<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Ý tưởng </strong><strong>“</strong><strong>Đọc sách cùng trẻ</strong><strong>”</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Tác giả Châu Thị Cẩm Nhi</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Đoàn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh</em></span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/9/32831/11.jpg" style="height:500px; width:500px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Như chúng ta đã biết, xây dựng xã hội học tập suốt đời là một trong những chiến lược then chốt của giáo dục nước ta. Và, một trong những hành trang không thể thiếu về việc học tập suốt đời đó là xây dựng và phát triển thói quen và kĩ năng đọc sách.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với sự xuất hiện của internet, truyền hình kĩ thuật số và nhiều thiết bị nghe – nhìn khác đã làm hình thức đọc trở nên phong phú hơn. Việc đọc sách báo điện tử, phương tiện nghe nhìn có phần hiện đại hơn, thuận tiện hơn trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên, lựa chọn sách báo điện tử để đọc như thế nào là hợp lí và làm sao biết được những thông tin trên có được kiểm chứng? Đó là một vấn đề gây khó khăn cho chúng ta, đặc biệt là học sinh tiểu học – đang có nhu cầu đọc sách để mở mang kiến thức.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đối với học sinh tiểu học, khi đọc sách, các em được tiếp xúc với các văn bản chuẩn mực về câu chữ, tiếp xúc với cách trình bày vấn đề một cách mạch lạc và dễ hiểu. Khi các em đọc nhiều sách, vốn từ của các em sẽ được mở rộng hơn nữa. Đọc nhiều sách giúp các em phát triển khả năng ngôn ngữ, xây dựng và rèn luyện thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tuy nhiên, đối với học sinh tiểu học – những đối tượng vừa được tiếp xúc với việc đọc sách, các em cần có sự giúp đỡ của người hướng dẫn. Người hướng dẫn sẽ giúp các em có cách đọc sách đúng hơn và giải thích cho các em về những nội dung/ vấn đề các em thắc mắc, tạo sự hứng thú cho các em khi đọc sách. Vì thế, Đoàn khoa Giáo dục Tiểu học – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng dự án “Đọc sách cùng trẻ”.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Dự án “Đọc sách cùng trẻ” được thiết kế dựa trên hoạt động trải nghiệm theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, giúp học sinh hình thành văn hóa đọc giữa sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Internet bằng những quyển sách hay và những hoạt động trải nghiệm xung quanh chủ đề của mỗi tháng. Sự phát triển và chiếm ưu thế của mạng xã hội hay những thú tiêu khiển hiện đại; chương trình học ngày càng nhiều khiến thời gian và thói quen đọc sách của trẻ ngày càng hạn chế.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>Mô tả ý tưởng: </em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Dự án được thực hiện mỗi tháng 1 lần với các chủ đề như: Khám phá bản thân, tôn sư trọng đạo, Hào hùng sử Việt, Biển đảo quê hương, Gia đình, Bạn bè của em. Ở mỗi lần tổ chức, Ban Điều hành dự án sẽ chọn chủ đề cho mỗi tháng. Sau đó Ban Điều hành sẽ chọn ra những quyển sách hay và ngữ liệu phù hợp, từ đó bắt đầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh dựa trên ngữ liệu đã chọn. Các bước lên lớp của dự án như sau:</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Ổn định, chia nhóm</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Giới thiệu sách</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Đọc sách với ngữ liệu cho trước</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Tìm hiểu ngữ liệu bằng bộ câu hỏi đã chuẩn bị sẵn.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Các hoạt động trải nghiệm</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Chia sẻ cảm nhận của học sinh.