<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đội cứu thương 8X dưới chân cầu</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Đội cứu thương 8X dưới chân cầu</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="doi%20cuu%20thuong%208x.jpg" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Từ trái qua: Các đội viên
dân phòng phường 4, quận 4 - TPHCM Nguyễn Thành Quang, Nguyễn Tấn Sáng,
Chung Cõi Sơn Hà trên đường làm nhiệm vụ </font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không ngại phiền hà, lặng lẽ giúp
người bị nạn, đó là những hành động đầy nghĩa tình của những chàng trai mới ở độ
tuổi mười tám, đôi mươi ở chốt dân phòng phường 4, quận 4 - TPHCM nằm ngay dưới
chân cầu Kênh Tẻ. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">“Đội cứu thương” bất đắc dĩ </font>
</b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nguyễn Tấn Sáng (SN
1989), một trong 4 người trong đội đưa sinh viên Lê Hoàng Trí đi cấp cứu, buồn
bã nói với tôi: “Tối hôm đó trước khi rời bệnh viện, tôi cảm thấy yên tâm khi
bác sĩ nói rằng anh Trí sẽ được cứu sống. Tôi định về ngủ một giấc, sáng hôm sau
sẽ hỏi thăm tin tức của ảnh, nào ngờ...”. Câu chuyện được Sáng và đồng đội nhớ
lại. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khoảng 21 giờ tối
10-1, trong chốt có 5 đội viên gồm Long, Sáng, Hà, Hùng, Quang đang ăn tối để
chuẩn bị đi tuần đêm thì nghe huyên náo ở chân cầu phía bên kia đường. Cả nhóm
vội chạy ra thì thấy nạn nhân bê bết máu nằm bất tỉnh. Không ngần ngại, các anh
gọi taxi gần đó, bế nạn nhân lên xe và cả nhóm 4 người chạy xe máy theo sau vào
Trung tâm Y tế quận 4, riêng Long ở lại chốt để trông coi xe của nạn nhân và báo
với CSGT. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau khi tìm thấy
giấy tờ tùy thân, biết Lê Hoàng Trí là người ngoại tỉnh, không có người thân,
lại bị thương rất nặng nên cả 4 ngồi lại Trung tâm Y tế quận 4 chờ kết quả. Khi
được tin phải chuyển nạn nhân qua Bệnh viện Nhân Dân 115, Sáng và Hà vội vàng
lên xe cứu thương ngồi bên cạnh Lê Hoàng Trí, còn Hùng và Quang chạy xe máy theo
sau. Cho đến khi nạn nhân được chuyển vào phòng cấp cứu và được bác sĩ cho biết
tình hình, cả nhóm mới đi về. Họ không ngờ sau đó nạn nhân đã qua đời và càng
không ngờ Bệnh viện Nhân Dân 115 đã không tìm cách báo tin cho người nhà của
sinh viên Lê Hoàng Trí... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyện đưa người đi
cứu thương đã không còn xa lạ đối với những chàng trai trẻ này khi họ trực chốt
tại một điểm nóng về TNGT. Đội trưởng Trần Ngọc Long (SN 1982), trầm ngâm nhìn
về phía cuối cầu Kênh Tẻ. Long về chốt này được hơn 1 năm mà đã chứng kiến không
biết bao nhiêu vụ TNGT xảy ra trên đoạn đường này. “Từ khi có dải phân cách, tai
nạn có giảm bớt nhưng một tháng cũng có khoảng 3 - 4 vụ” - anh nói. Những đội
viên chốt dân phòng này luôn là người có mặt đầu tiên khi có tai nạn xảy ra để
đưa nạn nhân đi cấp cứu. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Em nghĩ giúp cứu
sống một mạng người còn hơn ngồi mà nói thật nhiều về lòng tốt”, chính suy nghĩ
này của Sáng và những chàng trai 8X này đã giúp họ vượt qua nỗi sợ khi đối mặt
với những vụ TNGT thảm khốc. Không ít lần về chốt, quần áo của họ đầy máu của
nạn nhân. “Có nhiều người thân của nạn nhân đến tìm và cảm ơn chúng tôi, nhưng
điều chúng tôi mừng nhất là nạn nhân còn sống” - Sáng nói. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Nhiều nguy hiểm, không ít niềm vui
</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tám anh em trong
đội thay nhau trực và trong quá trình làm việc, những chàng trai trẻ này đối mặt
với không ít thử thách, nguy hiểm. Họ không thể quên những kỷ niệm đáng nhớ về
những lần tuần tra, truy quét tội phạm trên địa bàn. Có lần cùng 3 anh em khác
đi bắt nhóm hút chích, Lê Minh Tâm (SN 1983) đã bị một tên nghiện dùng kim tiêm
đâm vào người, may mà đó là một ống tiêm chưa sử dụng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một lần khác trên
địa bàn bị cúp điện nhưng có một đám thanh niên tụ tập ăn nhậu khuya, Tâm đến
nhắc nhở thì bị đám thanh niên này đuổi đánh, anh bị thương và phải nhập viện.
Sáng cho tôi xem vết thương trên cánh tay chưa lành hẳn vì trong một lần đi ăn
trưa mới đây, gặp nhóm bài bạc chơi ngay dưới gầm cầu, anh cùng một số đồng đội
đến can thiệp và lập tức bị ném đá tới tấp... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng giúp được
người bị nạn cũng mang đến cho các anh rất nhiều niềm vui. Một lần trên đường đi
thăm người quen, thấy đôi nam nữ đang chạy xe máy bị giật điện thoại, Nguyễn
Thành Quang (SN 1990) đã lập tức đuổi theo khiến tên cướp phải “bỏ của chạy lấy
người”. Khi Quang trả lại đồ cho đôi nam nữ, họ đã mua một điếu thuốc mời Quang
và đến giờ anh vẫn vui mỗi khi nhớ lại vụ việc. Vui hơn nữa là tình cảm gắn bó
của người dân với anh em trong chốt. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mới đây chị Nguyễn
Thị Ngọc Loan, ngụ tại số nhà 78/19 Khánh Hội, phường 4, quận 4, bị đau ruột
thừa, không có người thân ở nhà, chị đã gọi ngay cho anh em trong đội đến giúp
đưa chị đi bệnh viện cấp cứu... Anh Đặng Đức Tiến cho biết: “Chốt dân phòng này
là một trong những trọng điểm của quận, họ đã góp sức rất nhiều trong việc giúp
chúng tôi phòng chống tội phạm trên địa bàn. Toàn là anh em trẻ, họ sống giản dị,
lại vô tư giúp đỡ mọi người nên chiếm được tình cảm của nhiều người dân khu vực
này”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những chàng trai
trẻ không ngừng nhắc tới anh tài xế taxi đã cùng họ đưa Lê Hoàng Trí đến bệnh
viện cấp cứu. Anh đã phụ bế nạn nhân vào viện và lắc đầu khi một thành viên
trong đội bảo anh tính tiền xe. Những nghĩa cử tốt đẹp của “đội cứu thương” ở
chân cầu cũng như sự vô tư khi giúp người bị nạn của anh tài xế taxi hôm đó nói
lên thật nhiều điều ý nghĩa. Chia tay tôi, Nguyễn Tấn Sáng tâm sự: “Tôi nghe nói
ba mẹ anh Trí sẽ xuống đoạn đường này thắp nhang cho anh, tôi rất mong được gặp
họ để kể lại những giây phút cuối cùng bên anh ấy, mong rằng nghe chuyện, ba mẹ
anh sẽ bớt buồn...”.</font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo NLDO</font></b></i></p>
</body>
</html>