<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><span style="font-size:14px"><strong>Với biết bao thế hệ người làm báo Việt Nam suốt hàng chục năm qua, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghề báo luôn được đội ngũ những người làm báo khắc ghi bởi nó là kim chỉ nam cho đạo đức của một đời làm nghề.</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Sinh thời, Người đã từng đánh giá cao vị trí, vai trò của những người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc khi Người chỉ ra rằng: “<em>Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”</em>. Đó cũng là bài học vỡ lòng của những ngày tôi bắt đầu trở thành một phóng viên trẻ hòa vào dòng chảy báo chí của dân tộc. Chính vì ý thức được cây bút, trang giấy là vũ khi sắc bén nên người cầm bút, người tạo ra những tác phẩm báo chí phải luôn trau dồi kiến thức để làm chủ được cây bút, viết nên những tác phẩm báo chí có giá trị với xã hội.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/6/32354/le%20ngoc%20hien.jpg" style="height:400px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><em>Phóng viên phỏng vấn công nhân thoát nước TP. Hồ Chí Minh tại nơi lao động để lắng nghe những vất vả của nghề nhọc nhằn này.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Khi bàn đến các vấn đề cốt lõi của một tác phẩm báo chí, Người căn dặn các nhà báo: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện”. Những lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng toát lên sự khái quát của những phẩm chất của một người làm báo cần phải có khi đứng trong hàng ngũ của những người làm báo chân chính. Đặc biệt, hơn ai hết thì những người trẻ cần phải rèn luyện, phấn đấu và không ngừng học hỏi bởi thời đại số cần phải có những nhà báo năng động, thích ứng với công nghệ mới nhưng vẫn luôn giàu lòng nhiệt huyết để gìn giữ những giá trị chân chính trong mỗi tác phẩm báo chí.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đối với tôi, ngay từ khi đặt bút viết những tác phẩm báo chí đầu tiên cho đến nay, tôi luôn cân nhắc rằng đằng sau mỗi câu từ, mỗi bài viết của mình mang lại giá trị gì cho xã hội, đóng góp ra sao cho tờ báo Tuổi Trẻ gắn bó với những thăng trầm lịch sử suốt 44 năm qua. Rất khó để trong vài trang giấy để có thể nói hết được những trăn trở của bản thân khi cầm bút viết nên những đề tài của muôn mặt đời sống. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Và cũng rất khó để bản thân tự nhận mình đã thực sự học tập, làm theo được hết những giá trị về nghề báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế. Song, ở chừng mực nào đó tôi cảm thấy rằng học ở Bác chính là mình học sự cẩn thận trong bài viết, sự cố gắng trong mỗi tác phẩm và đặt ra mục tiêu rõ ràng cho mỗi bài báo bởi Bác Hồ cũng đã từng là một Nhà báo.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đối với mỗi người làm báo, việc sáng tạo ra các tác phẩm báo chí là công việc liên tục với đa dạng thể loại, đa dạng đề tài. Song bản thân tôi luôn cố gắng chỉn chu trong mỗi tác phẩm báo chí mà mình tâm huyết muốn thực hiện để truyền đi một thông điệp rõ ràng, mang lại giá trị cho xã hội.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đơn cử đó là tác phẩm phóng sự ảnh “Tình bạn, tình người”, tác phẩm này đã đạt giải A giải thưởng báo chí của Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh năm 2017. Đây là bộ ảnh kể về tình bạn đẹp của hai nữ sinh bị ung thư xương phải điều trị trong bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh. Một điều đớn đau là hai nữ sinh xinh đẹp này đều bị cưa chân trong quá trình điều trị. Họ cô đơn, tuyệt vọng nhưng đã tìm được ở nhau niềm tin ngày khỏi bệnh và đã gắn bó với nhau như hình với bóng, động viên nhau vượt qua những năm tháng nghiệt ngã của số phận. Để thực hiện được bộ ảnh này, tôi đã phải vào bệnh viện rất nhiều lần, thuyết phục hai em, trò chuyện với hai em như những người bạn để rồi có thể chụp được những bức hình chân thật nhất về cuộc sống bình dị của hai em. Và sau nhiều ngày vào ra bệnh viện, bộ ảnh đầy cảm xúc, toát lên niềm tin về cuộc sống mãnh liệt đã xuất hiện trên trang báo Tuổi Trẻ, lan tỏa một thông điệp về sự quan tâm đối với các bệnh nhi ung thư. Với tác phẩm “Mất đôi mắt nhưng không mất tất cả”, tác phẩm đã đạt giải nhất giải báo chí của Trung ương Đoàn vào năm 2018 cũng vậy, tôi cũng hết sức chỉn chu khi đặt cả cảm xúc, sự cảm thông của mình vào tác phẩm.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/6/32354/tinh%20ban%20tinh%20nguoi.png" style="height:494px; width:600px" /></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Còn đầu tháng 7 năm 2018, người dân TP. Hồ Chí Minh hết sức xúc động khi chứng kiến việc Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm đứng ra xin lỗi với công nhân thoát nước TP. Hồ Chí Minh khi nghe công nhân Ngô Chí Hùng kể về những vất vả của nghề nhọc nhằn này.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Qua lời kể của công nhân, người dân thành phố khó có thể mường tượng, hình dung ra thế giới dưới lòng cống gồm những gì, ngập rác ra làm sao và công việc của người công nhân chui cống cực khổ, hiểm nguy như thế nào. Chính vì thế, tôi đã thực hiện phóng sự cho nhật báo Tuổi Trẻ với kỳ vọng đưa đến đọc giả một góc nhìn chân thực, cận cảnh và đầy trải nghiệm của thế giới rác trong lòng cống.