<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/1/31801/IMG_1360.JPG" style="height:396px; width:600px" /></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>B</strong><strong>uổi tọa đàm “Thanh niên, sinh viên khởi nghiệp từ OCOP</strong><strong>” đã diễn ra sau buổi lễ phát động</strong><strong> K</strong><strong>hởi nghiệp từ chương trình </strong><strong>“</strong><strong>Mỗi xã một sản phẩm</strong><strong>”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ của Lễ phát động khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) diễn ra vào sáng 8/1 tại trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để gọi vốn</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Buổi tọa đàm có sự tham dự của đồng chí Ngô Văn Cương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng chí Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và các bạn đoàn viên, thanh niên của trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/1/31801/IMG_1376.JPG" style="height:337px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tại đây, đồng chí Ngô Văn Cương đã giới thiệu về OCOP đến các bạn sinh viên, cung cấp thông tin về sự ra đời cũng như những dự án mà OCOP đã thực hiện. Các bạn trẻ từ đó cùng trao đổi, đưa ra thắc mắc xoay quanh vấn đề khởi nghiệp và sự hỗ trợ từ OCOP.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đa phần các bạn sinh viên đều chia sẻ, các bạn có ý tưởng, có kế hoạch thực hiện, song vấn đề vốn là một bài toán khó khăn. Thiếu vốn, sản phẩm không được hoàn thiện cũng như không được quảng bá ra thị trường. Bên cạnh đó, khó khăn về máy móc, kỹ thuật sản xuất cũng ảnh hưởng khá nhiều đến ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trả lời cho vấn đề này, đồng chí Ngô Văn Cương đã gợi ý các bạn nên tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp. Từ các cuộc thi, các bạn sẽ dễ dàng được hỗ trợ vốn hoặc tìm được nhà đầu tư ngay trong các cuộc thi. Ngoài ra, nếu khởi nghiệp ở nông thôn thì tại các địa phương từ cấp xã trở lên đều có chính sách hỗ trợ vay vốn. Một số quỹ có thể kể đến như Quỹ Nông dân, Quỹ phụ nữ,…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Về các thiết bị máy móc sản xuất, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn TW Đoàn cho rằng, trước tiên các bạn nên xin hỗ trợ từ thầy cô, nhà trường. Khi sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện mới có thể xin đầu tư các thiết bị sản xuất lớn. Ngoài ra, TW Đoàn cũng đang triễn khai hỗ trợ vốn để các dự án khởi nghiệp nông thôn được phát triển, số vốn hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, để được hỗ trợ, dự án của các bạn phải đảm bảo đạt đầy đủ các yêu cầu, điều kiện mà TW Đoàn đưa ra.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Ý tưởng nhiều nhưng sản phẩm ít</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bạn Thảo Nguyên (sinh viên ĐH Nông Lâm) chia sẻ: “Em đã từng tham gia vào một số cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên khi tham gia thì các dự án chỉ dừng ở mức ý tưởng. Nhưng sau cuộc thi nếu không đạt giải thưởng cao nhất sẽ không được đầu tư phát triển. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp chỉ vừa manh nha thì đã bị dập tắt. Mục tiêu của OCOP là bảo hộ ý tưởng, vậy bảo hộ ý tưởng ở đây có ý nghĩa gì khi rất ít ý tưởng được thực hiện?”</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/1/31801/IMG_1369.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span><br />
<em><span style="font-size:12px">Bạn Thảo Nguyên bày tỏ ý kiến về những khó khăn mà các mô hình khởi nghiệp nói chung thường gặp phải khi vừa bắt đầu lên ý tưởng </span></em></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ban chủ tọa cũng đồng tình với Thảo Nguyên về việc ý tưởng khởi nghiệp rất nhiều nhưng thành công rất ít. Các chủ tọa đàm cho rằng, một dự án khởi nghiệp thường có 3 giai đoạn chính: hình thành ý tưởng; thiết lập, tổ chức vận hành và cuối cùng là đưa sản phẩm ra đời sống. Giai đoạn đầu là cái dễ nhất và đa số các bạn trẻ đều làm được. Tuy nhiên, giai đoạn quyết định và khó khăn nhất lại nằm trong 2 giai đoạn sau. Sản phẩm có khả thi hay không, có tương lai phát triển không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Và khi đạt được tất cả các yếu tố thì ý tưởng của các bạn mới có thể tiếp tục xây dựng và phát triển.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thực tế cho thấy, việc nhiều ý tưởng của các bạn trẻ vừa được nhen nhóm đã vội vụt tắt xảy ra không ít. Bởi khi ý tưởng không khả thi, tính rủi ro cao sẽ không nhà đầu tư nào đồng ý chi vốn. Nhiệm vụ của ban tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, TW Đoàn hay OCOP chính là chọn ra những ý tưởng thiết thực nhất và giúp đỡ các bạn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngoài ra, những thắc mắc về vấn đề sở hữu trí tuệ, thuế nhà nước và điều kiện pháp luật khi khởi nghiệp cũng được nhiều bạn sinh viên quan tâm. Buổi tọa đàm chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, song đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các bạn sinh viên.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đây không chỉ là dịp để các bạn được giải đáp các thắc mắc xung quanh vấn đề khởi nghiệp mà còn là cơ hội để các bạn tiếp tục phát triển những ý tưởng đang nung nấu, tìm ra những hướng đi, những nguồn vốn mới để xây dựng tương lai cho chính mình.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><strong><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ý NHUNG</span></span></strong></p>
</body></html>