Tết Nguyên Đán và các phong tục ngày Tết

Tết Nguyên Đán và các phong tục

Tết Nguyên Đán và các phong tục ngày Tết

Tết Nguyên Đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân - hạ - thu - đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng... Nhân dịp Tết Nguyên Đán Đinh Hợi 2007, Thông tin trong Đoàn xin giới thiệu với các bạn về Tết Nguyên Đán và các phong tục ngày Tết.

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Ta hay Tết Âm Lịch, hay gọi tắt là Tết) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt. Tết được coi là sự khởi đầu của một năm mới, kết thúc của một năm cũ (giao thừa). Vào ngày này, mọi người trong gia đình thường tụ họp lại để tổ chức đón mừng một năm mới âm lịch theo phong tục của người Việt. Điều này thể hiện sự đoàn viên, sum họp, ấm no, hạnh phúc. Cùng với cành đào, cành mai, cây quất, bánh chưng, dưa hành... và tục lễ dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, bàn thờ... ăn mặc đẹp trong các ngày tết....người Việt như muốn cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Thêm vào đó cũng là để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, hướng về tổ tiên.

Phong tục

Tục lệ của Tết Nguyên Đán có rất nhiều, từ dọn dẹp nhà cửa và trang hoàng bàn thờ như tất cả các ngày lễ, hay ngày giỗ… cho đến những tục lệ đặc biệt cho Tết như:

- Cúng ông Công ông Táo - theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng; ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình.

- Cúng Giao Thừa

- Cành mai

- Cành đào

- Cây quất

- Chúc thọ người lớn

- Mừng tuổi người trẻ

- Sêu tết…

Từ những tục lệ chung của toàn thể văn hóa dân tộc như:

- Lì xì - trong tiếng Hoa, có nghĩa là điều may mắn.

- Đốt pháo - được coi là tống tiễn năm cũ, nghênh đón năm mới. Hiện nay đã bị chính phủ Việt Nam nghiêm cấm với lí do an toàn phòng cháy.

- Đi cúng chùa và hái lộc - trong tiếng Việt, lộc còn có nghĩa là những điều tốt đẹp mà trời cho.

- Thăm viếng họ hàng - để gắn kết tình cảm gia đình họ hàng…

Cho đến những tục lệ có sắc thái địa phương như:

- Xin xăm tại Lăng Ông

- Đi lễ Chùa Hương

- Đi lễ Núi Bà…

Từ những tục lệ do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như:

- Múa rồng

- Múa lân

- Cấm quét nhà và đổ rác trong 3 ngày tết...

Cho đến những tục lệ mang hoàn toàn tính chất Việt như:

- Dựng nêu

- Hạ nêu

- Sớ Táo quân

- Mâm ngũ quả - phải có ít nhất đủ 5 loại quả. Các loại quả này biến thiên theo từng khu vực. Ví dụ, trong miền Nam là mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài (tượng trưng cho câu nói: "cầu vừa đủ xài").

Từ những món ăn ngày Tết:

- Bánh chưng

- Bánh tét

- Mứt

- Chè

- Bún thang...

Cho đến các trò giải trí như:

- Bịt mắt bắt dê

- Múa võ

- Hát bội

- Hát cải lương

- Hát chèo

- Nhiều loại bài bạc cổ truyền.

Theo luật lệ xưa, Tết bắt đầu từ đêm Giao Thừa (lúc 0 giờ của năm âm lịch mới) và chấm dứt vào 7 ngày sau, sau khi làm lễ hạ nêu. Ngày nay chỉ còn ba ngày đầu là quan trọng tại Việt Nam. Việt kiều tại Âu châu hay Bắc Mỹ hoặc chỉ giữ ngày Mùng Một hoặc tổ chức Tết vào ngày cuối tuần gần nhất.

Tết, và các tục lệ, được nhắc đến rất nhiều trong ca dao Việt Nam:

* Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy

* Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè

* Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh

Ý nghĩa các phong tục ngày Tết

* Giao thừa: Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng  lại kết thúc vào lúc giao thừa. Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.

