<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Mang cái tình về với quê nghèo</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Mang cái tình về với quê nghèo </font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="mang%20cai%20tinh%20ve%20voi%20que%20ngheo.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Ở quê
nghèo, có nhiều người cả đời chưa biết đến viên thuốc như thế nào</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đoàn y, bác sĩ tình nguyện của
TP.HCM đã về khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở các huyện
Đức Phổ, Ba Tơ và Sơn Hà (Quảng Ngãi). Sự thiếu thốn y tế cùng với hình ảnh chân
chất của những nông dân nghèo đã để lại cho đoàn nhiều kỷ niệm khó quên. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay từ sáng sớm,
hàng trăm người dân từ khắp nơi đã có mặt tại bệnh xá Đặng Thùy Trâm để được
khám chữa bệnh. Trong số những người đến có rất nhiều cụ già đã ngoài 70 tuổi,
tay chống gậy, đầu đội nón lá, chân đất nhưng vẫn vượt 5-7km tới bệnh xá với
nguyện vọng được các y, bác sĩ ở TP.HCM trực tiếp khám chữa bệnh. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cụ bà Bùi Thị Hội
(71 tuổi), thôn Bàn Thạch, Phổ Cường, do nhà cách xa bệnh xá hơn 5km nên trời
vừa hừng sáng là bà đã có mặt. Bà nói: “Nghe có bác sĩ ở tận Sài Gòn về nên phải
dậy đi sớm cho khỏi trễ. Mong sao các bác sĩ khám cho cái lưng, cái chân bà
không còn đau nhức nữa để còn ra đồng làm ruộng”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những người đến
khám bệnh đều có cùng hoàn cảnh giống nhau là nghèo khó, có những người cả đời
chưa mấy lần được khám chữa bệnh, nên giờ khi khám chữa bệnh lại trở nên ngỡ
ngàng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Như trường hợp cụ
bà Bùi Thị Sao (80 tuổi), thôn Nga Mân, Phổ Cường, cầm trên tay số thuốc vừa
được y bác sĩ cấp sau khi khám xong, nhưng cứ băn khoăn không biết tính sao khi
các bác sĩ bảo phải uống thuốc đúng giờ và phải nghỉ ngơi không được làm gì...
“Uống thuốc đúng giờ thì già cố gắng làm, nhưng bảo phải ở nhà, nghỉ ngơi thì
khó quá. Cả sào ruộng chưa sạ còn ngoài kia. Ở nông thôn không làm ruộng thì sao
được, không làm thì lấy gì mà sống” - cụ Sao nói.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bác sĩ Trần Xuân
Thông, phó khoa liên chuyên khoa Bệnh viện nhân dân 115, tâm sự: “Trong những
ngày khám bệnh cho bà con ở Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Hòa, Phổ Vinh, huyện Đức
Phổ, tôi thấy bà con còn nghèo quá. Nghèo kinh tế đã đành, dịch vụ y tế cũng rất
hạn chế. Tôi có cảm giác người dân đang “khát” được khám chữa bệnh vậy”. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Rời huyện Đức Phổ
chúng tôi theo đoàn y, bác sĩ lên huyện miền núi Sơn Hà. Có lẽ cái nghèo ở đồng
bằng dù sao cũng đỡ hơn rất nhiều so với cái nghèo của huyện miền núi. Tại hai
điểm khám bệnh xã Sơn Thành và thị trấn Di Lăng, chúng tôi gặp nhiều trường hợp
đồng bào dân tộc cả đời chưa biết đến viên thuốc. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Đinh Văn A, dân
tộc H’Re, thôn G’Rin, xã Sơn Thành, ẵm con chưa đầy 10 tháng tuổi nói rất thật
lòng: “Mẹ nó bị đau chết rồi. Mấy hôm nay đứa nhỏ bị ho, sợ cái bệnh lại bắt đi
như mẹ nó nên mình đưa nó xuống đây để các bác sĩ khám và cho cái thuốc uống”.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bác sĩ Phan Trọng
Giáo - khoa nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - tâm sự: “Tôi đã đi khám chữa
bệnh cho người nghèo nhiều nơi nhưng chưa ở đâu thấy cái nghèo và thiếu thốn như
nơi đây, bà con mình nghèo mà thật thà chân chất”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mỗi lần khám bệnh
cho bà con, các y, bác sĩ phải nhờ một người địa phương làm thông dịch bởi phần
lớn đồng bào dân tộc đến khám đều không biết nói tiếng Việt. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Bùi Thị Kim
Chi, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM, cho biết trong hai ngày khám
chữa bệnh cho bà con tại bốn xã của huyện Ba Tơ và hai xã của huyện Sơn Hà,
nhiều nơi bà con đến thật sớm và rất đông, có nhiều người đã đến trước cả ngày.
Những hình ảnh ấy thật sự cảm động. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Do bà con đến khám
rất đông, vượt so với dự kiến rất nhiều nên hầu như hôm nào cũng phải sau hơn 1g
trưa cả đoàn mới tạm nghỉ tay ăn gói mì, rồi sau đó khám tiếp. “Trong hai ngày
qua được khám bệnh cho đồng bào nghèo ở Quảng Ngãi, đặc biệt là đồng bào dân tộc,
với đoàn y, bác sĩ TP.HCM thật sự là niềm hạnh phúc và đầy ý nghĩa” - chị Chi
nói.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>