<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lớp trẻ thời hội nhập</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
Lớp trẻ thời hội nhập: dụng kiến thức như fast food?</b></font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="lop%20tre%20thoi%20hoi%20nhap.jpg" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Game
show "Rung chuông vàng" (Ảnh tư liệu báo TT)</i></font></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những người trẻ
giỏi click chuột, tự tin mình thuộc thế hệ “pro” (chuyên nghiệp) lại không nhớ
lịch sử làm nên đất nước Việt Nam, xa lạ với thông tin chính trị - xã hội, thiếu
khả năng tư duy quan sát nhưng huyễn hoặc nội lực bản thân… </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những ngày cuối năm
2006 người ta liên tục nói về APEC, WTO về vận hội mới của đất nước trong thời
đại toàn cầu hóa. Và tất nhiên, khi hướng về tương lai, sự kì vọng của mọi người
về lớp trẻ học sinh, sinh viên lại càng lớn hơn bao giờ hết. Với những điểm sáng
thành tích, mọi người có lí do để vui mừng, hi vọng vào những người trẻ tuổi.
Nhưng nếu tỉnh táo hơn để nhìn vào mặt bằng chung, ta sẽ thấy nhiều điều đáng lo
ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi “ra biển lớn”.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Chẳng màng lịch sử</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Rung chuông vàng”
là cuộc thi kiến thức khá hấp dẫn không thua gì “Đường lên đỉnh Olympia”. 100
thí sinh ở mỗi kì thi là người được chọn từ cả ngàn sinh viên trong một trường
đại học. Họ xúng xính trong bộ đồ cử nhân, được bạn bè khắp đấu trường vỗ tay,
tung hê…</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Và nhiều sinh viên
trong số họ đã tự tin với kiến thức thế nào? Với câu hỏi “Người học sinh nào ở
Sài Gòn đã hi sinh trong cuộc biểu tình ngày 9-1/1950?”, 25/100 sinh viên tại Đà
Nẵng đã trả lời là Lí Tự Trọng, Lê Văn Tám. Khi được yêu cầu hoàn thiện câu “Nam
trung bộ trải dài từ thành phố… đến Bình Thuận” có tới 7/100 sinh viên đã trả
lời sai trong khi thành phố Đà Nẵng là nơi họ đang sống và học tập. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mới đây nhất là
cuộc thi tổ chức tại Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), đã có 6/100 thí sinh không
biết quốc hiệu đầu tiên của nước ta thời các vua Hùng là gì. MC Diệp Chi ngạc
nhiên “Các bạn ơi, đó chính là tên ngôi trường mà các bạn đang học, đó là quốc
hiệu Văn Lang”. Kế đến là 32 sinh viên bị loại vì trả lời đất nước có truyền
thống nghệ thuật rối nước là Nhật Bản, Singapore trong khi đó chính là VN! Đau
lòng thêm một điều là vị khách nước ngoài ra đề về rối nước khẳng định đây là
câu hỏi “Very, very easy” (rất, rất dễ)…</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Thiếu tư duy logic, mất cảm xúc?</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng tại Đà Nẵng,
các thí sinh “Rung chuông vàng” được ra đề tình huống: Một anh lính hầu cứ dùng
tay vốc cát rơi xuống đất, rồi cứ nhìn cát mà nhắc nhà vua giờ ăn cơm, giờ uống
nước, giờ nghỉ ngơi… Câu hỏi đặt ra “Đố các bạn, anh lính hầu dùng loại đồng hồ
gì?”. Thế là một bạn nam thí sinh Đại học Sư phạm hồ hởi hét tướng lên: “Câu trả
lời này em xin dành tặng bạn gái em.” “Quà tặng” ấy là câu trả lời như sau: Đồng
hồ… lúa rơi (!?), trong khi đáp án đúng phải là đồng hồ cát.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối tháng 11 vừa
qua, một sinh viên năm thứ ba của ĐH Luật chuẩn bị thi Rung chuông vàng đã vô tư