* Tục lệ đầu xuân: Tục lễ động thổ bắt đầu ở Trung Quốc sau truyền sang Việt Nam. Động thổ nghĩa là động đất, và trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới.

* Cây nêu ngày Tết: Có nhiều truyền thuyết, ca dao, tục ngữ về tục dựng cây nêu trước nhà của các dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết Nguyên Đán, song trong đời sống, nó vẫn lạ lẫm với nhiều người bởi ngày nay tập tục xưa đã không còn nữa. Cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt. Dựng nêu ngày Tết là để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên.

* Mâm ngũ quả: Ngày Tết, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Mâm ngũ quả bên cành đào, câu đối đỏ, bức tranh Tết, bánh chưng xanh... tạo nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến, xuân về. Không biết phong tục này có từ bao giờ, phải chăng vì đất nước ta vốn bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa Xuân hoa quả càng rộ. Hoa quả là lộc của thiên nhiên, đất trời. Lộc Xuân càng quý. Dâng lộc trời, cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu Xuân thật là một tục lệ đẹp đẽ đầy nét nhân văn.

* Bánh Chưng - Bánh Dầy:

- Bánh Dầy tượng trưng cho Trời, hình tròn, nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Màu trắng nõn. Có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưới, cho sạch sẽ vệ sinh, khi mua bán.. Mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời. Trong xã hội Việt Nam thời xưa, bánh dầy dùng làm lễ vật tinh khiết để tế trời và tế thần. Chấp nhận Trời là đấng khai sáng vũ trụ, chủ tể trời đất. Thần là chủ trì địa phương.

Bánh dầy còn là lễ vật khao vọng cho những kẻ được thăng quan tiến chức, hay học hành đỗ đạt. Biếu cặp bánh dầy là có ý nói lên lòng mơ ước tân-chức biết sống có đức-độ, lấy quyền hành mà làm ích quốc lợi dân, thảo hoạch chương trình hành động theo ý trời, hợp với lòng dân. Một thứ nhắc khéo là đừng vinh thân phò gia, đừng ức hiếp dân lành, đừng vơ vét tham nhũng của dân... Một tệ nạn xã hội mà ngày nay ta thấy đầy dẫy, ở những nước chậm tiến hay cấp tiến!

Nếu tân-chức không phải là người đức-độ, thì lễ vật sẽ ra vô nghĩa, đầy mỉa mai, một thứ thùng đánh thì kêu vang, nhưng bên trong thì trống rỗng. Quên nội dung phong phú mà chỉ vì hình thức, bỏ thực chất mà bám vào tục lệ thì cặp bánh dầy sẽ thành vật cứng đè trên đầu trên cổ người dân. Trái lại, nếu tân-chức có tác-phong lãnh đạo, đem tài đức phục vụ nhân dân... thì hành động của tân-chức sẽ quay tròn như một vòng sinh-khí vận hành không gián-đoạn, đem lại cho người dân một cuộc sống thanh cao, đất nước được phồn thịnh và phát triển mạnh.

Về sau, có người gọi bánh dầy lạc qua là Bánh Tét cho gần với từ ngữ TẾT.

- Bánh chưng thì hình vuông, tượng trưng cho Đất, theo quan niệm bình dân: Trời tròn đất vuông. Bánh dầy tượng trưng cho Trời, cho cha, cho rồng, cho sức mạnh... thì bánh chưng tượng trưng cho Đất, cho mẹ, cho Âu Cơ, cho vẻ đẹp mỹ miều của Tiên nữ. Việc gói bánh chưng phiền phức hơn làm bánh dầy, cũng nói lên tính cách phiền toái, đa dạng của lối sống trên mặt đất. Bánh chưng gói ghém hoa màu đồng nội, biến những thực phẩm thông thường hàng ngày của người nội trợ như: thịt, mỡ, đậu, hành, tiêu muối... thành một hương vị đặc biệt của ngày Tết.

