<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong>Đó là một ngày tôi không bao giờ quên được. Nó đã in đậm trong tâm khảm tôi cho đến hôm nay. Đã 33 năm trôi qua từ khi tôi vào Đảng. Lúc đó tôi là một thanh niên vừa tròn 22 tuổi.</strong></p>
<p style="text-align:center"><strong><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2020/2/33196/anh%20phuoc.jpg" style="height:551px; width:600px" /></strong></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><em>Đồng chí Trần Văn Phước</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><strong>Môi trường Quân đội</strong></p>
<p style="text-align:justify">Tôi đến với Đảng thật tình cờ và bất ngờ, bởi lúc đó tôi là một thanh niên, vừa xong phổ thông trung học tôi lên đường thi hành nghĩa vụ, tôi chưa hiểu nhiều về Đảng. Tôi rất vô tư, chỉ cố gắng làm tròn trách nhiệm của người lính. Bước vào quân đội, hàng ngày tập quân sự lăn, lê, bò, lết.</p>
<p style="text-align:justify">Tối đến lại có những buổi sinh hoạt chính trị, hát hò cho quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ bạn bè thân yêu. Suốt 6 tháng sinh hoạt, huấn luyện tại quân trường Long Giao thỉnh thoảng tôi lại nghe các anh cán bộ nói chuyện với nhau rằng: “<em>Hôm nay Đại đội ta họp Chi bộ”</em>. Cái cụm từ “<em>họp Chi bộ</em>” khi đó đối với tôi hoàn toàn xa lạ.</p>
<p style="text-align:justify">Sau khi được huấn luyện quân sự tại E874 Long Giao, tôi được đưa đi học Báo vụ và lên đường sang đất bạn Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đơn vị của tôi là đơn vị thông tin của MT479 thuộc Xiêm-riệp, Campuchia. Chúng tôi đóng sâu trong cánh rừng phía sau lưng đền Angkor Wat.</p>
<p style="text-align:justify">Mùa khô 1984 – 1985, bộ đội ta mở đợt tấn công đều khắp các tuyến biên giới phía Bắc Campuchia để đẩy đuổi toàn bộ số tàn quân Pôn-pốt qua biên giới Thái Lan. Đó là “Kế hoạch K5”. Đây là một kế hoạch rất lớn, mở nhiều hướng tấn công địch và huy động rất nhiều các quân binh chủng và các đơn vị bộ đội “phối thuộc” (phối hợp và trực thuộc) từ Việt Nam sang.</p>
<p style="text-align:justify">Tháng 12 năm 1984, tôi được lệnh đi chiến dịch. Nơi tôi đến là thị trấn Xi-xô-phôn, huyện Xi-xô-phôn, tỉnh Bat-đom-boong, Campuchia. Đây là một thị trấn nhỏ, còn nghèo lắm, cứ K5 nằm dưới chân núi. Khí hậu mùa khô Campuchia thật khắc nghiệt. Mỗi ngày tôi chỉ cảm thấy thoải mái nhất là khoảng 05 giờ sáng và 17 giờ 30 chiều vì thời điểm này nhiệt độ dễ chịu hơn, còn lại là sự nóng bức vô cùng. Hằng ngày có một chiếc xe bồn chở nước đến cho các đơn vị đóng quân trong cứ K5 bộ phận thông tin của tôi có một thùng phuy nhỏ và hai ống đựng đầu đạn pháo 155mm dùng chứa nước để phục vụ ăn uống trong ngày, cón các nhu cầu khác phải đi ra dân múc nước giếng của bà con mà sử dụng.</p>
<p style="text-align:justify"><strong>Vượt qua cơn bạo bệnh</strong></p>
