<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p> </p>
<p style="text-align:justify"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31631/fullsizeoutput_1dd.jpeg" style="height:379px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Học Hóa vì yêu thích, nghiên cứu Hóa vì đam mê, du học Mỹ để làm tiến sĩ Hóa, đó là hành trình nỗ lực trở thành Nhà hóa học tương lai của Nguyễn Đại Minh – Giải Nhất Éureka năm 2013.</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nguyễn Đại Minh, 26 tuổi, cựu sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM. Anh đã đạt giải Nhất của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2013. Hiện Nguyễn Đại Minh đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành hóa hữu cơ tại đại học Pennsylvania, Mỹ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Cậu học trò mê Hóa chinh phục Euréka</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ thời còn đeo khăn quàng đỏ, Nguyễn Đại Minh đã chứng tỏ niềm đam mê và yêu thích đối với môn Hóa học. Say mê với những phương trình phản ứng, những thí nghiệm tạo chất đã thôi thúc cậu học sinh Tiền Giang thi vào trường Đại học Y Dược TP.HCM. Đại Minh cho biết: “Chọn ngành dược chỉ đơn giản nghĩ là học ngành này sẽ học Hóa rất nhiều, sẽ được tiếp xúc với những hóa chất, những công cụ thí nghiệm hiện đại nhất.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ khi trở thành một sinh viên Dược, Nguyễn Đại Minh dành phần lớn thời gian ở trường để theo phụ việc cho các giảng viên trong phòng thí nghiệm, cốt để được tiếp xúc trực tiếp với hóa chất và tham gia hỗ trợ giảng viên làm một vài thí nghiệm. Càng làm, anh càng tỏ rõ niềm yêu thích tìm hiểu sự diệu kỳ của hóa học. Nhận ra niềm đam mê của cậu sinh viên đặc biệt này, PGS.TS Trần Thành Đạo – người thầy đã giúp hàng chục thế hệ sinh viên Y Dược đạt nhiều giải thưởng khoa học các cấp – đã đưa Đại Minh về tham gia Lab Hóa Dược của mình. Tất nhiên đó là một điều sung sướng đối với một người có tình yêu mãnh liệt với phòng thí nghiệm như Nguyễn Đại Minh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Năm 2013, cậu sinh viên năm 3 Nguyễn Đại Minh được hai anh chị khóa trên mời vào nhóm nghiên cứu để thực hiện đề tài khoa học cho cuộc thi do ĐH Y Dược tổ chức. Nhóm 3 sinh viên đã mày mò nghiên cứu đề tài “Tối ưu hóa quy trình tổng hợp doxophyllin sử dụng trong điều trị hen suyễn và COPD”. Đại Minh chia sẻ đề tài này là sự tiếp nối của đề tài tổng hợp dyphyllin của thầy Trần Thành Đạo. Vì nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trị hen suyễn và COPD ở Việt Nam đa số phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao, trong khi vẫn có tiềm năng làm được tại Việt Nam từ nguồn nguyên liệu rẻ tiền theophyllin.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhận thấy tiềm năng của đề tài, cả ba quyết định thử sức với Giải thưởng Éureka và được sự hỗ trợ hậu thuẫn nhiệt tình của PGS.TS Trần Thành Đạo, với kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên dày dặn qua nhiều năm. Đó có thể nói là lần đầu tiên Đại Minh phải tiến hành một nghiên cứu độc lập cùng với nhóm, khiến anh gặp không ít khó khăn vì trước đó chỉ phụ việc cho các anh chị khóa trên. Tuy nhiên các thành viên đã hỗ trợ nhau rất nhiệt tình, bàn bạc và thảo luận để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề tối ưu nhất.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhờ thực hiện đề tài và giải quyết khó khăn gặp phải mà bản thân Đại Minh đã tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong phòng thí nghiệm. Anh khẳng định chính những “cái khôn học hỏi từ những cái khó” đầu tiên ấyđã giúp một nền tảng cơ bản về tư duy, về kĩ năng để tiến hành công việc nghiên cứu.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau 6 tháng tiến hành tổng hợp hóa học và tối ưu hóa quy trình tổng hợp Doxophyllin bằng phần mềm MODDE 3.0, Đại Minh và nhóm đã tổng hợp thành công Doxophyllin - thuốc trị hen suyễn hiệu quả và ít tác dụng phụ và chứng minh hiệu quả trên người bệnh. Đại Minh nhớ lại khoảnh khắc khi được xướng tên cho Giải Nhất Éureka 2013: “Xúc động, hạnh phúc và tự hào y như lúc chế tạo thuốc thành công vậy.