<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sáng 03/8, tiếp tục các hoạt động của trại hè thiếu nhi 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, 200 đại biểu thiếu nhi đã đến thăm Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Tại đây, thiếu nhi 3 nước được tìm hiểu về lịch sử huyện Củ Chi “Đất Thép Thành Đồng”trong những năm 1966 – 1967 và trải nghiệm chui hầm Địa đạo.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Xuất phát tại nhà khách T78 từ rất sớm, các đại biểu thiếu nhi lên xe di chuyển đến Địa đạo Củ Chi (xã Phú Hiệp, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), tất cả các bạn đều hào hứng về chuyến đi đến thăm địa chỉ đỏ này.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/8/31249/IMG_0121.JPG" style="height:95%; width:95%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em><span style="font-size:14px">Các em thiếu nhi hào hứng trải nghiệm hầm địa đạo.</span></em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Địa điểm đầu tiên các bạn thiếu nhi đến thăm là Đền Bến Dược, tại đây các đại biểu của trại hè tiến hành dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh cho công cuộc “Đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau khi dâng hương, toàn đoàn đến thăm và trải nghiệm chui hầm địa đạo. Hầu hết các bạn thiếu nhi 3 nước đều có thể tham gia chui hầm, một số bạn có bệnh lý cá nhân thì không tham gia trải nghiệm. Bên cạnh đó, các đại biểu được thưởng thức món “củ mì” mà ngày xưa các chiến sĩ sống tại địa đạo thời kháng chiến đã ăn. Chia sẻ sau khi lần đầu tiên chui hầm Địa đạo Củ Chi, bạn Khieu RaksmeyThearith – đại biểu thiếu nhi đến từ Campuchia cho biết: “Em cảm thấy rất vui và mong muốn được trải nghiệm một lần nữa. Khi chui địa đạo thì hơi khó khăn bởi vì đường hầm nhỏ và tối, nhưng mà em cảm thấy rất thú vị khi biết được tại đây có một hệ thống đường hầm như thế này”. Các bạn nữ tham gia trải nghiệm chui hầm địa đạo có một chút không tự tin một chút, nhưng cuối cùng cũng hoàn thành được 40m đường hầm địa đạo. Bạn Keoudone đến từ đoàn đại biểu thiếu nhi Lào chia sẻ cảm giác lần đầu tiên chui hầm: “Em cảm thấy vui nhưng mà có một chút sợ vì đường hầm không có nhiều ánh sáng và phải khom lưng để di chuyển. Mặc dù hơi mệt, em vẫn cảm thấy thú vị khi tham gia trải nghiệm này”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh việc chui hầm địa đạo, các bạn thiếu nhi 3 nước được nghe thuyết minh về lịch sử huyện Củ Chi trong những năm kháng chiến 1966 – 1967 và được giới thiệu về mô hình tổng quan địa đạo Củ Chi, các tầng của địa đạo và cuộc sống của các chiến sĩ cách mạng dưới lòng đất. “Khi xem phim tư liệu, em cảm thấy đây là một nơi mang tính chất lịch sử của dân tộc. Em càng hứng thú hơn nữa khi chui xuống địa đạo. Lúc đầu em hơi sợ nhưng mà lúc sau em cảm thấy chuyến đi rất thú vị mặc dù đường hầm hơi tối. Có chui hầm như vậy em mới thấy được các chiến sĩ cách mạng ngày xưa thật tài giỏi, các loại vũ khí ở đây mang tính sáng tạo và mưu trí. Sau chuyến đi Củ Chi này, em càng yêu thích môn lịch sử hơn và tự hào về quê hương, đất nước và con người Việt Nam” – Bạn Nguyễn Trần Minh Thư thuộc đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Điều thú vị trong chuyến thăm hôm nay không chỉ là việc trải nghiệm chui hầm địa đạo, tìm hiểu lịch sử kháng chiến tại Củ Chi mà còn là những khoảng khắc các bạn cùng hát với nhau bài hát Việt Nam Lào Campuchia Samaki trên đường di chuyển đến địa đạo, cùng ăn cơm trưa, cùng hướng dẫn cho nhau ngôn ngữ nước mình, cùng múa những bài vè, câu hát vui, cùng trao cho nhau những cái ôm và những bức ảnh kỷ niệm được ghi lại. Trại hè năm nay sẽ tiếp tục là sợi dây tiếp nối truyền thống, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị và hướng tới tương lai tươi sáng của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, giữ vững “Vòng tay bè bạn”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">MINH TUẤN</span></span></strong></p>
</body></html>