<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lê Tấn Quốc - Suốt đời kiên trun</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Lê Tấn Quốc -
Suốt đời kiên trung với lý tưởng</b></font></p>
<div style="float: left; width: 194px; height: 25px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="Le%20Tan%20Quoc.bmp" width="206" height="290"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sinh ra tại xã Long Trường, huyện
Thủ Ðức, tỉnh Gia Ðịnh (cũ). Ngay từ nhỏ, anh theo các anh chị làm cách mạng,
anh Quốc đã thể hiện sự dũng cảm, nhanh nhẹn và thông minh của mình, được các
anh chị tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. 18 tuổi, anh chính thức tham
gia Thanh niên Tiền Phong, được cử làm thư ký Ban chấp hành Thanh niên cứu quốc
xã Tam Đa (Long Trường). Phong trào cách mạng lên cao, nhiệm vụ ngày càng khó
khăn, nguy hiểm nhưng anh vẫn thể hiện được bản lĩnh của mình, được cấp trên tin
tưởng, đồng đội tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Thanh niên cứu quốc tỉnh Gia
Định, là Uỷ viên Đảng đoàn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ năm 1950 - 1960, anh lần lượt
nhận các nhận nhiệm vụ: Phó trưởng ty Giao thông liên lạc tỉnh Gia Định, Phó Bí
thư Chi bộ; Đại đội phó, Đội trưởng Đội giao thông liên lạc Quân dân Chính tỉnh
Gia Định, Chi uỷ viên, Bí thư chi bộ, Liên tổ trưởng Đảng, trưởng Ban Binh vận
tỉnh Gia Định. Với tinh thần thép, gắn bó với cách mạng và cuộc chiến đấu của
nhân dân, anh luôn được giao nhiệm vụ then chốt trong phong cách mạng như công
tác binh vận, chính trị, tư tưởng…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1960, với nhiệm vụ Đội trưởng,
Bí thư chi bộ C10 (sau là C50), anh Quốc đã tham gia huấn luyện quân sự, kỹ
thuật chiến đấu vũ trang trong thành phố chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng
vũ trang. Đó là những năm tháng toàn thành sục sôi trong không khí sẵn sàng
chiến đấu trong mọi thời điểm. Anh đã chủ động đề ra nhiều phương án tác chiến
táo bạo, ngày 26/12/1960, anh trực tiếp tham gia đánh vào Câu lạc bộ Gôn, tiêu
diệt hàng loạt cố vấn Mỹ và chư hầu, mở ra khả năng hoạt động vũ trang nhằm vào
những mục tiêu hiểm yếu ngay tại hang ổ của địch. Khi đấu tranh vũ trang ngày
càng quyết liệt, đòi hỏi một lực lượng nòng cốt, trong vai trò Chính trị viên
kiêm Bí thư chi bộ, anh cùng với nhiều đồng chí của mình thành lập Đội biệt động
67. Đây chính là lực lượng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng cho cách mạng.
