Tại hội nghị “Góp ý sửa đội bổ sung điều lệ Đoàn khóa X” diễn ra sáng 20/10, nhiều đại biểu đến từ các Đoàn trường học đã thẳng thắn góp ý nên đổi mới cách thức sinh hoạt Chi Đoàn thay vì định kỳ mỗi tháng 1 lần như hiện tại.
Khuyến khích sinh hoạt bằng nhiều hình thức mới
Theo khoản 2 của điều 17 trong điều lệ Đoàn TNCS HCM qui định: Chi Đoàn là tổ chức tế bào của Đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi. Chi Đoàn sinh hoạt định kỳ một tháng một lần; đối với các đơn vị đặc thù thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.
Đại biểu của các trường đại học, cao đẳng cho biết không phải lúc nào cũng tập hợp được đông đủ các bạn đoàn viên để tiến hành sinh hoạt Chi Đoàn mỗi tháng 1 lần. Đại biểu đến từ đại học Kinh tế dẫn chứng: “Các sinh viên năm 4 có thời gian học trên trường rất ít, dành nhiều thời gian cho việc thực tập và đi làm, rất khó có được một thời gian chung nhất để tập hợp tất cả để sinh hoạt”. Đại biểu này cũng cho biết mỗi Chi Đoàn của trường có hàng trăm sinh viên, tập hợp đã khó, sinh hoạt Chi Đoàn lại càng khó hơn vì không có địa điểm đủ rộng để tổ chức, đồng thời chất lượng buổi sinh hoạt cũng không được đảm bảo.
Đoàn trường ĐH Mở cũng nêu ý kiến nên thay đổi cách sinh hoạt Chi Đoàn dựa theo tình hình thực tiễn của đơn vị. Các đại biểu khác cũng cho biết không phải tháng nào các Chi Đoàn của các lớp cũng tổ chức hoạt động vì phải ưu tiên phần lớn thời gian cho việc học tập. Do đó có những tháng không cần thiết phải sinh hoạt Chi Đoàn.
Thực tế cũng cho thấy việc sinh hoạt Chi Đoàn bằng hình thức tập hợp đoàn viên tại một địa điểm cố định và tổ chức hoạt động không khiến sinh viên hào hứng tham gia. Do đó hiện nay các Chi Đoàn đã tự đổi mới bằng nhiều hình thức như: trò chơi tập thở ngoài trời, các cuộc thi, hội thi, biểu diễn văn nghệ, … Đặc biệt hình thức sinh hoạt Chi Đoàn qua tương tác giữa các đoàn viên trên mạng xã hội cũng bắt đầu xuất hiện. Đa số các ý kiến đều mong muốn đổi mới việc sinh hoạt Chi Đoàn theo hướng sáng tạo nhiều hình thức mơi, thay vì giữ định kỳ hằng tháng như hiện nay.
Sửa đổi những qui định liên quan đến số lượng
Góp ý tại hội nghị, đại diện ĐH Khoa học Tự nhiên đặt ra vấn đề: “Nếu một Chi Đoàn có 90 sinh viên là đại biểu, chỉ cần 60 sinh viên đi dự là đủ 2/3 sẽ được tiến hành đại hội, như vậy các ứng viên được bầu vào ban chấp hành chỉ cần đạt 30 phiếu tán thành trở lên là trúng cử, nhưng thực chất họ chỉ được 30 trên tổng số 90 người tín nhiệm. Như vậy không đảm bảo chất lượng cán bộ đoàn”
Một số trường cũng nêu thực tế tại các cơ sở đoàn ở các khoa, các lớp, do các cán bộ đoàn phải đáp ứng các tiêu chí về học tập và rèn luyện khiến việc luân chuyển cán bộ đoàn diễn ra thường xuyên, hằng năm đều có kiện toàn để đưa cán bộ đoàn mới thay thế. Do đó điều lệ nên xem xét thay đổi qui định về kiện toàn số lượng nhân sự mới ở cấp đoàn cơ sở .
Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến về việc có nên thay đổi qui định thời gian tiến hành đại hội Đoàn là 5 năm 2 lần như hiện tại, hay chuyển sang 5 năm 1 lần.
Đa phần các trường đều đồng tình việc giữ nguyên thời gian 5 năm 2 lần để đảm bảo chất lượng đại hội. Vì đa phần sinh viên chỉ học 4 năm, nên nếu 5 năm mới làm một lần dễ xảy ra nhiều bất cập như thiếu kinh nghiệm tổ chức, hoặc những cán bộ đoàn tiềm năng không có cơ hội tham gia ban chấp hành …
Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng trong 5 năm đó các trường không chỉ làm đại hội Đoàn mà còn làm đại hội Hội Sinh viên. Như vậy các trường sẽ phải tiến hành ít nhất 3 đại hội trong 5 năm. Một số trường cho rằng việc này gây lãng phí nên muốn thay đổi thành 5 năm mới tiến hành đại hội Đoàn để đảm bảo tiết kiệm.
Bên cạnh những góp ý trên, các đại biểu cũng góp ý về những vấn đề liên quan đến quyền lợi đoàn viên như: nên xem việc chuyển sinh hoạt đoàn là quyền hay nghĩa vụ ; đề xuất thống nhất mẫu sổ đoàn trên toàn quốc ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đánh giá chất lượng đoàn viên …
ĐỨC DUY