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Hiện thực hóa ước mơ làm Nhà hóa học</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bật mí về thành công sau khi đề tài đạt giải Nhất, Đại Minh cho biết công trình nghiên cứu tổng hợp Doxophyllin hiện đang được một thành viên trong nhóm tiếp tục phát triển, xây dựng được tiêu chuẩn kiểm nghiệm cho nguồn nguyên liệu. Từ một đề tài của sinh viên, nó đã được đầu tư để nâng cấp cỡ lô tổng hợp, chuẩn bị đưa quy trình đến gần hơn với sản xuất trong thực tế. GiảiNhất Éureka 2013 chia sẻ rằng anh cảm thấy cực kỳ thỏa mãn khi nghiên cứu của nhóm mình lại có thể đưa vào thực tế nhanh đến như vậy.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Riêng với Đại Minh, anh đã tốt nghiệp loại giỏi ngành Dược học và được tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm Hóa dược của trường. Đồng thời anh cũng không ngừng tìm kiếm cho mình những cơ hội để phát triển năng lực chuyên môn và niềm đam mê nghiên cứu hóa học và dược học. Năm 2016, may mắn đã mỉm cười với Nguyễn Đại Minh khi anh nhận được học bổng Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Hóa hữu cơ tại đại học Pennsylvania - trường đại học hàng đầu của Hoa Kì về các ngành khoa học đời sống.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chia sẻ về quyết định sang Mỹ du học của mình, Đại Minh cho biết đó là sự lựa chọn nghiêm túc đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học mà anh đã chọn. “Từ sau Éureka, niềm đam mê môn Hóa đã khiến mình quyết định cống hiến cả đời cho việc nghiên cứu. Khoa học đã chọn mình, thì mình cũng sẽ chọn khoa học làm công việc và sự nghiệp cho bản thân.” – Nhà hóa học tương lai khẳng định quyết tâm của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Giỏi ngoại ngữ sẽ giúp sinh viên nghiên cứu tốt hơn</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từng trải qua năm tháng sinh viên có thể nói là tuyệt vời, hơn ai hết Nguyễn Đại Minh hiểu rõ tâm lý và cách thức nghiên cứu đề tài khoa học của sinh viên. Theo kinh nghiệm của bản thân, Đại Minh cho rằng: “Điều tối cần thiết là các bạn có niềm đam mê khoa học, kiến thức cơ bản tốt, tinh thần ham tìm tòi học hỏi không quản ngại khó khăn, và một vốn ngoại ngữ tương đối khá để có thể đọc hiểu tài liệu tham khảo.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Sinh viên càng giỏi ngoại ngữ sẽ càng đọc được nhiều tài liệu khoa học, nhiều hướng tư duy của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có nền khoa học tiến tiến. Những bạn trẻ đó chắc chắn sẽ thiết kế được sản phẩm có tính ứng dụng rất cao” – Đại Minh khẳng định. Điều đó đã được chứng minh khi xã hội nói chung và giới khoa học nói riêng hiện nay đang rất “khát” những công trình khoa học có tính ứng dụng cao. Riêng tại Việt Nam, điều đó càng thể hiện rõ ràng hơn, khi những năm gần đây xã hội rất trân trọng những sản phẩm nghiên cứu của các bạn trẻ, đã giải quyết được một số vấn đề cấp bách mà xã hội đang cần nhưL sử dụng những nguồn nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam, thực hiện các phương pháp đơn giản nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tuy nhiên Đại Minh cũng cho rằng không phải cứ nghiên cứu là bắt buộc phải đem ra ứng dụng vào thực tế. Sau 2 năm tiếp xúc với giới khoa học của Mỹ, cựu thí sinh Éureka chia sẻ anh khá bất ngờ khi sinh viên và các chuyên gia Mỹ không quá chú trọng việc ứng dụng được thành quả nghiên cứu khoa học, mà có sự phân chia rõ rang giữa việc nghiên cứu cơ bản và việc nghiên cứu ứng dụng thực tế. Theo anh, nhiều sinh viên cứ loay hoay tìm kiếm một đề tài phải có tính ứng dụng mà bỏ lỡ đi những điểm mạnh khác của mình: “Một nghiên cứu cơ bản có thể rất hay về mặt học thuật nhưng về mặt ứng dụng thực tế lại là một câu chuyện khác. Quan trọng là tác giả của nó sẽ thiết kế ý tưởng nghiên cứu nó như thế nào, và họ có toàn tâm toàn ý cho đề tài của mình hay không.”</span></span></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">ĐỨC DUY</span></span></strong></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">CLB Truyền thông Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ</span></span></strong></p>
</body></html>