thừa nhận “Em không biết” khi tôi hỏi “APEC là gì?” mặc dù tôi chỉ hỏi nghĩa
tiếng Việt của cụm từ ấy. Không khí tưng bừng của những ngày APEC có lẽ đã không
tác động gì tới cảm xúc và nhận thức của một cử nhân luật tương lai?</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mới đây, sinh viên
giỏi nhất trong số 100 thí sinh của trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng phải dừng
lại ở câu hỏi “Chỉ số chứng khoán VN được gọi là gì?” dù ngành ngân hàng và
chứng khoán khá mật thiết với nhau.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều sinh viên,
học sinh còn biểu lộ sự vô cảm với các sự kiện thời sự, chính trị-xã hội. Một
vài học trò cũ của tôi dù đã là cử nhân nhưng vẫn không hề có khái niệm về
Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm; ngay cả cử nhân Triết học tốt nghiệp đại học
Khoa học xã hội và nhân văn cũng không hiểu ý nghĩa của Hoàng Sa, Trường Sa với
chủ quyền đất nước.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những ai quan tâm
đến chương trình Olympia hẳn vẫn còn nhớ bốn học sinh xuất sắc tham gia trận
chung kết năm 2004 đã không hề biết trang web
<a href="http://www.petitiononline.com/AOVN">www.petitiononl<wbr>ine.com/AOVN</a>
được ông Lens Aldis lập ra để kêu gọi thế giới “kí tên vì công lí”, ủng hộ vụ
kiện của các nạn nhân chất độc da cam ở VN. Ngay sau đó tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng
đã viết trên báo Tuổi Trẻ một bài thời luận đầy cảm thán.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có lẽ chúng ta cần
những bài test EQ (chỉ số cảm xúc) để hiểu rõ hơn cảm xúc của những sinh viên
trên. Sự thờ ơ với các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước sẽ khiến người ta
trở nên vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm công dân.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Tự tin thái quá</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong không khí
rừng rực ở mỗi lần thi, khá nhiều thí sinh biểu lộ sự tự tin. Đó là một bản lĩnh
cần thiếu nếu nó thực sự có nền tảng chứ không phải chỉ là phép thắng lợi tinh
thần của AQ. Tôi cảm thấy khó chịu khi nhiều thí sinh cứ hét lớn “Chúng tôi sẽ
chiến thắng vì chúng tôi là một tập thể đoàn kết”, để rồi sau đó bị loại ngay
bởi những câu hỏi thuộc về kiến thức rất cơ bản. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hôm nay, khi chúng
ta đang sống trong “thế giới phẳng”, việc truy cập tìm hiểu thông tin và rèn
luyện kĩ năng tư duy đã trở nên thuận lợi rất nhiều. tiếc là với nhiều sinh viên,
học sinh, Internet là kho kiến thức vô tận để họ ỷ lại chứ không phải để khai
thác, chọn lọc và sử dụng.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng ta “vươn ra
biển lớn” bằng phương tiện nào khi học sinh, sinh viên giỏi chat, giỏi chơi
game, đạt level 100 và hơn thế nữa với “Võ Lâm truyền kì”? Không có được vốn
liếng cần thiết, chúng ta sẽ làm gì giữa “phiên chợ” WTO? Không có thuyền to,
thợ giỏi, lấy gì “vươn ra biển lớn”?</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự thiếu hụt về tri
thức là trách nhiệm công dân ở lớp trẻ là một trở lực lớn đối với sự phát triển
của đất nước thời hội nhập. Đó là điều đáng báo động cần được nhìn nhận và kịp
thời có những giải pháp đồng bộ ở tầm vĩ mô để thay đổi tình hình nếu không sẽ
quá muộn.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Muốn rung chuông
vàng, xin đừng bỏ qua báo động đỏ!</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="4" cellspacing="5" width="90%" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Bùi
