<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><strong>Quận Phú Nhuận – Phường 1 : “ Hành trình du lịch học sử ”</strong></p>
<p>Vào lúc 8h00, thứ năm ngày 14 tháng 5 năm 2018, BCH chiến dịch HPĐ tổ chức cho các em thiếu nhi tham quan và tìm hiểu lịch sử tại Đình Phú Nhuận và Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn quận Phú Nhuận.</p>
<p><strong>Đình Phú Nhuận</strong> nằm tọa lạc tại số 18 Mai Văn Ngọc, phường 10, quận Phú Nhuận. Đình Phú Nhuận lúc đầu được xây dựng bên bờ rạch Thị Nghè. Sau đó ông xã trưởng Lê Tự Tài đã hiến cho làng một khu đất cao ráo nhất làng gọi là “gò kim qui” để dời đình về đây. Ngôi đình được xây dựng trên “gò kim qui” ấy còn tồn tại đến ngày nay đó là đình Phú Nhuận. Thôn Phú Nhuận được ghi trong danh sách làng xã trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, lúc đó thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình - trấn Phiên An. Đình Phú Nhuận được xây dựng trước năm 1853. Sau khi xây xong đình Phú Nhuận, các cụ trong hội đình mới ra kinh thỉnh sắc của vua Tự Đức ban cho đình vào năm 1853. Ban đầu đình chỉ có võ qui và chánh điện.Sau đó nhà túc được xây dựng.<br />
Năm 1930, trùng tu phần lớn nhà túc, chánh điện và võ qui, xây dựng thêm võ ca và nhà hậu. Năm 1966, trùng tu lần thứ hai: đình được thay cửa gỗ bằng cửa sắt, thay gạch tàu bằng gạch bông, sửa chữa hậu trường (buồng hát). Năm 1989, trùng tu võ ca và nhà hậu. Năm 1998, trùng tu phần chánh điện.<br />
Đình Phú Nhuận đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cơ bản của ngôi đình cổ miền Nam thế kỷ 18-19. Các thành phần trên trục phụ gọi chung là khu vực nhà túc (túc có nghĩa là túc trực, chờ đợi): đây là nơi sửa soạn lễ vật cúng thần trong những ngày lễ, ngày thường là nơi giải quyết việc làng, nơi hương chức trong làng làm việc. Trong đình đồ thờ cúng và trang trí đều được sơn son thếp vàng và chạm trổ tinh xảo. Đáng chú ý là bàn thờ hội đồng nội có chạm bát tiên, tứ linh và bao lam tứ linh ở võ qui, 3 bức hoành phi ở võ qui và chánh điện ... Trên bàn thờ thần ở chánh điện có hai vật quí, đó là lư hương bằng gốm cổ, màu men xanh lam, hình khối chữ nhật có kích thước 32cm x 35cm x 30cm và một lư hương bằng đồng hình khối chữ nhật có kích thước 12cm x 20cm x 3cm. Đình còn lưu giữ tổng cộng 34 hiện vật, trong đó có sắc phong của vua Tự Đức.<br />
Đình Phú Nhuận thờ Thành Hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Thần được thờ ở đình Phú Nhuận có tên Ma - La - Cẩn. Cùng được thờ trong đình Phú Nhuận có: Chúa xứ Nương Nương, Đông Nam sát hải lang lại nhị đại tướng quân, Thần Nông, Ngũ hành Nương Nương, Nhị vị công tử, Tiền viên binh, Hậu viên binh, Tiền viên chức, Hậu viên chức, Bạch mã thái giám<br />
Nhìn chung đình Phú Nhuận là ngôi đình có giá trị về mặt văn hóa xã hội, điêu khắc và kiến trúc, đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin ký quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.</p>
<p><strong>DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA: TRỤ SỞ PHÁI ĐOÀN LIÊN LẠC BỘ TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM CẠNH ỦY BAN QUỐC TẾ KIỂM SOÁT ĐÌNH CHIẾN TẠI SÀI GÒN (1955 – 1958)</strong> đặt tại 87A đường Trần Kế Xương, phường 7 quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ cũ là nhà số 61 đường Liên tỉnh 22, xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định), vốn trước đây là biệt thự của một trung tá Pháp, xây dựng vào khoảng năm 1930<br />
Tòa nhà được bố trí là trụ sở của Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong ba năm từ 17/5/1955-17/5/1958. <br />
Sự tồn tại vững vàng của Phái đoàn liên lạc trong lòng địch thể hiện quá trình đấu tranh kiên cường cho tự do, dân chủ và thống nhất đất nước; Phái đoàn là ngọn cờ cách mạng cổ vũ niềm tin và ý chí đấu tranh kiên cường của đồng bào Sài Gòn-Gia Định và miền Nam với niềm tin cách mạng nhất định thắng lợi.<br />
Trải qua 80 năm tồn tại, khu nhà đã nhiều lần thay đổi, được các đơn vị quản lý và sử dụng với các mục đích khác nhau. Các đơn vị đã cải tạo, sửa chữa tùy theo công năng hoạt động của mình nên di tích đã bị xuống cấp so với hiện trạng ban đầu.<br />
Qua gần 20 tháng thực hiện trùng tu (từ tháng 12/2009), công trình đã hoàn thành, được giao cho Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi quản lý và đưa vào hoạt động để góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ. <br />
Công trình có diện tích khoảng 5.400m 2 , gồm nhà trụ sở chính, khối nhà phục vụ, hệ thống sân vườn… đã được phục hồi, tu bổ lại đúng nguyên trạng ban đầu. Với ý nghĩa trên ,trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.</p>
<p>BCH chiến dịch HPĐ tổ chức cho các em thiếu nhi tham quan và tìm hiểu lịch sử tại Đình Phú Nhuận và Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn nhằm giúp các em hiểu hơn về các di tích lịch sử trên địa bàn quận Phú Nhuận. Tại các di tích nhằm nâng cao ý thức, tránh nhiệm bảo vệ di tích ởem thiếu nhi. Hành động này cũng giúp cho các em hoàn thành tốt nghĩa phận “Uống nước nhớ nguồn” đối với các bậc tiền nhân đi trước. Đồng thời đây cũng là dịp thuận lợi giúp các em có cơ hội tìm hiểu kĩ hơn về những Di tích Văn hóa-Lịch sử hiện hữu ngay địa phương mình đang sinh sống. Là nhân dân Việt Nam,mỗi người chúng ta cần phải bảo vệ các di tích lịch sử cẩn thận hơn và thương xuyên tổ chức tham quan các di tích để tìm hiểu lịch sử quê hương, dân tộc và mở mang được nhiều kiến thức về giá trị văn hóa lịch sử.</p>
<p> <strong><em>Thoa Phạm</em></strong></p>
</body></html>