<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31657/Le%20Thi%20Hong%20Nhan%20(2).jpg" style="height:400px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tham gia và đoạt giải 3 Giải thưởng sinh viên Nghiên cứu Khoa học (SV NCKH) Eureka năm 1999,PGS.TS Lê Thị Hồng Nhan – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hóa hữu cơ, ĐH Bách Khoa TP. HCM là một trong những </strong><strong>thế hệ sinh viên</strong><strong>đầu tiên vận dụng công nghệ thông tin vào việc nghiên cứu khoa học.</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Đề tài nghiên cứu củ nghệ chiến thắng Euréka</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cách đây 20 năm, khi còn là cô sinh viên năm 4 khoa Kỹ thuật Hóa học (ĐH Bách Khoa TP. HCM), cô được giáo viên khuyến khích đem đề tài dùng cho luận văn tốt nghiệp đến sân chơi mới mang tên Giải thưởng SV NCKH Eureka. Cô hoàn toàn không biết gì về thông tin của cuộc thi, chỉ nghĩ đó là một nơi để giao lưu học hỏivà không hề đặt nặng thành tích. Tuy nhiên, cô thật sự rất bất ngờ và vui mừng khi đề tài: “Nghiên cứu tách hoạt chất từ nghệ vàng Curcuma Longa L” đã đoạt giải ba đồng thời “ẵm” luôn Giải nhất giải thưởng VIFOTEC vàGiải nhất Sinh viên Nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 1999.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chia sẻ về cơ duyên đến với đề tài, cô Hồng Nhan cho biết: “Ngày đó bố cô bệnh nặng, cùng với thuốc tây, bác sĩ khuyên gia đình cô nên dùng củ nghệ giã lấy nước tươi làm thuốc. Nhờ vậy, bệnh tình ba thuyên giảm nên kể từ đó trong nhà lúc nào cũng củ nghệ.” Sau đó, cô sinh viên Lê Thị Hồng Nhan quyết định thử nghiệm các nghiên cứu khoa học chiết xuất trên loại củ này này và chọn nó làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp cho mình cũng như đề tài dự thi sau này.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bước đầu nghiên cứu, cô gặp khá nhiều khó khăn khi thiếu thốn về máy móc, thiết bị, vì khi đó khoa Hóachỉ có duy nhất một máy Đo độ hấp thụ. Tuy nhiên, thời gian này TP.HCM đã bắt đầu tiếp cận với công nghệ thông tin và internet xuất hiện, nên việc nghiên cứu gặp nhiều thuận lợi và có những bước tiến mới.Cô nhớ lại: “Việc internet mang đến nhiều tài liệu liên quan của những người đi trước như mở ra một thế giới khác, nhiều thông tin được tôi và các bạn tìm tòi, chép lại và in ra giấy để dễ dàng sử dụng. Thầy cô hướng dẫn cũng vui mừng vì mọi người không còn bị hạn chế thông tin khi tra cứu tài liệu ở thư viện nữa.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Kết quả năm đó, cô nhận được một lúc 3giải thưởng quan trọng mà chính cô cũng không ngờ tới. Theo cô,việc tham gia và đoạt giải thưởng SV NCKH Eureka 1999 thật sự là một bước ngoặc để các thầy cô trong khoa nhìn nhận lại việc áp dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu cũng như quá trình làm đề tài hay luận văn hoàn chỉnh cho sinh viên khi ra trường.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Những năm sau đó, luận văn của các bạn sinh viên nộp về khoa đều theo cấu trúc củamột bài dự thi Giải thưởng SV NCKH Eureka cùng với những tài liệu, thông tin cá nhân liên quan.Đến bây giờ, việc đó vẫn còn duy trì và trở thành qui địnhcủa khoa nhằm tạo nên một tâm thế sẵn sàng cho các bạn sinh viên và đem dự thi ngay nếu đảm bảo về nội dung.” – cô Hồng Nhan chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Nghiên cứu khoa học bằng đam mê</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31657/Le%20Thi%20Hong%20Nhan%20(3).jpg" style="height:450px; width:600px" /></strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Gắn bó với khoa Kỹ Thuật Hóa học hơn 20 năm từ khi còn là sinh viên, đến giảng viên và giờ là chủ nhiệm Bộ môn Kỹ Thuật hóa hữu cơ, cô Hồng Nhan đã trải qua nhiều công trình nghiên cứu với các nguyên liệu khác nhau nhưng thân thuộc và trở thành “thương hiệu” của cô chính là củ nghệ vàng. Hiện tại, cô vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và điều chế ra những sản phẩm mới thông qua công nghệ nano.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Điều đó xuất phát từ sự tìm tòi nghiên cứu những gì thân thuộc trong cuộc sống và sự yêu thích của cô trong việc chăm sóc sức khỏe của con người từ những ứng dụng khoa học Được biết, ngày trước cô định hướng theo ngành y nhưng gặp một số vấn đề nên cô chuyển hướng sang Kỹ thuật Hóa học. Lĩnh vực này có những ngành học nghiên cứu điều chế các sản phẩm liên quan đến thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng,… “Như vậy, Kỹ thuật Hóa học vẫn có những đề tài có thể chăm sóc sức khỏe và liên quan đến y tế, phù hợp với sở thích và hướng đi của bản thân tôi.” – cô chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cô Hồng Nhan vẫn còn nhớ, trước khi bắt đầu đề tài, cô được giáo viên hướng dẫn hỏi rằng: “Con có cần luận văn con điểm cao hay không?” và cô đã nhanh chóng trả lời rằng cô chỉ làm theo sở thích, còn điểm cao hay không không quan trọng vì một khi mình đã cố gắng làm thì điểm sẽ không bao giờ tệ. “Đến bây giờ mình vẫn hay hỏi sinh viên câu đó để các bạn có thể có hướng đi đúng đắn cho những mục tiêu riêng của mình.” – cô nói.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Côchỉ hướng dẫn sinh viên các công thức ở những giai đoạn đầu, về sau các bạn phải tự thiết kế công thức để làm ra sản phẩm cho riêng mình.“Nếucứ bắt buộc sinh viên làm theo những gì mình đặt để thì đó gọi là “thợ làm” chứ không phải nghiên cứu.”– cô nhận định. “Tôi muốn sinh viên cảm thấy nhẹ nhàng hơn và xem nghiên cứu khoa học là một cái gì đó các bạn hoàn toàn có thể làm được. Các bạn phải tự vẽ con đường mình muốn đi và biết mình muốn làm gì để tự thấy được cái hay trong việc học cũng như khi tham gia các cuộc thi.”</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>ĐỨC DUY - NGỌC THẢO</strong></span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>CLB Truyền thông Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ</strong></span></span></p>
</body></html>