<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tết quê trong ký ức tuổi thơ</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font color="#0000FF" face="Arial" size="2">
<span id="NewsContentDetail1_MsgSubject">Tết quê trong ký ức tuổi thơ</span></font></b></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Đang rảo bước trên đường, chợt
nghe ai đó gọi với: "Lan ơi, để cô chơ giúp cho", tôi quay đầu lại, phát hiện ra
cô Hoa dạy cùng trường với bố ngày trước. Vội vàng đỡ thúng rau trên đầu tôi
đặt lên xe, cô mắng yêu: "Trời rét thế này, sao ăn mặc phong phanh vậy? Mẹ đi
trước rồi hả?". </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi thật thà thú nhận: "Mẹ nói
hôm nay phiên chợ cuối năm nên tranh thủ bán hết số rau thơm trong vườn, kẻo qua
Tết nó già mất. Con chịu khó phụ giúp mẹ sẽ được thưởng một cái áo mới". Lên
ngồi sau xe đạp của cô Hoa, tâm trạng tôi lâng lâng sung sướng nghĩ về một chiếc
áo hoa rực rỡ sẽ diện đi chơi trong những ngày đầu xuân…</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="tet%20que%20trong%20ky%20uc%20tuoi%20tho.JPG" width="350" height="223"></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn cách bảy, tám trăm mét nữa
mới đến cổng chợ, nhưng con đường đã trở nên chật chội vì lượng người đi chợ mua
sắm Tết quá đông và cả vì số hàng hóa được bày tràn lan trên xe thồ, mẹt tre,
quang gánh, thúng rổi… lấn chiến đến 2/3 lòng đường. Điểm nhìn qua tôi thấy,
ngoài những mặt hàng "truyền thống" như rau xanh, chuối, đậu, đường, gà, cá,
thịt lợn…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phiên chợ hôm nay nhộn nhịp hơn
với sự góp mặt nhiều sản vật "của nhà làm ra" và các mặt hàng gần như chỉ được
bán trong những phiên chợ Tết như lá dong, dây giang, hoa cảnh, nhang vòng… Với
kiểu bán hàng này, ngày thường chắc bảo vệ chợ sẽ thổi còi inh ỏi, nhưng hôm nay
là phiên chợ cuối năm nên mọi người tha hồ tung tay, bán mua không ai can thiệp.
Dừng xe lại, cô Hoa bảo tôi: "Chợ đông quá, cháu xuống đi bộ vào tìm mẹ nhé".
Nhìn mái tóc dài óng mượt được bới cao lộ ra cái cổ trắng ngần của cô Hoa khuất
dần trong dòng người, tôi thầm ao ước khi lớn lên sẽ được một phần xinh đẹp như
cô. Chen lẫn mãi, mồ hôi ướt đẫm cả áo, tôi mới tìm thấy mẹ giữa khu rau khổng
lồ nào là xu hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây, xà lách, ngò, cải… Dường như cả
làng rau quê tôi bữa nay đều rủ nhau ra giăng hàng khoe sắc giữa chợ. Vì được
chăm chú kỹ đến bán Tết nên rau nhà nào cũng xanh mỡ màng, xu hào, cà rốt láng
bóng, tròn lẳn, bắp cải trắng bóc, chắc nịch, tròn vo. Phải chăng đây chính là
lý do để người thị xã Ninh Bình đổ về chợ Bợi quê tôi mua sắm để có rau xanh,
hoa quả còn tươi nguyên.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thấy tôi, mẹ vội vàng đỡ thúng
rau thơm xuống. Bác Lanh bán chè xanh bên dãy đối diện cười giòn, tấm tắc khen:
"Con chị đi, con dì nó lớn nhỉ. Đã theo bố vào Nam lần nào chưa cháu?". Tay
không ngừng vẩy nước cho rau xanh lại, mẹ trả lời tiếc nuối: "Nó là đứa thông
minh, hiếu học nên chồng em đưa vào Nam để điều kiện học tập, nhưng đi được nửa
năm nhớ mẹ, nhớ quê quá, nó cứ nằng nặc đòi về. Ở miền Nam sướng thế nhưng con
nhỏ gầy nhom, về nhà đói khổ, vất vả lại cứ tròn ngay thế mới lạ". Liên tục tỉa
tót những chếc lá sâu trong mấy chậu hoa hồng, hoa cúc, cô Phương tò mò tìm hiểu:
"Trong Nam giàu vậy, người ta ăn Tết thế nào nhỉ?" Ánh mắt của những người đàn
bà lam lũ loé sáng, cùng hướng về tôi chờ đợi. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi mỉm cười kín đáo, hồi tưởng
về một vùng đất phương Nam… Ngôi trường bố tôi được phân công đến dạy là xã Anh
hùng Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Vào mảnh đất cực Nam Tổ quốc, tôi
đã được đón một cái Tết vừa quen vừa lạ. Vì được thiên nhiên ưu đãi nên đời sống
người dân quê đồng bằng sông Cửu Long khấm khá hơn châu thổ sông Hồng nhiều mặt.
