<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Một số lời dạy của Bác Hồ về đạo</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Một số lời dạy
của Bác Hồ về đạo đức, lối sống</b></font></p>
<div style="float: left; width: 183px; height: 54px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="1%20so%20loi%20day%20BH.bmp" width="265" height="217"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
Người làm việc trong hang đá ở Việt Bắc</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p><font face="Arial" size="2">1. Đối với mình - Phải siêng năng, không được
lười biếng, ai lười biếng không làm được việc. Phải tiết kiệm, không xa xỉ, vì
xa xỉ hóa ra tham lam, nhất là đối với tiền bạc của đoàn thể phải rất phân minh.
<i>(Con đường giải phóng. Tháng 12 năm 1940 - Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)</i></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">2. Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi,
phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi
trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu. <i>(Bài nói chuyện với bộ đội, công an
và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô ngày 5 tháng 9 năm 1954) </i></font>
</p>
<p><font face="Arial" size="2">3. Trong giáo dục không những phải có tri thức
phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức,
tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa,
không giúp ích gì được ai. <i>(Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các
trại hè cấp I ngày 12 tháng 6 năm 1956)</i></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">4. Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể
mà có. Vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn. Khiêm tốn
và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có. <i>(Nói
chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp
của các tổng cục. Tháng 5 năm 1957)</i></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">5. Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai
chân của con người. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Cần mà không Kiệm, "thì làm chừng nào xào chừng
ấy". Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết
chừng ấy, không lại hoàn không. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không
phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ
đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt
dần, cho đến khi khô kiệt. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một
cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người
phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Tự mình phải Chính trước, mới giúp được người
khác Chính. Mình không Chính, mà muốn người khác Chính là vô lý. <i>(Cần Kiệm
Liêm Chính. Tháng 6 năm 1949). </i></font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Sưu tầm</b></i></font></p>
</body>
</html>