<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Vượt tàu qua 97 hải lý xa xôi, chúng tôi đến thăm Côn Đảo – nơi được mệnh danh là “Trường học lớn của cách mạng” để tham gia Liên hoan Câu lạc bộ Lý luận trẻ cụm miền Đông Nam Bộ năm 2020.</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Vốn dĩ một số thành viên đoàn cũng có rất nhiều dự định cho riêng mình, suy nghĩ sẽ “check-in” chỗ nào, địa danh nào để tạo ra những tấm ảnh ưng ý đăng trên trang cá nhân để “khoe” với bạn bè. Nhưng rồi khi vừa đến các di tích lịch sử trên đảo, chúng tôi lại thấy những suy nghĩ đó hết sức thiếu sót.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đi Côn Đảo không phải là một chuyến du lịch, mà đó là một hành trình học lịch sử để những người trẻ cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của cách mạng, qua Bảo tàng Côn Đảo, các di tích lịch sử nhà tù Phú Hải, nhà tù Phú Thọ, cầu tàu 914,... Đó là một hành trình làm sáng lên tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh và khí tiết cách mạng của bao thế hệ đi trước.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2020/6/33524/b41b24c4.jpg" style="height:438px; width:665px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><em>Cầu tàu 914 lịch sử. Ảnh: Đinh Hữu Ngợt, theo tuoitre.vn</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Chúng tôi được đặt chân đến thật gần với lịch sử, được chạm, được nghe và được nhìn thấy sự hy sinh oanh liệt của hàng nghìn các chiến sĩ, chúng tôi càng thêm thấu hiểu câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: <em>“Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói”. </em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Tại Côn Đảo, chúng tôi được tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề “Thanh niên với biển đảo Tổ quốc”. Lúc này, tất cả đoàn đều trăn trở những câu hỏi: <em>“Làm sao để giáo dục truyền thống và lý tưởng cách mạng cho giới trẻ?”, “Làm sao để giới trẻ thêm yêu nước và biến đó trở thành hành động cụ thể?”. </em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Tôi còn nhớ mãi lời của Trung tướng Phạm Văn Dĩ – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân khu 7: “<em>Chúng ta ngồi ở đây, nói với nhau chuyện yêu nước chỉ có trăm mấy người nghe, vậy còn những người ngoài kia thì sao? Chúng ta đã làm được gì để họ cũng có những suy nghĩ như chúng ta?”.</em> Chỉ với một câu nói ngắn gọn thôi nhưng cũng đủ nói lên biết trăn trở của chú.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Chú cho chúng tôi thấy rằng yêu nước chính là phải hành động cho thật xứng đáng với những kỳ vọng của thế hệ cha anh, chứ không phải chỉ nói rồi bắt người khác phải nghe và làm theo mình.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trung tướng Phạm Văn Dĩ cũng nói với chúng tôi về vị trí chiến lược của Côn Đảo về quốc phòng - an ninh, nằm trong vùng biển Đông Nam của Tổ quốc, là trận địa phòng thủ từ xa của Quân khu 7 và cả nước. Côn Đảo hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, di tích lịch sử, con người và được ví như “Hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Và trong hành trình khám phá vùng đất thiêng, chúng tôi đến viếng, dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang Hàng Dương với hàng ngàn nấm mộ có tên và không tên là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với dân tộc ta. Đó là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú của dân tộc ta, đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích, trong cuộc đấu trang vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Côn Đảo được ví như “Bàn thờ của Tổ quốc”, bởi sự linh thiêng và bi hùng như thế!</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Những người trẻ chúng tôi hôm nay sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Dù không phải đến đây lần đầu, nhưng qua những câu chuyện được kể tại Côn Đảo, tự đáy lòng mình chúng tôi cùng trang lứa luôn chan chứa một niềm tự hào lớn lao, mãnh liệt về lịch sử hào hùng của dân tộc ta, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ muôn vàn kính yêu.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2020/6/33524/a9b95f0aad2750790936.jpg" style="height:338px; width:600px" /></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><em>Đoàn thành phố Hồ Chí Minh lưu lại kỷ niệm tại Bảo tàng Côn Đảo </em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Tôi và các thành viên đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh tham gia Liên hoan Câu lạc bộ Lý luận trẻ cụm miền Đông Nam Bộ đều trân quý và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ:<em> “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. </em>Để mỗi ngày qua đi đều phải thật xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước.</span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><strong>ĐẶNG NGUYỄN KIỀU VY</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>----</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>* Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ “Tiếng nói Thanh niên” Đoàn trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM</em></span></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
</body></html>