Quanh năm không lúc nào thiếu gạo, thiếu cá, mắm nên cái Tết đơn với người dân
quê Nam Bộ cũng linh thiêng, nhưng nhẹ nhàng, khoáng đạt, không cần chắt bóp,
tiết kiệm như miền Bắc. Tiết trời phương Nam không chuyển đổi rõ ràng như phương
Bắc nên mùa xuân cũng không khác những mùa còn lại là bao. Khu tập thể nhà giáo
viên nằm bên dòng kênh nhỏ, ngày thường khá vui nhọn do phần lớn các thầy cô đều
quê miền Bắc, miền Trung tình nguyện vào đây nên thân thiết, gần gũi nhau như
người một nhà. Tết đến, các cô chú tranh thủ về quê, cả dãy nhà bỗng vắng vẻ,
buồn đến đìu hiu. Thương thầy ăn Tết xa quê, các anh chị học sinh chở đến biếu
nhiều thứ như bánh tét, cá lọc, tôm, cua, dưa kiệu… Nhà ít người nên hầu như cha
con tôi không phải mua sắm gì thêm ngoài mâm ngũ quả theo phong cách người Bắc.
Tuy nhiên, tôi vẫn đòi bố dẫn đi chợ để biết không khí chợ Tết trong này như thế
nào. Chợ họp trên mảnh đất nhỏ ven sông. Trên bến dưới thuyền tấp nập người mua
bán. Hàng hòa nhiều nhất vẫn là các lại cá mắm, ba khía, thịt gia súc, gia cầm…</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="tet%20que%20trong%20ky%20uc%20tuoi%20tho2.JPG" width="350" height="215"></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không giống ngoài Bắc, hàng hóa
được bày trên xe thồ, xe đạp hay ngay trên nền đất, ở đây người ta dùng ngay mạn
thuyền, lòng thuyền, mũi thuyền làm nơi trưng bày hàng hóa. Người ta mua sắm khá
thoải mái chứ không cần cân nhắc, tính toán kỹ như ngoài Bắc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày xuân, nắng rải trên những
con kênh, cánh đồng và đọng lại chói chang trên những thân dừa cao vút. Ngồi
trên chiếc xuồng ba lá đi sâu vào các xóm dân cư, nhìn dòng nước đỏ ngầu phù sa,
lãng đãng trôi bên những bờ dừa nước xanh ngút ngàn, tôi bỗng nhớ quay quắt cái
không khí ngày xuân của miền Bắc. Nào là phiên chợ cuối năm tấp nập dòng người
mua bán với hàng ngàn thứ sản phẩm khác nhau. Dường như nhà nhà cùng dành dụm
tiền để ăn Tết cho lớn với hy vọng năm sau sẽ khá hơn năm trước. Tết không chỉ
là dịp người dân có cơ hội năm sau sẽ khá hơn năm trước. Tết không chỉ là dịp
người dân có cơ hội thăm chúc nhau, chưng diện quần áo đẹp. Trong bộ quần áo
mới, lũ trẻ ríu rít đi chúc Tết họ hàng, ông bà nội ngoại và đón nhận tiền mừng
tủi. Và cơn mưa xuân lất phất rơi không đủ ướt, song đọng lại trên tóc chúng tôi
những giọt nước nhỏ như những giọt sương.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tết quê nghèo miền Bắc không thật
nhiều bánh trái, rượu thịt, nhung mỗi người và biểu lộ tràn trề trên từng gương
mặt. Gia đình nào cũng rộn rã tiếng cười, lời chúc tụng lan tỏa trong mùi nhang
