<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31617/IMG_1577.jpg" style="height:430px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Sau khi thành công với giải nhất và giải nhì giải thưởng Eureka 2005, Đỗ Thị Hồng Tươi tiếp tục miệt mài với đam mê nghiên cứu y sinh và đã đạt được những thành tích đáng khâm phục khi mới chỉ 37 tuổi.</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Từ cô bé sợ máu đến chuyên gia Y Sinh hàng đầu Việt Nam</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Y sinh không phải là lựa chọn ban đầu của cô gái trẻ Đỗ Thị Hồng Tươi. Để trở thành một nhà nghiên cứu như hôm nay, cô đã trải qua những câu chuyện vui buồn khác nhau.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sinh ra trong gia đình có nhiều người làm trong ngành Y, nhưng Hồng Tươi lại cố gắng học giỏi Toán – Lý – Hóa để hiện thực hóa ước mơ trở thành kỹ sư hóa dầu phục vụ cho ngành dầu khí ở quê nhà Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ bé cô cũng rất sợ máu, sau một lần vào bệnh viện của người bác để chơi đùa và thấy những người bị tai nạn bị chảy nhiều máu. Nhưng không muốn làm buồn lòng gia đình, Hồng Tươi đã chọn thi và đậu vào ngành Kỹ thuật Y Sinh của trường Đại học Y Dược TP.HCM sau một thời gian dài đấu tranh tâm lý.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Và từ đây, nhân duyên của cô và nghiên cứu bắt đầu. Vào năm 2 đại học, cô sinh viên Hồng Tươi tình cờ gặp gỡ và được cố PGS.TS. Trần Thu Hoa, người vừa tu nghiệp từ Hoa Kỳ về, cùng GS.TS. Nguyễn Văn Thanh tin tưởng, động viên, dìu dắt tận tình khi thực hiện những thí nghiệm sinh học. Để rồi cô tìm thấy sự thú vị của mình trong lĩnh vực Y Sinh, nhận ra mình đam mê nghiên cứu, muốn tìm hiểu sâu hơn ở lĩnh vực này.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tốt nghiệp đại học năm 23 tuổi, dành học bổng du học tại Pháp và nhận bằng thạc sĩ năm 26 tuổi, đến năm 29 tuổi trở thành tiến sĩ rồi chỉ 5 năm sau đã trở thành Phó giáo sư, cô Đỗ Thị Hồng Tươi là một trong những nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam với bảng thành tích đáng nể trong giới Y học Việt Nam. Hiện tại, ngoài là Giảng viên của Đại học Y dược TP. HCM, cô còn tham gia công tác với Cục Quản Lý Dược, Bộ Y tế với vai trò là Chuyên gia xét hồ sơ đăng ký thuốc.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Éureka là những ngày tháng không thể quên</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hồi tưởng về thời gian làm thí sinh giải thưởng Eureka năm 2005, khi nghiên cứu về thuốc nhỏ mũi Bacillus subtilis, cô và nhóm của mình đã gặp không ít khó khăn. Khi nhắc về những khó khăn ngày đó, cô nửa đùa nửa thật: “Ngày đó, có những lúc mình và nhóm chỉ biết đứng hình khi sau cánh cửa phòng thí nghiệm vừa mở ra là chú mèo nằm ườn trên sàn vì đã ăn chuột thí nghiệm của nhóm no đến mức không đi nổi trong khi chỉ ngày mai nữa thôi là thí nghiệm sẽ kết thúc.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau khi Bacillus subtilis được nghiên cứu xong, đã được chuyển giao cho một công ty để tiếp tục nghiên cứu sản xuất. Tuy nhiên, với nguồn gốc là vi sinh vật, việc sản xuất đòi hỏi những quy trình cần kiểm soát chặt chẽ, riêng biệt nên hiện nay vẫn chưa có sản phẩm lưu hành trên thị trường. Cô và nhóm vẫn đang hỗ trợ công ty trong quá trình nghiên cứu, phát triển. Cô Tươi hi vọng: “Một ngày nào đó sẽ có sản phẩm lưu hành trên thị trường như là một món quà để lưu danh người hướng dẫn đề tài mà mình luôn kính yêu - cố PGS.TS. Trần Thu Hoa.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nữ phó giáo sư trẻ tuổi không ngừng tự hào khi nhắc về những người thầy, người cô đã dìu dắt mình: “Lúc đó mình rất ngưỡng mộ thầy cô vì thầy cô nào cũng giỏi, cũng tận tâm với sinh viên. Mỗi buổi lên lớp hay được trò chuyện cùng thầy cô, mình như được tiếp lửa, quyết định đi theo con đường của thầy cô và ao ước một ngày sẽ được như thầy cô.”Quả thật, cô đã biến những khao khát của mình thành hiện thật nhờ chính những nỗ lực không ngừng nghỉ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Đó là cánh cửa đầu tiên giúp mình trở thành một nhà nghiên cứu Y Sinh, là nhân duyên với những người thầy, người cô mà mình không thể nào quên, và là những ngày đẹp nhất của thời sinh viên.” – phó giáo sư trẻ tuổi xúc động.