Bánh chưng gói lá dong xanh, lúc nấu chín làm cho nếp vút trắng tinh ngả sang màu non lá mạ, tượng trưng cho hoa đồng cỏ nội, cho dân dã, cho ngành nông nghiệp, cho môi sinh trong lành.

Bánh chưng gói vuông vức mang nặng nhiều ý nghĩa. Vuông là thẳng đường mà đi, không quanh co, dấu ẩn. Vuông là ngay thật, có sao nói vậy, không dối trá lừa đảo.Vuông là dứt khoát, xử lý phân minh, chính trực, đúng luật chứ không nể vì, thiên vị, bóp méo sự thật. Bánh chưng gói vuông vức còn nói lên tính cách vững vàng, để đâu còn đó, không chạy vào túi ai! Bánh chưng khi ăn chỉ có thể cắt ra từng miếng chớ không vo tròn, kéo dãn hay thu hẹp lại. Bánh chưng có nhân có nhụy, mềm dẻo, dễ ăn và ăn lại ngon miệng. Trẻ cũng thích ăn mà người già, răng yếu mềm cũng ăn được.

Bánh chưng được gói năm ba lớp lá như lòng người mẹ bao bọc lấy người con. Con từ khi trong lòng mẹ, đến khi con chào đời, mẹ lo lắng cho từng cái khăn tã, cái miếng cơm ăn, miếng nước uống. Lòng mẹ bao la không hề quản khó nhọc nuôi con, dạy dỗ cho con thành người. Ngày Tết, ngày sum họp gia đình, ăn một miếng bánh chưng là cảm nghĩ về mẹ, sống với mẹ. Anh chị em đùm bọc lấy nhau, vì cùng một mẹ sinh ra như trăm con nở ra từ một bọc trứng! Ngày TẾT là ngày vui nhất của đại gia đình về sum họp

Bánh chưng xanh, nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín... là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an-vui xóm làng... gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an-cư lạc-nghiệp của con người. Một Mùa Xuân an bình cho con người, cho đất nước thân yêu, cho nhân loại.

Hòa bình và Môi sinh tế nhị mỏng dòn, không thể dùng áp lực trấn áp để rạch nát bánh chưng mà phải bóc gỡ từng lớp lá cẩn thận, có thứ tự lớp lang. Phải nhẹ tay, khéo tay mới thành đạt. Phải dùng sợi lạt nhỏ của nó để cắt từng khúc bánh chưng, chứ không ai dùng dao cắt một cách phũ phàng. Hòa bình phải từ bên trong phát xuất ra, chứ không thể dùng sức mạnh áp đảo hay áp đặt từ bên ngoài!

Có mấy ai để ý đến cách gói bằng cột lạt phân chia bánh chưng ra làm 9 khung đồng đều không? Vì thực ra, bánh chưng còn tiêu biểu cho công bằng pháp lý, cho việc chia cắt ruộng đất hợp lý và tổ chức xã hội Việt Nam thuở xưa. Thôn xóm thì có lũy tre xanh bao bọc. Ruộng đất thì có phần mầu mỡ, phần kém tốt tươi. Phần màu mỡ dùng làm công điền công thổ. Phần còn lại đem phân chia đồng đều cho dân làng. Chia đều để tránh phân bì, ghen ghét và trọng tư cách mỗi nhà.

Cho nên lúc ăn bánh chưng, phải lấy lạt tre cắt sao cho các phần đồng đều, vừa đẹp mắt, vừa không ai phân bì ít nhiều, để nhớ đến biểu tượng công bằng xã hội của bánh chưng.

Trước thềm Năm Mới, chúng ta ôn lại những cái hay cái đẹp của ngày Tết và phong tục ngày Tết của dân tộc ta, trong đó gói ghém những ý hướng giáo dục sâu sắc về dân về nước, có thể nói đó như là một Thông điệp đầu năm.

NTTH (st)

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tối ngày 23-3, Tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) và Trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn lần thứ 23, năm 2025. …

Agile Việt Nam
;