<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31619/To%20Thi%20Nha%20Tram.png" style="height:533px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Là tài năng trẻ đạt giải nhất của Giải</strong><strong> thưởng </strong><strong>Eureka lần 9 năm 2007, Thạc sĩ Tô Thị Nhã Trầm ước mơ thay đổi ngành nông nghiệp nước nhà qua nghiên cứu “nuôi cấy mô” trên cây hồ tiêu. </strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tô Thị Nhã Trầm – giải Nhất của Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka lần 9 năm 2007 - là một trong 10 người trẻ xuất sắc lĩnh vực khoa học công nghệ nhận giải “Quả cầu vàng” năm 2011, giải thưởng Lương Định Của 2012, Giải ba – VIFOTECH toàn quốc năm 2007,...và nhiều giải thưởng khác trong lĩnh vực nghiên cứu. Hiện tại cô là giảng viên bộ môn Công Nghệ sinh học tại trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, đồng thời là Giám đốc kỹ thuật của công ty cổ phần Công Nghệ Sinh học Cây giống Việt Nam.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cô có nhiều công trình nghiên cứu đạt giải được đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế. Cô cũng là người có đóng góp quan trọng vào ngành nông nghiệp của nước nhà trong việc nghiên cứu về cây giống, tạo ra sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Mang cây hồ tiêu “</strong><strong>sạch” đi thi Éureka</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">ThS. Tô Thị Nhã Trầm chia sẻ khoảng thời gian khi là sinh viên cô rất thích nghiên cứu khoa học, đúng lúc nhà trường phát động sinh viên đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học để dự thi Éureka nên cô quyết định tham gia. Trong giai đoạn đầu nghiên cứu, cô sinh viên Tô Thị Nhã Trầm một mình thực hiện đề tài dưới sự hướng dẫn của Giảng viên trong khoa. Năm đó Nhã Trầm chọn nghiên cứu về đặc điểm sinh học của cây hồ tiêu để tìm kiếm ý tưởng cho đề tài dự thi Éureka.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Khi ấy cô lên Đà Lạt thực hiện việc phân tích mẫu nhằm hoàn thiện cho quá trình nghiên cứu. Khoảng thời gian một mình làm đề tài ở vùng đất cao nguyên đối với một cô sinh viên năm 3 ít kinh nghiệm là cực kì gian nan, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các thầy cô nên Nhã Trầm đã hoàn thành quá trình của nghiên cứu. Đến khi xác định sẽ tập trung thực hiện một đề tài khá táo bạo là “Tạo cây tiêu sạch bệnh virut bằng phương pháp nuôi cấy định sinh trưởng in vitro”, Nhã Trầm đã nhận được sự hỗ trợ của những người bạn cũng đang nghiên cứu về cây hồ tiêu.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Lí do cô chọn cây hồ tiêu cũng là một cơ duyên. Từ những lần thực hành trong khu nuôi cấy giống của trường đến những chuyến ngoại khóa khảo sát thực địa, cô nhận thấy hồ tiêu là loại cây dễ lây bệnh khi giâm cành, nhưng bệnh virus trên tiêu rất khó thấy nên phải trồng vài tháng mới phát hiện được. Vì vậy cô chọn nghiên cứu phương pháp tạo cây tiêu sạch bệnh virus bằng phương pháp nuôi cấy định sinh trưởng in vitro, với mục đích chính là tạo cây sạch bệnh, đồng đều, khắc phục những hạn chế của phương pháp truyền thống.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Từ đề tài đạt giải Nhất đến mô hình tạo giống cây không virus</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sau khi đạt giải nhất Eureka năm 2007, Tô Thị Nhã Trầm tiếp tục nghiên cứu và đạt liên tục các giải thưởng lớn như: Giải ba – VIFOTECH toàn quốc năm 2007, Giải khuyến khích – Hội thi sáng tạo kỹ thuật Tp.HCM, Giải khuyến khích – Hội nghị KHCN tuổi trẻ các trường ĐH-CĐ khối Nông Lâm Ngư Thủy toàn quốc lần V năm 2011 tại Cần Thơ, Giải thưởng Quả Cầu Vàng toàn Quốc năm 2011, Bằng chứng nhận Giải thưởng Lương Định Của... Với cô, những giải thưởng đó giúp cô ngày càng trưởng thành và có nhiểu kinh nghiệm hơn trong nghiên cứu.