<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thú chơi câu đối Tết của người x</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial"><b><font color="#0000FF" size="2">
<span id="NewsContentDetail1_MsgSubject">Thú chơi câu đối Tết của người xưa</span></font></b></font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Chẳng biết thú chơi câu đối
Tết có ở Việt Nam ta từ bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu rồi, chơi câu đối Tết
đã được xem như một thú chơi tao nhã dành cho mọi người, mọi nhà, một phong tục
tập quán đẹp, một nghi lễ có tính chất văn chương độc đáo và không thể thiếu
trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.</font></b></p>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2">Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ</font></i><font face="Arial" size="2"><br>
<i>Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sử sách chép, vào thời Lê, thú
chơi câu đối được đặc biệt ưa chuộng. Câu đối không chỉ được dùng phổ biến vào
mỗi dịp Tết đến xuân về mà còn trong cả các dịp trọng đại khác như cưới hỏi, ma
chay, về nhà mới, sinh con trai, thi đỗ, được thăng chức… Vua Lê Thánh Tông ngày
Tết còn lệnh cho tất cả mọi nhà đều phải dán câu đối đỏ, bất kể đó là nhà nông
hay trí thức, kẻ nghèo hàn hay bậc đế vương.</font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="thu%20choi%20cau%20doi%20Tet.bmp" width="300" height="341"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chơi câu đối Tết không tốn kém,
cũng chẳng cần cầu kỳ sơn son thếp vàng, chạm tổ, khắc gỗ như câu đối thờ hay
câu đối mừng… Chỉ cần cái bút lông, tờ giấy đỏ, ít mực Tàu là có ngay đôi câu
đối. Người biết chữ ít làm câu đối dở. Người biết chữ nhiều làm câu đối hay.
Người không biết chữ thì đi mua câu đối, từng có những chợ chuyên bán câu đối
Tết và những ông đồ chuyên đi viết câu đối Tết thuê. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn người trong làng ngoài xóm
với nhau lại sắm chút lễ mọn quả cau, tấm trầu, be rượu đến nhà thầy đồ xin câu
đối. Những thầy đồ Nho viết câu đối cho ai đó, được coi như đã ban phúc cho bản
thân và gia đình họ. Qua đó nhà nào cũng có câu đối để chơi, thêm nữa tình làng
nghĩa xóm càng được thắt chặt.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Câu đối Tết thường được viết vào
giấy đó vì màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm, phù hợp với không khí thiêng liêng
của ngày Tết cổ truyền. Màu đỏ còn chống được hơi sương, cái khí âm của ngày
đông tháng giá. Giấy đỏ có hai loại: Hồng điều thì nồng ấm, biểu trưng cho sự
nhiệt thành; cánh sen là đỏ mà như tím biếc pha chút tươi mơ, gợi ra những ước
vọng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chữ viết trên câu đối có thể là
chữ Hán hay chữ Nôm; hoặc chân phương hay bay bổng; hoặc triện hay lệ, đậm hay
nhạt… tùy vào sở thích và ý tứ của người chơi. Sự mộc mạc, đơn giản nhưng không
kém phần tài hoa, thâm thúy trong nghệ thuật đối chọi chữ và nghĩa của thú chơi
cứ thế thấm sâu, thấm sâu dần vào tâm tư, tình cảm, nếp sống của người dân để
trở thành một phong cách văn hóa, độc đáo cả về phương diện trí tuệ lẫn thẩm mỹ
nghệ thuật. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vào mỗi dịp xuân về, mỗi nhà treo
một đôi câu đối đỏ trước bàn thờ tổ tiên, hay nơi cột nhà, cổng ngõ, ngoài chức
năng trang trí còn mang lại hương vị Tết, không khí Tết đậm đà bản sắc, làm
phong phú thêm cái Tết vốn đã vô cùng phong phú của dân tộc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Do tính chất đặc biệt, mừng năm
mới, mừng xuân nên câu đối Tết thường là những lời chúc tụng với chủ đề nổi bật:
cát tường như ý. Người chơi gửi vào đó niềm vui, những ước mong, hy vọng cho một
năm mới tốt lành:</font></p>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2">Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày,
được trăm cái Tết<br>
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân<br>
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ<br>
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên</font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">(Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa
xuân. Người có trăm tính, tính hiếu thảo là cần trước hết).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng có không ít câu đối Tết chứa
