<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tình biên ải</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Tình biên ải</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="tinh%20bien%20ai.jpg" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Lính trẻ biên phòng và thiếu
nữ </font></i></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Hà Nhì</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một trong những bí quyết để các
chiến sĩ biên phòng và những thầy cô giáo trẻ cắm bản có thể trụ lại lâu ở vùng
biên cương xa xôi hiểm trở, đó là lập gia đình ngay tại đây.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi đến đồn
biên phòng Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, Điện Biên đúng lúc nơi đây đang tổ chức
một đám cưới thật vui giữa chú rể là đại úy Nguyễn Văn Lập và cô dâu Minh Hòa,
giáo viên ở xã Trung Chải. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiệc cưới với mâm
cỗ thịt bò, thịt lợn do các chiến sĩ trong đồn nuôi, rượu được nấu ngay trong
bản. Chẳng có những thủ tục rườm rà như nhiều đám cưới dưới xuôi nhưng không khí
thì rộn ràng như mùa xuân đang đến ngoài kia. Sau lời chúc mừng ngắn gọn mà tình
cảm của trung tá đồn trưởng Phạm Văn Đô, một chiến sĩ trẻ măng bất ngờ đưa tay
lên miệng hô to: “Hãy bắt đầu!”, mấy trăm người còn lại đồng thanh trả lời: “Xơ!”
(tiếng dân tộc Hà Nhì nghĩa là “Uống đi!”). Vui sao là vui. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Các chiến sĩ trẻ
trong đồn cho biết chú rể đã ngoài 40 tuổi, cô dâu hơn 30, đôi bên đã yêu nhau
hơn bảy năm. Trung, một anh lính trẻ, ngưỡng mộ: “Mối tình trường kỳ kháng chiến
nhất định thắng lợi đấy ạ!”. Hai anh chị quê ở Nam Định, Hải Dương lên miền biên
ải này làm việc đã lâu, rồi gặp và yêu nhau trong một lần đi học ở thành phố
Điện Biên. Đồn biên phòng cách Trường THCS Trung Chải hơn 10km đường núi hiểm
trở, sáu tháng mùa mưa chỉ có đi bộ. Cưới rồi anh vẫn phục vụ trên đồn, chị về
trường đi dạy, chỉ cuối tuần nếu anh không có ca trực, vợ chồng mới có thể gặp
nhau. “Chúng tôi muốn có một cuộc sống ổn định để yên tâm ở lại trên này” - chú
rể cười rạng rỡ. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở đây đã có nhiều
đám cưới giữa lính biên phòng và các cô giáo, cô gái Hà Nhì, và giữa các thầy cô
với nhau... Vợ chồng cô giáo Mai Anh quê Thái Bình đều dạy tại Trường Trung Chải,
nhưng vì chị dạy ngay tại bản nên cất nhà ở luôn gần đồn biên phòng. “Chỉ tính
từ khi tôi về Leng Su Sìn công tác cách đây mấy năm, đồn đã hai lần tổ chức đám
cưới chiến sĩ và các cô gái bản”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thượng úy Đinh Văn
Bường quê Hòa Bình làm rể bản Hà Nhì Leng Su Sìn và đã có hai con. Trung úy Đỗ
Ngọc Trinh quê Nam Định lấy vợ người Hà Nhì và đã có một con trai. “Tôi lên đây
đã bốn năm và quen nhà tôi qua những chuyến đi công tác địa bàn. Cha mẹ tôi lúc
đầu biết chuyện cũng e ngại vì thương con ở xa nhà quá, nhưng tôi rủ rỉ thưa
rằng đã là lính thì phải gần dân. Còn bên nhà vợ thì rất hãnh diện vì có con rể
là chiến sĩ biên phòng” - anh Trinh kể.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những đợt đi dân
vận, chăm sóc y tế, đưa trẻ đến trường, giúp bà con Hà Nhì làm nhà, và ngày xưa
là phá bỏ cây thuốc phiện... đã giúp tình cảm quân dân thêm gắn bó. Đặc biệt là
những chuyến cùng đi tuần tra biên giới dài ngày giữa bộ đội và dân quân. Tình
cảm ngày càng trở nên sâu đậm qua những lần cùng ăn, cùng ở, cùng làm, và cùng
nói tiếng Hà Nhì với bà con. Vậy nên những mối tình biên cương cứ nảy sinh tự
nhiên. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="4" cellspacing="5" width="96%" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Theo phong tục người Hà Nhì,
nhà gái không thách cưới và bữa tiệc giản dị với sự có mặt của bà con
trong bản. “Tôi đi hỏi vợ chỉ bằng một chai rượu đầu và một bát đậu
tương rang - anh Trinh kể - Đại diện hai họ ngồi nói chuyện, uống rượu,
ăn đậu và định ngày làm đám cưới. Thế là xong”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Rượu đầu là chai rượu ngon
nhất của một mẻ rượu. Nhưng tại sao lại là đậu tương mà không phải vàng
bạc hay đậu xanh, hoặc lạc...? Bí thư xã Sín Thầu - ông Pờ Dần Sinh -
giải thích: “Đậu tương là một loại hạt đặc biệt: vỏ trơn tru, mịn màng
tượng trưng cho cuộc hôn nhân diễn ra trôi chảy, ruột lại có rất nhiều
công dụng giúp vợ chồng sau này ăn nên làm ra, sống hạnh phúc”.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>