Thị Minh Châu (SV năm 2 khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV, thí sinh được
chọn tham dự “Đường lên đỉnh Olympia”)</strong></font></p>
<p class="pInterTitle" align="center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Kiến thức đã không thành tri
thức!</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những
chuyện từ "Rung chuông vàng" hay các game show trên truyền hình chỉ là
bề nổi của cái tảng băng mù mờ về kiến thức xã hội trong sinh viên hiện
tại. Nếu không ngồi trên ghế giảng đường có lẽ chính tôi, một sinh viên
cũng không thể nghĩ rằng thế hệ của mình đang “tù mù” đến như vậy.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Điều này
thật khó lí giải và không thể biện hộ khi chúng tôi có quá nhiều kênh để
tiếp cận nhưng cứ bị tụt hậu so với các thế hệ trước. Theo tôi, nguyên
nhân chính là chúng tôi đã không thể biến kiến thức thành tri thức, biến
cái chung thành cái riêng của chính mình.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng ta
quá ỷ lại vào các công cụ thông tin mà chúng ta đang có, khi mà chỉ cần
một cái nhấp chuột với Google đã cho ra hàng triệu trang thông tin liên
quan đến từ khóa. Nhưng cái quan trọng nhất chỉ để một trong hàng triệu
trang tin ấy thấm và thật sự trở thành tài sản của mình thì hầu như ít
ai làm được hoặc chịu làm, chỉ xem thông tin như thõa mãn tò mò.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Kiến thức
đã không thể trở thành tri thức bởi chúng ta không chịu sở hữu nó, nuôi
dưỡng nó mà chỉ sử dụng theo dạng fastfood. Loại thức ăn nhanh ấy chỉ là
một cái phao. Nó không giúp cho chúng ta ra biển lớn được. Bởi muốn ra
biển lớn thì phải biết bơi, bơi thực sự chứ không thể bơi bằng phao.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">
Nhà văn Trần Nhã Thụy: cần tạo dựng một văn hóa nền!</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng ta
vẫn thường thấy một hình ảnh như thế này ở các game show: một MC khi
giải đáp một câu hỏi nào đó, mặc dù nhắm mắt nói cũng trúng nhưng anh ta
vẫn chăm chăm nhìn vào màn hình máy vi tính phía trước, thậm chí trả lời
còn rất… ngập ngừng. Người “làm” đã như vậy thì nói gì đến người “chơi”?
Nói như thế để thấy rằng cái mà MC đầu tư cho công việc hầu như chỉ dừng
lại ở chỗ ăn bận quần áo hợp mốt, ngôn ngữ trôi chảy và quan trọng là
không bao giờ quên nhắc tên… nhà tài trợ chương trình. Còn tri thức văn
hóa? Một văn hóa nền, ở đây không chỉ ở những khía cạnh chuyên môn mà
còn thể hiện bằng một phong thái riêng, một góc nhìn cá tính… thì rất ít
thấy.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng ta
không thể phủ nhận những vượt bậc về khả năng ngoại ngữ. tính năng động,
đột phá ý tưởng… ở những người trẻ hôm nay. Nhưng, thẳng thắn mà nói, đó
vẫn là số ít, còn số đông thường là giỏi theo kiểu “tận dụng”, tức là
vẫn có nhiều anh “láu cá” hơn là giỏi thực sự như một người sáng tạo.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà văn
người Đức Gunter Grass (giải Nobel văn học 1999) cho rằng “Không có gì
có thể thay thế văn hóa đọc”. Tôi đồng quan điểm như vậy. Muốn tạo dựng
văn hóa nền thì phải đọc không ngừng. Tất nhiên là không chỉ đọc sách
văn học. </font></td>
</tr>
</table>
<p class="pAuthor" align="right"><b><font face="Arial" size="2"><i>Theo Nguyễn
Đức Thạch, GV trường Chu Văn An (Ninh Thuận) và Viễn Sự - </i><em>Pháp
luật TP.HCM</em></font></b></p>
</body>
</html>