<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thuốc đắt tiền chưa hẳn đã tốt</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font color="#0000FF" face="Arial" size="2">
<span id="NewsContentDetail1_MsgSubject">Thuốc đắt tiền chưa hẳn đã tốt</span></font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Các nghiên cứu ở Mỹ cho
thấy, kháng sinh mới đắt tiền chưa chắc đã cần thiết và tốt hơn loại cũ. Nhiều
loại thuốc chênh nhau rất nhiều về giá cả lại cho kết quả điều trị như nhau.</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều bệnh nhân tìm sự quen biết,
nhờ bác sĩ có danh tiếng để được điều trị bằng các thuốc mới, đắt tiền thì mới
yên tâm. và các thuốc rẻ tiền dễ bị bỏ rơi. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Điển hình như magiê sulfat, một
chất rẻ tiền, an toàn và rất công hiệu trong điều trị hội chứng tiền sản giật và
sản giật ở phụ nữ. Khi bị chứng này, bệnh nhân thường có những cơn co giật và có
thể tử vong. Các triệu chứng kèm theo thường là tăng huyết áp, đi tiểu ra nhiều
đạm, nhức đầu dữ dội và mờ mắt. Mặc dù đã có phác đồ điều trị nhưng hằng năm hội
chứng này vẫn gây tử vong cho hơn 63.000 sản phụ và nhiều thai nhi trong bụng mẹ,
và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các em bé sống sót. </font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="thuoc%20dat%20tien%20chua%20han%20da%20tot.JPG" width="350" height="287"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mặc dù điều trị hiệu quả tiền sản
giật và sản giật nhưng magiê sulfat đã bị lãng quên, ngay cả ở những nước nghèo
ở châu Phi. Lý do rất đơn giản: Magiê sulfat quá rẻ tiền; các hãng dược không
muốn đăng ký thuốc và bệnh viện cũng không muốn dùng vì lợi nhuận thấp.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Thuốc đắt tiền thường được ưa
chuộng</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một nghiên cứu về điều trị tâm
thần ở Mỹ công bố năm 2005 cho thấy: Các thuốc thế hệ mới dùng trong điều trị
bệnh này được quảng bá rộng rãi, chiếm ưu thế tuyệt đối trong các đơn thuốc của
bác sĩ. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị và tác dụng phụ của chúng cũng tương đương
thuốc cũ, có điều giá cả đắt gấp 10 lần.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Qua tập hợp và phân tích số liệu
nhiều công trình khoa học, Ủy ban về nghiên cứu sức khỏe và chất lượng của Mỹ đã
kết luận: Các thuốc kháng sinh mới đắt tiền chưa chắc đã cần thiết và tốt hơn
thuốc cũ. Giá cả của kháng sinh trị viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi cấp dao
động từ 2 đến 113 USD/ngày. Sự khác nhau về giá cả vẫn cho kết quả điều trị như
nhau. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các nghiên cứu còn cho thấy, kết
quả điều trị của nhóm dùng kháng sinh cũ (giá 12 USD) còn cao hơn kháng sinh thế
hệ mới (giá 42 USD).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong điều trị viêm xoang: những
nghiên cứu lâm sàng từ 1970 đến1998 cho thấy: 69% bệnh nhân tự khỏi; và việc
điều trị bằng các thuốc kháng sinh mới như azithromycin, clarithromycin hay
cefixin vẫn mang lại kết quả tương tự như thuốc cũ amoxicillin.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với bệnh viêm phổi cấp tính, tính
ưu việt của các kháng sinh mới cũng không hơn gì các kháng sinh thế hệ cũ. Tỷ lệ
bệnh nhân dùng thuốc mới tái phát, phải vào viện điều trị còn cao hơn so với
dùng kháng sinh cũ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ chỉ
ra sự không hợp lý của việc lạm dụng kháng sinh đắt tiền vancomycin trong hơn 10
năm qua: Kháng sinh này chỉ nên dùng khi có dấu hiệu vi khuẩn nhờn với thuốc cũ
hoặc bệnh nhân dị ứng với các kháng sinh khác. Việc dùng vancomycin như thuốc
tiên phong trong bệnh nhiễm khuẩn không mang lại kết quả cao mà còn làm phát
sinh các chủng vi khuẩn kháng thuốc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các thuốc mới được nhà sản xuất
đưa vào thử nghiệm là để có các chỉ số nhằm xin cấp phép lưu hành, hiệu quả chỉ
được so sánh với giả dược trong một thời hạn ngắn. Các thử nghiệm này không cho
thấy thuốc mới có an toàn và hiệu quả hơn thuốc cũ hay không, hậu quả sau một
thời gian dài sử dụng ra sao.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SK&ĐS</i></b></font></p>
</body>
</html>