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Không ngừng nghĩ đến nỗi đau của bệnh nhân</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngay cả trong từng lời nói của mình, cô cũng thể hiện sự cảm thông và lòng quan tâm sâu sắc đến nỗi đau của bệnh nhân. Cũng bởi thế mà lúc nào cô cũng không ngừng tìm tòi, nghiên cứu nên những phương pháp, loại thuốc chữa bệnh mới.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khi đang học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại Pháp, cô đã tham gia thực hiện đề tài "Nghiên cứu tác dụng của rượu lên quá trình tăng trưởng và biệt hóa tế bào trên dòng tế bào ung thư gan người: chứng minh mối liên quan với quá trình chuyển hóa sắt và polyamine". Sau khi về nước, cô tiếp tục phát triển đề tài này ở nhiều khía cạnh khác nhau để tìm ra hướng hạn chế căn bệnh ung thư gan, như là mô phỏng hoặc kiểm chứng các mô hình gây bệnh gan do rượu, để từ đó ứng dụng các mô hình này trong việc nghiên cứu tìm ra các dược liệu, bài thuốc có tác dụng bảo vệ gan, có thể triển khai ứng dụng trong phòng khám và hỗ trợ điều trị các bệnh về gan.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Về bệnh ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng, cô cũng phát triển theo hướng sàng lọc các dược liệu tiềm năng trong dân gian có khả năng gây độc tế bào ung thư, khảo sát cơ chế tác dụng để làm tăng giá trị của kho tàng dược liệu Việt Nam. Cô cũng đang tham gia một dự án hợp tác về định hướng này giữa Khoa Dược và Đại học Takasaki, Nhật Bản.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thêm vào đó, hiện nay cô và nhóm của mình đang tập trung theo hướng nghiên cứu, chứng minh tác dụng của các dược liệu quý vốn có sẵn trong kho tàng thực vật phong phú và đa dạng của Việt Nam; trong đó, chú trọng các dược liệu có khả năng phòng, điều trị các bệnh nan y hoặc mãn tính như ung thư, các bệnh liên quan tới nguy cơ đột quỵ, các bệnh về gan, thận, đái tháo đường, rối loạn lipid huyết…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Người dẫn đường chân thành</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Không chỉ là nhà nghiên cứu giỏi, PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tuyết còn là một người thầy tận tâm. Năm 2017, cùng với PGS.TS. Nguyễn Đinh Nga, cô đã hướng dẫn bạn Võ Đăng Khoa gửi bài dự thi và đạt giải nhất giải thưởng Eureka trong lĩnh vực Y dược. Cô còn chia sẻ: “Tùy theo tình hình đề tài, cô sẽ cân nhắc về việc hướng dẫn sinh viên nên tham gia thi Eureka năm nay hay sẽ đi thi những năm tiếp theo, vì cô nhận thấy đây là một sân chơi về nghiên cứu khoa học hết sức bổ ích cho các bạn trẻ, giúp các bạn trưởng thành hơn trên con đường phía trước.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31617/IMG_1576.jpg" style="height:403px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô đánh giá thế hệ sinh ngày nay có nhiều sự chủ động hơn, năng động, sáng tạo. Đồng thời, cô cũng cố gắng khuyến khích sinh viên theo đuổi đam mê của mình. “Quan trọng là xác định được hướng đi cho các em, nếu không thì các em sẽ mãi loay hoay và mất thời gian.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô Hồng Tươi luôn cố gắng cho đi, truyền đạt lại những kỹ năng mình có cho sinh viên:“Cô luôn làm việc một cách nghiêm túc để mong các cũng sẽ nghiên cứu và làm việc nghiêm túc. Cô luôn nhắc nhở các em sống phải có mục tiêu, xác định rõ mình muốn làm gì, cần chuẩn bị những gì để làm được điều mình muốn, biết ước mơ và tìm ra niềm đam mê của mình! Nếu đã có mục tiêu thì cứ mạnh dạn chuẩn bị hành trang cần thiết và bước đi. Có thể trên đường đi có khó khăn nhưng chúng ta sẽ tìm được cách để vượt qua. Cũng như đi thi, xác định ngay là để học hỏi, trưởng thành, không phải vì thành tích, cứ cố gắng hết sức mình là được, dù kết quả có thế nào thì mình không phải hối tiếc vì đã chưa thực sự cố gắng."</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong> ĐỨC DUY - MỸ HUYỀN</strong></span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>CLB Truyền thông Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ</strong></span></span></p>
</body></html>