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Dự án “Đọc sách cùng trẻ” là sự lồng ghép, kết hợp giữa hoạt động trải nghiệm và việc đọc sách. Bên cạnh đó, sau khi chia nhóm nhỏ các em đọc sách, thành viên phụ trách trong Ban điều hành sẽ cùng đọc và hướng dẫn nhóm học sinh tìm hiểu kĩ hơn về ngữ liệu cho trước. Qua đó, tạo sự hứng thú cho các em học sinh khi đọc sách, làm cho giờ đọc sách của các em trở nên hấp dẫn, sinh động hơn, góp phần hình thành và xây dựng tình yêu đọc sách.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Dự án được triển khai và thực hiện từ tháng 10/2018 – tháng 5/2019, tại trường tiểu học Khai Minh(Phó Đức Chính, quận 1, Tp.HCM). Trong quá trình thực hiện, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ từ thầy cô, các bạn sinh viên, dự án còn nhận được sự quan tâm, thích thú, hào hứng tham gia, nhất là sự mong chờ mỗi tháng thực hiện của các em học sinh tại trường tiểu học Khai Minh.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>Những nhu cầu về nguồn lực để thực hiện ý tưởng: </em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khi thực hiện dự án “ Đọc sách cùng trẻ”, Ban chấp hành Đoàn khoa Giáo dục Tiểu học - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Ban điều hành dự án. Ban điều hành gồm 10 - 15 sinh viên có học lực khá trở lên, yêu thích việc xây dựng ý tưởng các hoạt động. Ban điều hành sẽ:</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Căn cứ vào tình hình đầu sách tại trường tiểu học, Ban điều hành chọn sách, đoạn ngữ liệu phù hợp với chủ đề ở mỗi tháng.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Trực tiếp xây dựng nội dung, lên ý tưởng thực hiện các chủ đề.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Chuẩn bị dụng cụ, đồ dùng dạy học theo kế hoạch đã được xây dựng.(Những dụng cụ cần chuẩn bị thường là: keo, mút, giấy roki,..)</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Ở mỗi tháng thực hiện, căn cứ vào tình hình nhân sự, Ban điều hành trực tiếp tuyển thêm cộng tác viên để thực hiện dự án tại trường tiểu học, sao cho số lượng nhân sự thực hiện dự án tại trường tiểu học từ 15 – 20 sinh viên.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Ở mỗi tháng, Ban điều hành phân công 1 bạn sinh viên đứng lớp. (Bạn phụ trách chính về việc ổn định học sinh, hướng dẫn học sinh tìm hiểu sách thông qua các hoạt động)</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nội dung dự án ở mỗi tháng, được Ban điều hành xây dựng dựa trên hoạt động trải nghiệm, Ban điều hành thường tận dụng những dụng cụ, vật liệu sẵn có và lồng ghép vào nội dung các hoạt động một cách khéo léo. Vì thế, chi phí cho mỗi tháng thực hiện dự án chỉ khoảng 500.000 đồng, bao gồm các chi phí: in ấn background (dùng cho cả dự án,vì mục đích truyền thông nên có thể có hoặc không), in ấn standee, hỗ trợ đi lại cho Ban điều hành và các bạn cộng tác viên, nước uống, dụng cụ thực hiện dự án, quà bánh cho các em học sinh.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>Phương pháp thực hiện: </em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các bước lên lớp của dự án như sau:</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ổn định, chia nhóm</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Giới thiệu sách</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đọc sách với ngữ liệu cho trước</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tìm hiểu ngữ liệu bằng bộ câu hỏi đã chuẩn bị sẵn</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các hoạt động trải nghiệm</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chia sẻ cảm nhận của học sinh.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cụ thể, đối với chủ đề đầu tiên của dự án (được thực hiện vào tháng 10/2018 - Chủ đề tháng 10: Khám phá bản thân), Ban điều hành lựa chọn giới thiệu đến học sinh đoạn ngữ liệu trong quyển sách <strong><em>Tottochan- Cô bé bên cửa sổ</em></strong><em>:</em></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Chuẩn bị: Sách “Tottochan-Cô bé bên cửa sổ”, bảng nhóm, giấy stick nhiều màu, bút mực, phiếu học tập, thùng phiếu, giấy A5 cắt đôi, quà bánh.