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Riêng đề tài đạt giải Nhất Éureka đã được các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu của cô vào việc sản xuất cây, và hiện tại nó đã trở thành phương pháp đại trà để tạo cây giống sạch bệnh, đặc biệt là hồ tiêu. Hiện nhiều công ty đã tiếp tục ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô cho dự án của nhiều tỉnh khác nhau như hiện nay ứng dụng trên tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Bình Thuận.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tiếp nối với nghiên cứu của mình, cô cộng tác với Giám đốc 8x Nguyễn Mạnh Hiếu thành lập công ty cổ phần Công Nghệ Sinh học Cây giống Việt Nam chuyên sản xuất và phân phối các loại giống cây trồng nuôi cấy mô, tiếp tục đam mê nghiên cứu trên đối tượng là cây hồ tiêu bên cạnh đó còn có đinh lăng, chuối. Hiện công ty giống cây trồng của nữ thạc sĩ đang hợp tác phân phối giống cây sạch bệnh cho một số tập đoàn lớn, trong đó có cả Hoàng Anh Gia Lai.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Ước mơ thay đổi ngành trồng trọt </strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Th.S Tô Thị Nhã Trầm mong muốn dùng nghiên cứu của mình áp dụng cho ngành trồng trọt của nước nhà, tạo ra các sản phẩm sạch bệnh, đồng đều về chất lượng cung ứng sản phẩm trong nước và xuất khảu cho nước ngoài.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cô cũng chia sẻ sắp tới, cô cũng đang tạo ra giống thanh long mới, đó là loại thanh long ruột tím, ruột vàng thay vì ruột đỏ, ruột trắng trước đó. Với cô, cô muốn tạo ra cây giống thuộc độc quyền của quê hương để khi nhắc đến người ta sẽ nhớ ngay về đặc sản của quê hương mình. Đó là ước mơ mà cô ấp ủ rất lâu từ khi còn là sinh viên.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Th.S Tô Thị Nhã Trâm cho rằng để đạt được thành công như ngày hôm nay, bản thân cô không chỉ phải có kiến thức là có thể đạt được yêu cầu của một người đam mê nghiên cứu. Đó là quá trình tích lũy dần dần những thành tích trong quá trình học tập, nghiên cứu, sau quá trình đi làm tiếp tục, tích lũy dần và phải tham gia các hoạt động đoàn thể, cộng đồng để tiếp thu những kinh nghiệm từ thực tiễn. Cô cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất là “phải có một nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Sứ mệnh truyền cảm hứng cho thế hệ sinh viên trong nghiên cứu</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhiều năm sau cơ duyên với Éureka, ThS.Tô Thị Nhã Trầm vẫn tiếp tục con đường nghiên cứu của mình. Công việc đó càng được cô trân trọng hơn khi cô được truyền tình yêu, niềm đam mê nghiên cứu cho các bạn sinh viên. Trong nhiều năm qua, cô được giao nhiệm vụ là người hướng dẫn sinh viên trong các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học, trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho các bạn sinh viên. Trong đó, có những sinh viên được sự hướng dẫn của cô đã đạt giải thưởng cao quý mang lại niềm tự hào cho người thầy tâm huyết chính là cô.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đối với nghiên cứu của sinh viên, cô cũng mong muốn có sự đổi mới để tạo cơ hội cho những bạn đam mê nghiên cứu. Thạc sĩ Nhã Trầm chia sẻ:“ Nghiên cứu khoa học là phải đi từ thực tế, bây giờ các bạn không thể ngồi trong trường tưởng tượng ra ý tưởng, vì nó cũng chỉ gói gọn lại những ý tưởng giáo viên đưa cho các bạn thực hiện, rất ít nếu so với việc các bạn tự tư duy sáng tạo ra những đề tài cho riêng mình.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Một người đam mê nghiên cứu muốn thành công, Th.S Tô Thị Nhã Trầm cho rằng bản thân mỗi bạn sinh viên phải có đam mê, nhiệt huyết và kiên trì thực hiện niềm đam mê đó thì sẽ mang lại thành công, còn nếu chỉ đam mê mà không thực hiện thì chưa đủ.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>ĐỨC DUY - ANH THƯ</strong></span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>CLB Truyền thông Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ</strong></span></span></p>
</body></html>