đựng nỗi buồn, những chua cay, trăn trở của gia cảnh và thời cuộc. Đây là câu
đối Nguyễn Công Trứ viết và dán trong nhà mình ngày Tết:</font></p>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2">Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù,
co cẳng đạp thằng Bần ra cửa;<br>
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.</font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hay Tú Xương, một người luôn lận
đận trên con đường thi cử, luôn mặc cảm với cảnh nghèo khó, sống nhờ vợ nhờ con
lại tự cười rồi an ủi mình bằng câu đối Tết:</font></p>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2">Nực cười thay, nêu không, pháo
không, vôi bột cũng không, mà Tết;<br>
Thôi cũng được, rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi.</font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều câu đối Tết, ngoài giá trị
giải trí, văn hóa, xã hội, còn như một áng văn chương đặc sắc. Thông qua việc
miêu tả hiện thực, bằng trò chơi chữ nghĩa, câu đối Tết có thể thuật lại một
cách chân thực và sinh động vô vàn chuyên đời, chuyện người, từ nhỏ đến lớn, từ
xưa tới nay. Đây là một câu đối Nôm thường được dán ở điếm làng mỗi khi Tết đến.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><i>Cấm đinh, cấm đáo, cấm pháo
thắng thiên, cấm tiền xóc ống, cấm búng xa quay, cấm quay thò lò, cấm tuốt.<br>
Có bầu, có bạn, có ván cơm xôi, có lưng hũ rượu, có gì?</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đọc lên thấy hiện ra trước mắt cả
một quang cảnh nhộn nhịp của những hội hè đình đám, những ngày Tết khi xưa với
nhiều trò chơi dân gian, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp mà nay không còn lại
mấy nữa.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Câu đối vốn là lối chơ chữ nghĩa
của Hán tự nhưng với câu đối Tết, người ta hay dùng chữ Nôm để viết hơn. Có lẽ
bởi chữ Nôm là chữ viết của dân tộc Việt, gần gũi, quen thuộc với người dân Việt
nên dễ dàng khắc họa, miêu tả sinh động hiện thực cuộc sống đất nước Việt và
phản ánh sâu sắc, tế nhị tâm tư tình cảm con người Việt hơn. Với câu đối viết
bằng chữ Nôm, hương vị ngày Tết Việt càng trở nên đậm đà.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau này, khi xã hội đổi thay,
nước nhà giành độc lập thì câu đối Tết còn được sáng tác bằng chữ Quốc ngữ, nó
mang một sắc thái mới, đầm ấm, vui tươi hơn và tràn đầy sức sống.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><i>Vải mậu dịch bán về, nào hồng,
nào tía, nào đỏ, nào xanh, con cháu đua nhau khoe áo Tết;<br>
Trà quốc doanh mua được, vừa đậm, vừa thơm, vừa ngon, vừa rẻ, ông bà vui chén
nhấp tình xuân.</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cùng với nhịp sống mới, cùng với
sự tàn lụi của "cái học nhà Nho", nhiều phong tục cũ đã mai một, thú chơi câu
đối Tết giờ không còn được ưa chuộng như trước nữa. Nhưng đâu đó trong lớp người
già cả, câu đối vẫn được sáng tác và lưu truyền. Trên những trang báo Xuân, báo
Tết, người ta vẫn bắt gặp những câu đối được đăng trang trọng với nội dung hiện
đại ca ngợi sự đổi thay và phát triển của đất nước…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Và sẽ không phải là khó khăn lắm
nếu bạn muốn có một đôi câu đối để treo trong nhà dịp Tết này. Tìm đâu đó trên
hè phố Bà Triệu hay một góc nhỏ quanh khu Văn Miếu vào những ngày áp Tết, bạn sẽ
gặp lại một hình ảnh quen thuộc: những "ông đồ" già có, trẻ có trong nhóm Cảo
thơm như Tú Sót, Dương Hồng Thanh, Nguyễn Quang Thắng hay những sinh viên chuyên
ngành Hán Nôm bày mực Tàu giấy đỏ, kiên trì, gò lưng viết chữ. Chỉ mất dăm ba
chục ngàn gọi là "tiền giấy mực" là bạn có thể "dinh" về nhà một câu đối đỏ để
trang hoàng nhà cửa, để vui với trò chơi chữ nghĩa.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong không khí tràn ngập sắc
xuân, tìm đến với một thú chơi tao nhã, một vẻ đẹp thâm sâu nơi nguồn cội để
thưởng thức một chút cái phong vị Tết cổ truyền, đó cũng là cách góp phần gìn
giữ nét riêng của văn hóa Việt, gìn giữ những tinh túy từ ngàn xưa ông cha ta để
lại. Trộm nghĩ, đó còn là một cách thư giãn mang tính văn hóa cao.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SK&ĐS</i></b></font></p>
</body>
</html>