<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong buổi giao lưu trò chuyện với giới trẻ tại không gian của “Cà Phê thứ Bảy Trẻ” (Quận 3) được tổ chức ngày 26/8, Nguyên Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Cựu Đại sứ Việt Nam tại EU và Bỉ - Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng con đường khởi nghiệp bắt đầu từ việc tự khám phá bản thân.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Khởi nghiệp bắt đầu từ đâu</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại buổi giao lưu, cô Tôn Nữ Thị Ninh kể về những ngày tháng đầu tiên sự nghiệp. “Tôi bắt đầu bằng việc chọn con đường tự khám phá bản thân mình trong sự đa dạng và quá trình logic nội tại từ đầu đến cuối. Tức là dù bắt đầu công việc nào tôi cũng tự tìm tòi khám phá, luôn tự tạo cơ hội cho chính bản thân. Và làm bất cứ công việc gì cũng làm hết sức mình với nó”, cô Ninh cho biết.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từng học tâp tại Việt Nam và Châu Âu, cô Tôn Nữ Thị Ninh bắt đầu sự nghiệp với vai trò giảng viên đại học tại Đại học Sorbonne (Paris) và Đại học Cambidge (Anh). Sau đó, cô hoạt động ngoại giao hơn 20 năm, chuyên trách các vấn đề toàn cầu (hòa bình và an ninh thế giới, các vấn đề về phát triển, môi trường, và nhân quyền) và các tổ chức đa phương. Quyển sách đầu tiên của cô “Tư duy và Chia sẻ” đã được tái bản lần thứ sáu.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nói về vấn đề khởi nghiệp và thành công, cô Ninh cho biết, để đánh giá thành công của sự nghiệp, bạn phải đánh giá dựa trên sự thành công và thất bại. Thất bại giúp bản thân tích lũy kinh nghiệm. Đó không phải là tổn thương mà là chặng đường phải có trên con đường trưởng thành sự nghiệp.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Thanh niên Việt Nam muốn khởi nghiệp cần phải có đức tính tự trọng. Tự trọng là bạn phải biết đứng trên đôi chân của mình, suy nghĩ bằng đầu của mình và làm bằng đôi tay của mình. Đã tự trọng là không dựa dẫm vào bất cứ ai khi khả năng bạn có thể giải quyết được vấn đề đó. Trong sự tự trọng, bạn cũng phải có bản lĩnh, biết “nói không” trước những vấn đề tiêu cực của xã hội”, cô Ninh nhấn mạnh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đức tính thứ hai quan trọng của người khởi nghiệp theo nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh là dung hòa lợi ích chung của mình và đối tác. Trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là ngoại giao đàm phán, bạn phải tìm ra được mẫu số chung - lợi ích chung của hai bên. Đến thời điểm thích hợp của cuộc đàm bạn, hãy đưa ra ý tưởng về lợi ích đó để thuyết phục đối tác một cách bất ngờ nhất.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Phải có lập trường và bản lĩnh</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cũng tại buổi trò chuyện cô Ninh cho rằng thanh niên Việt Nam vẫn còn thiếu sự tranh luận. Tranh luận trước một vấn đề là một nghệ thuật của ngoại giao. Bạn không thể bị ảnh hưởng của số đông mà phải có khả năng lập luận, tranh luận trước ý kiến của người khác. Muốn tranh luận giỏi, bạn phải có kế hoạch, nguyên tắc và phương pháp rèn luyện cụ thể và đúng đắn.</span></span></p>
<p style="text-align:center"> </p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/8/31348/IMG_3284.JPG" style="height:478.156px; width:717.25px" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô Tôn Nữ Thị Ninh tham gia chuyên đề cùng sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bạn Phạm Nguyễn (22 tuổi, Chuyên viên Nhân sự, tư vấn nghề nghiệp tuyển sinh) hỏi: “Có nhiều bạn vẫn còn chọn nghề theo định hướng của gia đình, đến lúc học xong thì bơ vơ, không định hướng tương lai. Vậy làm cách nào để bạn trẻ có thể thuyết phục gia đình theo con đường mình muốn. Hiện nay, có nhiều bạn thay đổi công việc liên tục mà không định hướng sẵn dẫn đến lạc lối. Vậy yếu tố nào để bạn trẻ xác định việc chuyển hướng nghề nghiệp của mình?”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô Ninh cho rằng, ngay thời điểm bị áp lực từ cha mẹ cũng là lúc đòi hỏi bạn phải có sự tự trọng và bản lĩnh. Sự tự trọng thể hiện ở chỗ bạn phải chuẩn bị lập luận rõ ràng để thuyết phục cha mẹ rằng con đường bạn muốn đi hoàn toàn đúng. Còn bản lĩnh thể hiện việc bạn biết dũng cảm quyết liệt để đi đến cùng con đường ấy.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Về vấn đề chuyển hướng nghề nghiệp, nhà ngoại giao nói: “Thanh niên Việt Nam có ưu điểm tiếp thu khá nhanh nhẹn nhưng mắc lỗi nhảy việc liên tục. Muốn giải quyết vấn đề này, người trẻ cần xác định sự nghiệp giai đoạn ban đầu của mình và kiên trì đến cùng. Trước bàn cân giữa 50 đô la, 100 đô la và sự phát triển sự nghiệp, bạn nên cân nhắc lựa chọn kĩ càng. Còn với tổ chức doanh nghiệp, bạn phải đánh giá được tiềm năng của nhân viên, cùng xây dựng lộ trình công việc và từng bước tạo động lực cho nhân viên”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>PHƯƠNG THẢO</strong></span></span></p>
</body></html>