<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Năm 2001, các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh đã cùng nhau xây nên cây cầu U (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). 17 năm sau, người dân vùng đất này vẫn nhớ về những chiến sĩ Mùa hè xanh năm ấy đã ngày đêm miệt mài để làm nên cây cầu lịch sử (dài 38m, rộng 2m).</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Men theo con đường nhỏ vào thăm cây cầu U, có cảm giác như lạc vào rừng dừa bởi xung quanh hai bên đường là hàng dừa nước thẳng tắp. Ngày trước, nhờ dòng nước chảy qua bao mùa mưa lũ mà từ một dòng kênh nhỏ bắc ngang mảnh đất xã Long Mỹ, giờ đây đã thành một dòng sông dài rộng, dài. Những cây mù u hai bên lòng kênh cứ liên tục sinh sôi nảy nở, bắc ngang qua dòng nước chảy xuôi. Người dân thấy vậy, nên đặt tên cây cầu là cầu U.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chú Tư (tên thật là Lê Văn Sơn, 55 tuổi, nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Mỹ) kể lại những ngày làm cầu vất vả: “Buổi sáng, mấy đứa nhỏ ăn mì tôm rồi đi làm cầu. Chiều về thương tụi nhỏ làm mệt đói bụng nên nhà chú cũng chuẩn bị thức ăn cho. Vì thời gian có hạn nên tụi nhỏ làm ngày, đêm. Có đêm thức khuya chong đèn đổ bê tông. Tối về nhà mệt, chú mới trải chiếu cho 10 đứa ngủ”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Còn chú Lê Minh Chất (60 tuổi, hiện là Bí thư chi Bộ ở xã Long Mỹ) ngậm ngùi nhớ lại: “Quá trình di chuyển vật liệu vào làm cầu khá khó khăn. Vật liệu chủ yếu là xi măng, gỗ, sắt đá, gạch… Mấy đứa nhỏ dùng xe đạp, xe kéo di chuyển vật liệu vào con lộ chỉ độ khoảng 7 tấc. Đường xa, nhỏ, vậy mà tụi nhỏ vẫn di chuyển vào. Tất cả quá trình làm đều thủ công bằng tay. Sau này, anh em mới mượn máy đóng trụ chắc chắn vào rồi đổ bê tông lên làm cầu”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Có những ngày mưa, nắng gió khắc nghiệt các anh vẫn hì hục cùng nhau làm cầu, người dân thương cho thêm thức ăn. Dưới mái nhà ngói đơn sơ của chú Tư, vài hôm các anh lại cùng nhau tổ chức buổi “giải lao” để cùng hát cho nhau nghe. Không có nghệ sĩ, cũng chẳng có dàn Karaoke, chỉ có những người chiến sĩ vẫn vừa cười vừa hát cho nhau nghe những bài ca kháng chiến năm nào.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại cây cầu lần đầu tiên làm nên từ bàn tay của sinh viên trường Đại học Bách Khoa ở vùng đất Long Mỹ, buổi khánh thành cây cầu đã diễn ra. Cũng thời điểm này, lễ kết nạp Đảng cho các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh năm ấy đã được tổ chức. Theo lời chú Chất, anh Thắng đã được kết nạp Đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay tại cây cầu này. Nhiều năm sau, anh cưới vợ người Bến Tre và cũng thường hay về thăm lại người dân vùng đất này.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhờ có cây cầu, con đường mở rộng, lưu thông, đường sá giữa hai ấp của xã Long Mỹ càng gắn kết với nhau hơn. Từ đầu ấp đến cuối ấp, người ta không còn thấy những cây cầu khỉ, khó đi và nguy hiểm nữa. Ít đi hình ảnh các em học sinh đi học lội qua sông giữa trời mưa lũ, cũng chẳng còn cảnh chờ đò, trễ buổi chợ của người dân. Các em học sinh ngày ngày đến trường, người dân đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mỗi năm chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh đến, người dân lại nhớ về cây cầu lịch sử, chứa đựng nghĩa tình 17 năm chiến dịch của sinh viên. Và qua các mùa mưa, người ta vẫn không quên tu sửa lại cầu, quét vôi làm mới cây cầu 17 năm tuổi này. Hỏi về lời nhắn nhủ với các chiến sĩ Mùa hè xanh năm ấy, ai cũng bảo: “Bà con ở đây ai cũng nhớ mấy cháu sinh viên trường Đại học Bách Khoa. Mong mấy đứa về thăm”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>PHƯƠNG THẢO</strong></span></span></p>
</body></html>