<p style="text-align:justify">Tôi vẫn nhớ đợt đó Trung đoàn 611 (E611) có ba đồng chí bị sốt rét ác tính phải đưa ra nằm ở “Điều trại 2” – một trạm xá tiền tiêu ở Xi-xô-phôn. Một anh tên Vượng sinh năm 1965 vô nằm được mấy ngày thì mất. Một anh tên Phụng sinh năm 1965 vô sau anh Vượng vài ngày rồi cũng ra đi. Tôi đã cùng đồng đội tiễn hai anh đến nghĩa trang liệt sĩ Sư đoàn 5 để chôn cất. Đồng đội tiễn nhau bằng vài phát đạn AK rồi phải về đơn vị. Một điều không ngờ tới là ngưới thứ ba được đưa vô trạm xá vì sốt rét ác tính không ai khác ngoài tôi. Tôi nằm “liệt giường” 24 ngày trên phòng hồi sức. Từ căn phòng nơi tôi nằm nhìn ra cửa sổ là nhà xác của bệnh viện “Điều trị 2”.</p>
<p style="text-align:justify">Tôi không ăn cơm hay cháo gì được, không ngồi dậy được, nằm im trên giường bệnh tôi suy nghĩ bao nhiêu điều. Nhưng với ý chí quyết tâm và với sức trẻ, tôi đã cố gắng vượt qua cơn bạo bệnh mà tưởng chừng không thể vượt qua được. Gần hai tháng điều trị, tôi dần bình phục và xuất viện về đơn vị nơi tôi đang phục vụ chiến dịch. Thiếu thốn và mất sức sau cơn bệnh, tôi gầy rộc người và xanh xao như tàu lá chuối. Tôi lại về với công việc thường ngày là thu – phát những bức điện đã được cơ yếu mã hóa để gửi đi những tin tức, mệnh lệnh chỉ huy của Tư lệnh MT479. Tôi cảm thấy vui với những chiến thắng của các sư đoàn và thấy hạnh phúc khi mình đã góp một phần công sức cho những tin vui chiến thắng đó.</p>
<p style="text-align:justify">Tháng 8 năm 1985, tôi được gọi về đơn vị E611 ở Xiêm-riệp để chuẩn bị hội diễn văn nghệ của Trung đoàn. Và như một cái duyên với Đảng, trong lần chi đoàn tổ chức Đại hội, tôi được bình chọn là Đoàn viên ưu tú của đơn vị. Khi đồng chí Lưu đại diện cho cấp ủy Chi bộ đơn vị lên phát biểu ý kiến định hướng cho Chi đoàn, đồng chí có nói một ý mà tôi nghe và hiểu được đó là: <em>“… lưu ý bồi dưỡng thêm cho những đồng chí đoàn viên ưu tú của đơn vị về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị để làm nguồn kết nạp Đảng cho Chi bộ…”</em></p>
<p style="text-align:justify">Khi nghe được ý này trong lòng tôi vui lắm. Có lẽ thời gian qua tôi đã giác ngộ được với tổ chức Đảng.</p>
<p style="text-align:justify">Ngày đó điều kiện đi lại còn rất khó khăn, các hồ sơ xác minh lý lịch Đảng được gởi cho các anh sĩ quan đi phép về nước mang đi giúp. Các anh sĩ quan ấy đa số quê ở miền Bắc, về phép đến thành phố Hồ Chí Minh thì phải tranh thủ gửi Đảng ủy Phường xác minh, sau khi vào chuẩn bị trả phép sang Campuchia mới ghé nhận lại. Do thời gian đi phép cũng lâu, nhiều lúc có trục trặc trong xác minh, nên địa phương không hoàn tất hồ sơ được, ngày trả phép đã đến thế là các anh phải lên xe đi thôi. Điều đó có nghĩa là hồ sơ của mình không xác minh được.</p>
<p style="text-align:justify">Và tôi đã rơi vào trường hợp như vậy. Mình cũng không trách ai được, chỉ buồn là do điều kiện đi lại quá xa xôi, không thể kịp thời. Trong thực tế có những trường hợp các đồng chí cảm tình Đảng vì lý do sưu tra, xác minh quá lâu mà không có kết quả gì đã làm cho họ nản lòng và không muốn phấn đấu tiếp.</p>