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>- </em>Nội dung các hoạt động:</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">+ <strong><em>Hoạt động 1: Ổn định - Kết nhóm</em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau khi ổn định các em học sinh, Ban điều hành sẽ tổ chức cho các em chơi một trò chơi nhỏ để kết các em lại thành các nhóm nhỏ khác nhau.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">+ <strong><em>Hoạt động 2: Sách ơi! Mở ra!</em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Học sinh sẽ được tìm hiểu 2 câu chuyện trong quyển sách <strong><em>Tôt-tô-chan – Cô bé bên cửa sổ</em></strong> đó là câu chuyện về <strong><em>Ta-ka-ha-si</em></strong> và câu chuyện <strong><em>Ngày thể thao</em></strong>:</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Câu chuyện <strong><em>Ta-ka-ha-si</em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Giới thiệu đến các em học sinh về câu chuyện trong quyển sách Tôt-tô-chan – Cô bé bên cửa sổ và nhân vật Takahasi - đó là một câu bé rất đặc biệt và nêu yêu cầu đọc câu chuyện Ta-ka-ha-si, tìm những từ ngữ nói về ngoại hình, tính cách của Ta-ka-ha-si.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau khi học sinh đọc sách xong, sinh viên đứng lớp sẽ lần lượt tổ chức đố có thưởng cho các em học sinh.(Thông qua những câu hỏi: Ngoại hình của Ta-ka-ha-si trông như thế nào? Tính cách của Ta-ka-ha-si có gì làm em ấn tượng? Nếu đặt mình là cậu bé Ta-ka-ha-si thì em sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu trong lớp có một bạn như Ta-ka-ha-si, em sẽ làm gì?</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sinh viên đứng lớp, nêu dẫn dắt sau đó chuyển các em đến ngữ liệu thứ 2: “Các em nghĩ rằng những khiếm khuyết cơ thể của cậu bé sẽ là trở ngại của cậu bé, điều mà cậu bé cảm thấy không tự tin. Nhưng liệu các khiếm khuyết đó có phải là trở ngại của Ta-ka-ha-si hay không? Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu câu chuyện Ngày thể thao.”</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Câu chuyện <strong><em>Ngày thể thao</em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nêu: “Mỗi năm, trường học của Ta-ka-ha-si đều tổ chức ngày hội thể thao và mọi người đều phải tham gia các phần thi trong ngày hội.”</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> – Yêu cầu HS nêu dự đoán cho câu hỏi: “Liệu Ta-ka-ha-si có thể tham gia tốt các phần thi trong ngày hội không? Vì sao?”.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Yêu cầu HS làm việc theo nhóm 4 và phát câu chuyện Ngày thể dục. HS trong nhóm đọc và cùng chia sẻ câu trả lời của mình cho câu hỏi đã nêu.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Mời HS phát biểu ý kiến về kết quả của dự đoán và nêu cảm nhận sau khi đọc câu chuyện.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Hỏi: “Điều gì làm cho cậu bé chiến thắng hầu hết tất cả các phần thi?”.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Nêu kết luận: “Chúng ta nghĩ rằng về thân hình nhỏ bé và khuyết tật của Taka-ha-si sẽ là điểm yếu, là trở ngại, nhưng với cậu, việc chấp nhận khiếm khuyết và cố gắng hết mình chính là điểm mạnh giúp cậu trở thành ngôi sao sáng trong cuộc thi. Như vậy, điều quan trọng là chúng ta có suy nghĩ tích cực về mình; hay lại tự ti về những điểm yếu của bản thân.”</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>+ Hoạt động 3: Chúng ta thật đặc biệt!</em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Giới thiệu hoạt động “Hãy cho tôi biết bạn là ai?”: HS viết, vẽ về bản thân mình sao cho thật đặc biệt để mọi người có thể nhận ra. HS không ghi tên mình sẽ giữ lại phiếu.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Giới thiệu trò chơi “Tìm bạn”: “Trong câu chuyện thứ hai có nhắc đến trò chơi “Tìm mẹ”. Thay vào đó, chúng ta sẽ chơi trò chơi “Tìm bạn”.”</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Hướng dẫn HS chơi: HS gấp các tờ phiếu (ở đầu buổi) của mình lại và cho vào thùng phiếu. Sau đó, GV cho từng HS bốc thăm một phiếu và HS có 1 phút để quan sát các bạn trong lớp và ghi tên người bạn mà mình nghĩ là người trong phiếu vào mặt sau tờ giấy.