<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Giải thưởng</title>
</head>
<body>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Giải thưởng
“Phát minh xanh” lần thứ 7: </font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Vẫn cứ dừng ở ý tưởng ?</font></b></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Bùi Nguyên
Vọng đoạt giải nhất “Phát minh xanh” lần thứ 7</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="van%20cu%20dung%20o%20y%20tuong.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Bùi
Nguyên Vọng, sinh viên năm thứ hai, ngành điện tử (ĐH Cần Thơ) được ông
Nguyễn Quang Phát, Phó Tổng giám đốc Công ty Sony VN trao giải nhất
“Phát minh xanh” lần thứ 7</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tối 6 - 1, tại TP
Huế, Công ty Sony Việt Nam; Bộ GD - ĐT; Bộ Tài nguyên - môi trường đã tổ chức lễ
trao giải “Phát Minh Xanh” lần 7. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mười đề tài, công
trình nghiên cứu thuộc hai lĩnh vực công trình ứng dụng và công nghệ thông tin
của sinh viên các trường đại học (ĐH) tại Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội đã
lọt vào vòng chung kết. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Độc đáo, thú vị,
sáng tạo, rất thực tế...” đó là những từ liên tục được sử dụng khi ban tổ chức,
hội đồng chấm giải nói về các đề tài này.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Táo bạo và gần gũi</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bùi Nguyên Vọng,
sinh viên năm thứ hai ngành điện tử thuộc ĐH Cần Thơ đã xuất sắc vượt qua các
tác giả khác, đoạt giải nhất với đề tài “<em>Hệ thống phát điện bằng năng lượng
sóng biển</em>” (trị giá 12 triệu đồng). </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=174616" hyperlink onclick="return showImage(this.src)" class="lImage" border="1" height="150" hspace="0" width="200"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Bùi
Nguyễn Vọng “diễn tập” mô hình máy phát điện bằng năng lượng sóng biển.</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm nay, đa số đề
tài dự thi nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng. Công trình đạt giải nhất của Bùi
Nguyên Vọng là một bộ máy phát điện công suất 8kW từ sóng biển. Chiếc máy phát
điện này có thể hoạt động trong nhiều điều kiện sóng biển khác nhau, dù thủy
triều lên hay xuống, dù hướng gió trên biển có thay đổi... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên lĩnh vực công
nghệ thông tin, phần mềm “<em>Nhà quản lý xanh</em>” của Lê Thị Hồng Điệp (sinh
viên năm thứ tư, khoa Môi trường, ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, TP.HCM) cùng Nguyễn
Trọng Minh (sinh viên năm thứ năm, khoa Môi trường, ĐH Bách khoa TP.HCM) đoạt
giải nhì là một phần mềm đa năng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Xuất phát từ nhu
cầu sử dụng của các nhà quản lý, tài liệu tham khảo cho các cuộc thi, những người
quan tâm tới môi trường... nên tụi em mạnh dạn thực hiện đề tài này” - Hồng Điệp
giải thích. Ngoài tính đa năng, khối lượng tư liệu phong phú, phần mềm “Nhà quản
lý xanh” còn rất dễ sử dụng (chỉ với một đĩa CD cài đặt), giao diện khá “bắt mắt”, và
được cập nhật thường xuyên...</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table3">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=174617" hyperlink onclick="return showImage(this.src)" class="lImage" border="1" height="150" hspace="0" width="200"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">GS.TS
Thân Đức Hiền, Chủ tịch Hội đồng giám khảo trao giải cho các sinh viên
đoạt giải nhì</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong khi đó sự táo bạo cũng thể
hiện trong đề tài đoạt giải nhì khác: “<em>Vườn hoa lọc nước trên hồ B52</em>”
của nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Đức Hiếu...
thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. “Hồ B52” là một hồ nằm
giữa làng hoa Ngọc Hà, quận Ba Đình của Hà Nội và là di tích ghi dấu ấn lịch sử
của trận Điện Biên Phủ trên không với phần đuôi của chiếc B52 vẫn còn nhô lên
giữa hồ. Những năm gần đây hồ đã bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải sinh hoạt
khiến cảnh quan di tích xuống cấp đến mức báo động. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhóm nghiên cứu đã
chắt lọc, chọn những giống hoa có khả năng xử lý nước tốt nhất rồi trồng trên
một chiếc bè nổi kết từ những chai nhựa phế liệu. Đề tài đã thành công bước đầu
khi các giống hoa được lựa chọn cho kết quả loại bỏ chất ô nhiễm rất tốt. Tương
lai không xa sẽ có những vườn hoa nổi đầy thơ mộng, mang lại sự trong lành cho
hồ B52. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đề tài đoạt giải
nhì “<em>Giải pháp cấp nước sinh hoạt cho làng nước đen – Làng Trà Đình 2, huyện
Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam</em>” của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thùy Anh (năm thứ
hai khoa Công nghệ môi trường và Xây dựng dân dụng & công nghiệp - ĐH Bách khoa
Đà Nẵng) cũng xuất phát từ thực tế cuộc sống. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Làng Trà Đình lâu
nay nổi tiếng với nguồn nước đen do vị trí của làng nằm ở vùng trũng thấp, ô
nhiễm hữu cơ từ các phía dồn về, những chiếc máy bơm sử dụng chỉ một thời gian
ngắn là rỉ sét. Bằng các biện pháp đơn giản và phù hợp với vùng nông thôn, nhóm
nghiên cứu đã xử lý nước tại khu vực này đạt tiêu chuẩn của nước sinh hoạt.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Cần có một “bàn đỡ” </font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại buổi lễ trao
giải “Phát minh xanh” lần 7, đại diện Sony VN cho biết, kể từ năm nay giải
thưởng sẽ kéo giãn ra hai năm một lần. Xen kẽ sẽ có thêm giải thưởng “<em>Dự án
xanh</em>” do Sony tài trợ, được trao giải lần thứ nhất vào năm nay. Đây được
xem như sự “tiếp sức”, cổ vũ cho những công trình đoạt giải “<em>Phát minh xanh</em>”
đi vào thực tế, sau khi các cá nhân, tổ chức cùng với tác giả công trình triển
khai ứng dụng có hiệu quả.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Vũ Quốc Tuấn,
Trưởng phòng Thông tin Đối ngoại của Sony Việt Nam cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ
công bố trên các phương tiện truyền thông các đề tài đã đoạt giải từ trước tới
nay. Qua đó, mọi tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước đều có thể tham gia (đầu
tư) ứng dụng công trình". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Tuấn cũng nhìn
nhận trong bảy năm tổ chức giải thưởng “Phát minh xanh”, Ban tổ chức có khoảng
70 đề tài, công trình giá trị, trong đó ít nhất 30 công trình có nhiều khả năng
ứng dụng thực tiễn nhưng vẫn gặp khó khăn, nhất là về tài chính. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">GS.TSKH Thân Đức
Hiền, Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (đại học Bách khoa
Hà Nội), chủ tịch Hội đồng giám khảo giải thưởng “<em>Phát minh xanh</em>” lần
thứ 7 cũng tỏ ra hài lòng với những đề tài, công trình dự giải của sinh viên với
sự sáng tạo, thực tế, chịu khó của họ. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề “ứng
dụng” những sáng kiến, phát minh này thì ông không khỏi băn khoăn. GS Hiền còn
kể lại sự tâm đắc của ông về công trình dùng sọ (gáo) dừa khô để chế tạo mũ bảo
hiểm - một “phát minh xanh” độc đáo của bốn năm về trước. Tuy nhiên, khi đài RFI
phỏng vấn ông về “ứng dụng” thì ông vẫn dùng từ “chắc là không xa lắm...”.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Và thời gian bây
giờ là đã hơn bốn năm mà công trình đoạt giải nhất ấy vẫn chỉ là những ứng dụng
khiêm tốn ở đâu đó. “Ngay cả các nhà khoa học có các công trình sản xuất ra cũng
phải có các “bàn đỡ” bên ngoài... Riêng công trình, ý tưởng của các sinh viên đi
vào thực tiễn cần có khâu ở giữa, khâu trung gian nữa, đó là vấn đề cực kỳ quan
trọng” - GS Hiền nói.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>