<p style="text-align:justify">Tôi vẫn không thể nào quên được khi đồng chí Oánh – Bí thư Chi bộ đã gọi tôi lên để nói rằng: “… c<em>hắc chuyến đi phép của anh đợt này, khi sang lại đây thì em đã ra quân, việc chi bộ dự kiến kết nạp Đảng em đang bị vướng ở chỗ hồ sơ hai lần gởi hồ sơ về địa phương đều bị thất lạc. Anh mong em đừng buồn, vì em đã phấn đấu rất tốt…</em>”. Nghe xong như vậy tôi có buồn, nhưng tôi cũng đã trả lời rằng: "<em>…là người tốt để được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, nếu vì một lý do nào đó không vào Đảng được thì tôi vẫn là người tốt. Anh yên tâm, tôi không bao giờ có tư tưởng “chợ chiều, cuối khóa”. </em>Tôi đứng lên bắt tay anh đi về tổ đài của mình mà trong lòng vẫn buồn lắm. Nhưng tôi đã nói rồi: <em>"Tôi vẫn là người tốt dù ở bất kỳ vị trí công tác nào…”. </em>Đó là năm 1985.</p>
<p style="text-align:justify"><strong>Sức mạnh trong mỗi con người</strong></p>
<p style="text-align:justify">Năm 1986, lần thứ ba, đơn vị lại gởi hồ sơ lý lịch của tôi về địa phương để xác minh một lần nữa. Và thật may mắn, hồ sơ đã không thất lạc nữa mà đã kịp thời đến đơn vị. Tôi được thông báo rằng hồ sơ đã về đến Đảng ủy Trung đoàn rồi. Các anh đang họp xem xét cho tôi được vào Đảng.</p>
<p style="text-align:justify">Từ cảm giác phấn đấu hết mình cho mục tiêu lý tưởng đã chọn, rồi được thông báo rằng chuyện kết nạp không được, bản thân cảm thấy như bị vấp phải cục đá, nhưng tôi đã “xốc lại hành trang” tiếp tục phấn đấu và khi được tin “…hồ sơ xác minh đã về đến Trung đoàn…” tôi như vỡ òa hạnh phúc.</p>
<p style="text-align:justify">Tôi không hiểu sao như vậy, tôi không lý giải được lúc đó, nhưng bây giờ ngồi ôn lại tôi hiểu rằng, đó là lý tưởng của mỗi người. Một khi đã có lý tưởng và đến được với lý tưởng thì nó sẽ trở thành một sức mạnh trong mỗi con người, sức mạnh đó đã giúp con người ta vượt qua được tất cả những khó khăn bằng ý chí và nghị lực bản thân. Ngày 22 tháng 11 năm 1987, tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Một cảm giác hạnh phúc, lo lắng khó tả khi chuẩn bị đứng trước cờ đọc lời tuyên thệ.</p>
<p style="text-align:justify">Liên hoan cho buổi kết nạp Đảng của tôi thật đơn giản nhưng hết sức thân thương, nghĩa tình… Một nồi chè đậu xanh nấu với đường thốt nốt và một gói thuốc thơm “Rùm-đo” (Một tháp).</p>
<p style="text-align:justify">Anh em quay quần ăn chén chè đậu xanh và cùng nói chuyện vui vẻ. Hương vị đường thốt nốt nấu đậu xanh làm cho tôi có một cảm giác thật sảng khoái và vô cùng hạnh phúc. Từ Ban chỉ huy Đại đội trở lại tổ đài báo vụ của tôi, anh em đều ôm tôi, bắt tay chúc mừng cho tháng ngày phấn đấu gian nan vất vả nay đã thành hiện thực.</p>
<div>
<p style="text-align:justify"><em>Riêng tôi, trên tay là tờ quyết nghị được đánh máy bằng giấy “pơ-luya” mỏng dính. Tôi chợt nghĩ mấy anh chị trong đại đội, trung đoàn…mười mấy, hai mươi năm tuổi Đảng còn mình hôm nay mới một ngày tuổi Đảng, vậy biết bao giờ mới được như các anh. Nhưng thời gian đã qua quá nhanh, năm nay kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tôi vừa tròn 33 năm tuổi Đảng.</em></p>
<p style="text-align:right"><strong>TRẦN VĂN PHƯỚC</strong></p>
<p style="text-align:right"><em>Quận ủy viên, Trưởng phòng Tư pháp Quận 10</em></p>
</div>
</body></html>