trầm, nhang quế. Nếm một miếng thịt đông trên mâm cỗ phần nhiều là rau, hương
mát mềm đọng mãi trên môi… Xuồng vừa cặp bến, anh Út Thẩm thẳng thắn đề nghị: "Nhất
định hôm nay thầy phải xỉn mới được về ". Mâm cỗ được bày ra ngoài thịt kho tàu
còn cả vịt tiềm và lẩu mắm. Đưa đũa gắp mấy cọng rau xanh cho vào miệng tôi phải
nhăn mặt vì cái vị đắng gắt của nó. Chai rượu để trên bàn đã cạn gần tận đáy,
nhưng tiếng cụng "zô, zô" vẫn tiếp tục vang xa…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiếng bác Lanh lanh lảnh, kéo tôi
về hiện tại: "Nhà Hoạt năm nay ăn Tết lớn thế. Mua mấy ký thịt mà nhiều thế?".
Đưa mắt nhìn, tôi nhận ra thím Hoạt đang đến gần. Đôi quang gánh chất đầy những
nải chuối tiêu đã chuyển màu ươm ươm vàng, bên cạnh treo khoảng ba, bốn ký thịt
lợn. Khác với cái tên cha mẹ đặt cho là Linh Hoạt, vợi chồng thím Hoạt lại hiền
lành đến mức khù khờ nên dù chịu khó bươn chải, cần mẫn quanh năm, nhưng gia
đình vẫn thuộc dạng nghèo nhất nhì trong làng. Nghe bác Lanh hỏi vậy, người đàn
bà quê mùa có gương mặt lam lũ cười buồn, phân minh: "Số cô chẳng giàu thì nghèo;
Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà". Cực khổ quanh năm rồi các chị ạ, năm mới cũng
phải cho mấy đứa nhỏ biết thế nào là cơm no, thịt kho chứ". Nở nụ cười trên
gương mặt đầy nếp nhăn với chiếc miệng móm rụng gần hết răng, bà Vân bán bánh đa
nem gần đó cảnh báo: "Cẩn thận kẻo no ba ngày Tết, đói ba tháng hè". Cuối đông,
tiết trời còn se lạnh, nhưng những giọt mồ hôi vẫn lấm tấm trên vầng trán, gương
mặt những người đàn bà tảo tần…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau một lúc tần ngần, mẹ quyết
định đưa tôi đến ngầy bán quần áo, chọn mua hai chiếc áo với giá cả vừa phải cho
tôi và em Quân. Gần đứng Ngọ, phiên chợ vắng dần bóng khách. Vài người mải bán
hàng vội hối nhau đi sắm Tết kẻo hết hàng. Thấy cô Ngân nhân viên ngân hàng đi
qua, mẹ cất tiếng hỏi: "Cô đã đổi tiền mới cho chi chưa?". Nhìn mẹ cầm xấp tiền
mới cất kỹ vào trong giỏ, tôi biết mình sắp bước sang một tuổi mới. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên con đường dẫn vào trong xóm
nhiều gia đình đang tranh thủ quét dọn sân, vườn để tươm tất đón xuân. Chưa kịp
dựng chiếc xe đạp, mẹ đã lớn tiếng hỏi Quân: "Có chụm lửa đều cho nồi bánh chưng
không hả con?". Nhìn ngọn lửa reo vui tí tách, tôi mở nắp nồi, hít một hơi thật
dài mùi nếp béo ngậy hòa trong mùi lá dong thoang thoảng thơm và cất tiếng reo
vang: "Bánh chưng chín rồi mẹ ạ"…</font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo Công An TP.HCM</font></i></b></p>
</body>
</html>