Với lực lượng gồm: 30 đảng viên, 25 đoàn viên, 3 trung đội chiến đấu, trong đó:
1 tổ "Chim sắt", 1 tổ giao liên công khai, 183 cơ sở quần chúng nội thành, Đội
đã trực tiếp đánh 87 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 400 tên Mỹ (có 1 cấp tướng và
nhiều cấp tá), 333 tên Ngụy, phá hoại 1 tàu Mỹ, đánh chìm 1 tàu tuần cảnh, phá
hủy 9 xe hơi, 2 máy bay Boeing, đốt cháy 1 kho tài liệu của cố vấn Mỹ… đồng thời,
tổ chức xây dựng và chỉ huy lực lượng vũ trang chiến đấu Khu đoàn Sài Gòn - Gia
Định. Dưới sự lãnh đạo của anh, lực lượng vũ trang Khu đoàn phát triển từ 30
chiến sĩ ban đầu năm 1967 lên 1.000 chiến sĩ năm 1968, tham gia nhiều trận đánh
lớn nhỏ, trong đó có 3 trận tiêu biểu: Trận đánh cảnh sát dã chiến ở Sân Vận
động Cộng Hòa ngày 6/10/1965 diệt và làm bị thương 49 tên nhưng vẫn đảm bảo yêu
cầu bảo toàn lực lượng quân ta, trận diệt ký giả Từ Chung - tên CIA đội lốt chủ
bút chuyên viết bài chống cộng, trận đánh bọn cố vấn Mỹ trên đường Tháp Mười đã
tiêu diệt và làm bị thương 40 tên. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thời gian từ 1960 - 1969, anh đảm
nhiệm nhiều nhiệm vụ mới: Phó Giám đốc Binh công xưởng khu Sài Gòn Gia Định, Đại
đội bậc trưởng chính trị, trưởng Ban quân sự cánh 159, Trưởng Ban Quân sự - lực
lượng vũ trang - khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, ủy viên Ban cán sự, trưởng Ban
quân sự Thành ủy, Phó Ban dân quân Bộ Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Định… Nhưng
dù ở cương vị hay nhiệm vụ nào đi nữa thì dòng máu cách mạng vẫn nóng bỏng và
thôi thúc anh hoạt động, làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày
11/2/1969, địch tấn công căn cứ, anh Quốc bị thương và bị địch bắt lần lượt giam
tại nhà lao Cần Thơ và Phú Quốc, dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng anh vẫn
giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng cho đến ngày được trao trả tại
Quảng Trị vào ngày 17/3/1973. Sau thời gian an dưỡng, khôi phục sức khỏe tại
C22/D5/E 153 Tỉnh đội Thái Bình, năm 1974, anh trở lại hoạt động trong nhiệm vụ
của Chính trị viên, Phó Bí thư Đảng ủy Đoàn 195 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia
Định, Phó Bí thư Đảng ủy B12 (Tiền phương 2) thuộc Thành Đội Sài Gòn. Sau đó về
trực tiếp Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Quận 5. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mặc dù bây giờ anh không còn nữa
nhưng trong mắt người thân, bạn bè, đồng đội, đồng chí, anh vẫn là một tấm gương
Đảng viên suốt đời cống hiến cho Đảng, cho nhân dân, kiên trung với lý tưởng
cách mạng. Trong câu chuyện của những người bạn chiến đấu năm xưa, những kỷ niệm
về đồng chí Lê Tấn Quốc được nhắc lại đầy trìu mến, kính trọng. Đó cũng là niềm
tự hào của người con trai anh - Lê Tấn Tài - hiện là Phó Bí thư Quận Đoàn 5 -
nói về cha với tất cả sự yêu thương: <i>"Ba là người rất nghiêm khắc, đặc biệt
là với con cái nhưng lại vô cùng nhân hậu và bao dung. Mỗi lần con cái phạm lỗi,
ông luôn thẳng thắn phê bình và phân tích phải trái để các con hiểu và tự sữa
chữa. Tôi học tập được ở Ba sự nghiêm túc trong công việc, công bằng, thẳng thắn.
Ba ít khi nói về mình, những điều giúp tôi hiểu về cuộc đời sống và chiến đấu
của ông là qua lời kể của bạn bè, đồng đội, qua đó tôi cảm nhận được tình cảm
yêu mến mà các cô chú dành cho Ba". </i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngừng một lát, Tài nói tiếp: <i>"Tôi
nhớ lần ba tiễn tôi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông đã dặn dò rất kỹ lưỡng,
ông đặt nhiều hi vọng vào con trai mình sống và hoàn thành nhiệm vụ với đất nước,
xứng đáng là con của một người lính. Ông không chấp nhận thói ỷ lại, hư hỏng,
nhất định không bênh vực nếu làm sai. Trong cuộc sống, suy nghĩ, tính cách cũng
như sự trưởng thành của tôi, Ba là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, từ định
hướng trong học tập, công việc, nghiêm khắc với chính bản thân mình. Nếu có ai
hỏi tôi về thần tượng, thì tôi siẽ nói: “Ba chính là thần tượng để tôi học tập
và noi theo". </i></font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">MINH NGUYỆT </font></b></p>
</body>
</html>