các nước Đông Nam Á” cho rằng các yếu tố xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo an ninh lương thực.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là “An toàn thực phẩm” được các nhóm sinh viên nghiên cứu dựa trên những thực phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. Trong đó có những đề tài được các nhà khoa học đánh giá có hiệu quả thực tiễn cao và dễ phổ biến đại trà như: Xây dựng quy trình kỹ thuật LAMP để nhận biết ngô biến đổi gene; Ứng dụng màng Chitosan – Nano bạc - Tinh dầu nghệ trong bảo quản chuối; Tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương để sản xuất các sản phẩm chocolate nhân macadamia thí điểm ở Đăk Lăk. Tuy nhiên, hội đồng khoa học cũng yêu cầu các nhóm nghiên cứu cần nghiên cứu thêm việc đơn giản hóa phương pháp và mở rộng áp dụng trên nhiều giống cây trồng hơn để dễ dàng phổ biến đại trà.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhận được nhiều đánh giá tích cực, 2 đề tài của các nhóm tác giả đến từ ĐH Công nghiệp thực phẩm là “Tác động của thương mại quốc tế đến an ninh lương thực tại các nước Đông Nam Á” và “Ứng dụng màng Chitosan – Nano bạc - Tinh dầu nghệ trong bảo quản chuối” đã được hội đồng khoa học trao giải Nhất. Bên cạnh đó hội nghị cũng trao 2 giải Nhì và 2 giải Ba cho các đề tài đã được bàn luận trong hội nghị.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>