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Yêu cầu một vài HS nêu tên người bạn mình dự đoán, đoán đúng sẽ được thưởng kẹo.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Nêu ý nghĩa trò chơi: “Nhờ những điểm khác biệt, dù đó có thể là điểm tốt, hay là điểm chưa tốt thì đó là những điều đặc biệt, giúp chúng ta không lẫn vào những người khác. Chúng ta phải yêu quý điều đó, biết phát huy những điểm mạnh của mình, cải thiện những điểm chưa tốt, để hoàn thiện mình hơn.” (Miêu tả cụ thể, mình ngồi tổ nào, chức vụ gì, năng khiếu gì, mô tả sơ lược về bản thân, sở thích, năng khiếu) Người đoán trúng sẽ có quà.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>+ Hoạt động 4: Cùng khám phá bản thân</em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Phát giấy stick cho HS và yêu cầu HS ghi lại những cảm nhận về bản thân, về những điểm mạnh (điều mà HS tự tin) và điểm yếu (điều mà HS chưa tự tin) của bản thân. Với điểm yếu, GV khuyến khích HS phải trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để khắc phục điểm yếu đó?” và ghi câu trả lời vào trong tờ giấy.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Quan sát xung quanh và chia sẻ cùng HS.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Mời một số HS chia sẻ về điều chưa tự tin của mình và cách khắc phục.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Kết luận: “Mỗi chúng ta có những điều thật đặc biệt mà người khác không có. Và hơn hết, không ai hoàn hảo cả. Chúng ta chỉ có thể cố gắng để trở nên tốt hơn mình của hiện tại. Hãy luôn tin tưởng vào bản thân rằng chúng ta có thể thay đổi để hoàn thiện hơn.”</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>+ Hoạt động 5: Dặn dò</em></strong></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Tiếp tục đọc quyển sách</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">– Viết một đoạn hoặc một bài cảm nhận về quyển sách hoặc một nhân vật mà em thích.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>2.5. Quản lý rủi ro: </em></strong><em>(Ý tưởng sẽ gặp những rủi ro nào trong quá trình được hiện thực hóa: rủi ro tài chính, rủi ro công nghệ, rủi ro môi trường, các rủi ro khác…; Cần phải làm gì để ngăn chặn, xử lý và hạn chế những rủi ro đó?)</em></span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tùy vào tình hình thực tế của học sinh, kế hoạch hoạt động sẽ có phần thay đổi sao cho phù hợp.</span></span></p>
<p style="margin-left: 2.85pt; text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong quá trình thực hiện dự án, vấn đề về thời gian cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thực hiện dự án. Mỗi lần thực hiện, dự án chỉ có thời gian triển khai đến học sinh khoảng 40 - 45 phút (nếu thực hiện trong thời gian nhiều hơn sẽ ảnh hưởng đến giờ học chính thức của học sinh). Vì thế, nếu giải quyết được vấn đề thời gian, mỗi đợt thực hiện dự án có khoảng 60 – 70 phút, thì chất lượng hoạt động trong dự án sẽ tăng cao, học sinh sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với sách. Trong năm học 2019 – 2020, được sự hỗ trợ của Trường tiểu học Khai Minh, dự án đã được mở rộng thời gian thực hiện, giúp học sinh tiếp cận nhiều hơn với sách.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh đó, Ban điều hành dự án cũng gặp khó khăn trong vấn đề nguồn sách. Trong năm học 2018 – 2019, kế hoạch dự án mỗi tháng phụ thuộc vào nguồn sách tại thư viện. Tuy nhiên, đối với mỗi loại sách, thư viện có khoảng 5 -8 quyển, không đủ cho mỗi lần thực hiện cho khoảng 70 học sinh. Sau một năm hoạt động, Ban Điều hành dự án đã trang bị được một đầu sách (số lượng khoảng 40 quyển) trong đó có nhiều mẫu chuyện nhỏ, gần gũi với các em học sinh, và thuộc nhiều chủ đề khác nhau, sẽ tạo điều kiện cho Ban Điều hành chủ động trong việc xây dựng, thiết kế các hoạt động, giúp các em học sinh tiếp cận nhiều hơn với sách.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>Việc bình chọn bắt đầu từ bây giờ và kết thúc vào 23g00 ngày 08/10/2019.</em></strong></span></span></p>
</body></html>