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đồng thời, kể câu chuyện rác dưới cống cũng là cách để kể câu chuyện ý thức con người trên mặt đất, gián tiếp lấy câu chuyện dưới cống, nghề hốt rác dưới lòng cống để đánh vào thức ý thức của người dân TP. Hồ Chí Minh nói riêng và người dân đô thị nói chung về vấn nạn xả rác bừa bãi.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Bản thân tôi cũng đã từng nhập vai làm công nhân thu gom rác thực hiện phóng sự dài kỳ về thu gom rác dân lập của thành phố này, do đó để thực hiện một đề tài ngay giữa thành phố, phóng viên nhìn nhận phải ghi nhận một cách thực tế nhất, tức là phải xuống cống, phải trầm mình trong thế giới rác đó để viết lên một lát cắt dưới lòng cống như người trong cuộc.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Để thực hiện đề tài này, tôi đã trực tiếp xuống dưới lòng cống, cảm nhận sự hôi hám, bẩn thỉu của lòng cống, chứng kiến thế giới rác ngập ngụa với đủ trăm ngàn thứ mà con người thải loại. Thậm chí, cảm nhận sự hiểm nguy khi kim tiêm đầy rẫy xung quanh mình. Đồng thời, quan sát, trò chuyện và phỏng vấn các công nhân thu gom rác với những cuộc phỏng vấn chân thực ngay dưới lòng cống.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Không chỉ trải nghiệm ban ngày mà ban đêm, tôi cũng theo chân công nhân xuống các hầm cống ở quận Gò Vấp để thấu hiểu nỗi vất vả của họ bất kể thời gian, không gian. Bên cạnh đó, phóng sự cũng đã lý giải được vấn đề là rác từ đâu xuống cống, những địa điểm khác nhau có các loại rác đặc thù ra sao và ý thức của con người đã góp phần làm cho rác trôi xuống cống như thế nào.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Sau hai kỳ đăng tải trên nhật báo và đăng lại trên Tuổi Trẻ Online, hai tác phẩm này đã nhận được làn sóng ủng hộ, chia sẻ và đồng cảm của bạn đọc, cộng đồng mạng cũng như các đồng nghiệp.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trên các diễn đàn, nhất là các diễn đàn về môi trường trong nước, bài viết này được chia sẻ với số lượng tương tác rất cao. Bản thân phóng viên cũng nhận được sự kết nối của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường thể hiện sự đồng cảm với tác phẩm và với công việc của các công nhân. Đồng thời, cộng đồng mạng cũng thể hiện thái độ rất rõ ràng với rất nhiều lời kêu gọi ngưng xả rác, thay đổi ý thức. Điều này chứng tỏ hiệu ứng truyền thông của các tác phẩm đã đi đúng hướng, đánh vào tâm lý và thay đổi ý thức của cộng đồng, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình như chủ trương của thành phố nhiều năm nay. Đồng thời, điều này cũng thể hiện trách nhiệm xã hội trong công tác tuyên truyền của tờ báo Tuổi Trẻ, gắn với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở hai bài phóng sự, báo Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến bạn đọc, nối dài câu chuyện này bằng diễn đàn “TP. Hồ Chí Minh ngập: Tại trời hay tại người" với hàng loạt bài viết đăng tải thành tuyến của bạn đọc, chuyên gia, nhà nghiên cứu và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh để hướng đến một xã hội phát triển, văn minh khi con người hạn chế xả rác, hạn chế ngập và hạn chế tác động tiêu cực đến thiên nhiên.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Nối tiếp sự thành công đó, báo Tuổi Trẻ tiếp tục tổ chức cuộc gặp cuối năm với hàng trăm công nhân Thoát nước đô thị TP. Hồ Chí Minh tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ vào chiều 26 Tết, tổ chức cho các công nhân và con em của mình bữa tiệc tất niên ấm cúng. Đồng thời, tặng cho con em các gia đình công nhân thoát nước học giỏi với mỗi em là một suất học bổng 3 triệu đồng. Tất cả những điều đó đã vượt qua khuôn khổ của tờ nhật báo, khuôn khổ của thông tin mà còn là nghĩa tình, là trách nhiệm xã hội của một tờ báo giàu truyền thống, trách nhiệm với cộng đồng, với TP. Hồ Chí Minh.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/6/32354/Tuoitre2.png" style="height:586px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều tác phẩm báo chí mà tôi có cơ hội thực hiện, với một mong muốn cháy bỏng là mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội, cho cộng đồng và nói lên được tiếng nói của người dân, nhất là những người dân lao động của thành phố này.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trong một bức thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo (thư đề ngày 25/5/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: <em>“Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.</em> Đã 72 năm trồi qua từ khi Bác Hồ viết bức thư này gửi các nhà báo Nam Bộ, cũng là gửi chung cho các nhà báo Việt Nam, đất nước ta giờ đã được độc lập, Tổ quốc ta đã thống nhất. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Và đến bây giờ, dù đâu đó vẫn còn những trăn trở về không ít những người làm báo hiện tại nhưng tôi luôn đặt niềm tin vào nhiệm vụ mà Bác giao phó cho các nhà báo đó bởi sự chính nghĩa luôn và sẽ luôn được các nhà báo đặt lên hàng đầu khi đằng sau mỗi tác phẩm là sự tiếp nhận, ghi nhận và cổ vũ của hàng triệu độc giả cho chính nghĩa và lẽ phải.</span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><strong>Lê Ngọc Hiển</strong></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><em>Phóng viên báo Tuổi Trẻ, </em></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><em>Đại biểu tham dự Liên hoan TNTT làm theo lời Bác</em></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><em> cụm miền Đông Nam Bộ lần thứ XIV năm 2019</em></span></p>
</body></html>