<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Toà Đại sứ Mỹ trong cuộc Tổng ti</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Toà Đại sứ Mỹ
trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Di tích tòa Đại sứ Mỹ còn được
gọi "Nhà trắng phương Đông" là nơi xuất phát các âm mưu thâm độc về quân sự lẫn
chính trị nhằm thôn tính lâu dài đất nước Việt Nam, địa điểm di tích là tòa nhà
5 tầng xây dựng theo kiến trúc hiện đại, tọa lạc tại góc đường Mạc Đĩnh Chi - Lê
Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trên một mảnh đất rộng gần
5.000m2. Trước đó, tòa đại sứ Mỹ nằm tại số 39 đường Hàm Nghi. Khoảng 10 giờ
sáng ngày 30/3/1963, tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi đã bị đội Biệt động F21
đánh chất nổ làm sập 3 tầng lầu: 1, 2, 3 do đó Mỹ đã quyết định xây lại. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tòa nhà được khởi công xây dựng
vào năm 1965, hầu hết vật liệu cũng như máy móc xây dựng đều được chở từ Mỹ
sang, dưới sự điều khiển của kỹ sư người Mỹ. Theo thiết kế, tòa nhà bao bọc bởi
7.800 viên đá Taredo có khả năng chống đỡ mìn, đạn pháo. Cửa chính trang bị bằng
thép dầy, những cửa khác chắn bởi lớp kín dầy đặc biệt chống đạn. Tất cả cửa sử
dụng hệ thống tự động kể cả cửa sắt chắn lối lên các tầng lầu. Bên trong tòa nhà
gồm 140 phòng với 200 nhân viên phục vụ ngày đêm ngoài ra bên cạnh tòa nhà còn
được xây thêm một dãy nhà phụ gọi là khu "Norodom" dành riêng cho nhân viên
C.I.A. Khi khánh thành, tòa nhà chỉ có 3 tầng. Cuối năm 1966 xây thêm 2 tầng và
1 sân thượng dùng làm nơi hạ cánh cho máy bay lên thẳng. Bao quanh tòa nhà là
bức tường cao 3m, hai đầu tường sát đường Lê Duẩn xây 2 lô - cốt cao, canh gác
ngày đêm. Tòa Đại sứ hoàn thành tháng 9/1967 với một hệ thống phòng thủ như là
một pháo đài có 60 lính gác, một hầm tránh bom, một hệ thống màn hình ra-đa nhằm
kiểm soát mặt tiền. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay sau khi tòa nhà hoàn tất,
ngày 24/9/1967, hàng ngàn sinh viên, học sinh kéo đến trước cổng Đại sứ quán Mỹ
đấu tranh đòi "Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc", "Mỹ cút về nước" và ra thông báo
tố cáo Mỹ "chà đạp và vi phạm nghiêm trọng quyền tự quyết của nhân dân miền
Nam". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng sự kiện nổi bật xảy ra tại
Tòa Đại sứ Mỹ là trận đánh của Biệt động thành trong Tổng Tiến công và nổi dậy
xuân Mậu Thân 1968. Mục tiêu đánh Đại sứ quán Mỹ được bổ sung ngày 24/ 1/1968 do
Ngô Thành Vân phụ trách chung. Đội Biệt động 11 nhận lãnh nhiệm vụ quan trọng
này gồm đội trưởng Út Nhỏ (đội trưởng trinh sát quân khu) và các chiến sĩ: Bảy
Truyền, Tước, Thanh, Chức, Trần Thế Ninh, Chính, Tài, Văn, Đực, Cao Hoài Vinh,
Mang, Sáu và 2 lái xe: Trần Sĩ Hùng và Ngô Văn Thuận. Một sự kiện khác cũng
không kém phần tủi nhục cho Toà Đại sứ Mỹ là cảnh hỗn loạn tháo chạy xảy ra
trong 2 ngày 29 và 30/04/1975 của Mỹ và đồng bọn. Trước sức tấn công thần tốc
của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trên 1.000 người
Mỹ và hơn 5.000 người Việt thân Mỹ đã chen lấn, xô đẩy, đạp nhau để tranh giành
một chỗ trên sân thượng của toà nhà hòng được trực thăng cứu thoát. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Di tích này đã được cấp bằng công
nhận của Bộ Văn hoá theo quyết định số 77A/VHQĐ ký ngày 25/06/1976. Hiện nay,
toà nhà Đại Sứ Mỹ đã bị phá bỏ, xây mới thành lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí
Minh, nhưng cạnh đó một bia tưởng niệm ghi nhớ mãi chiến công của các chiến sĩ
biệt động đã hy sinh trong trận đánh.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo www.hochiminhcity.gov.vn</i></b></font></p>
</body>
</html>